Lãnh đạo giáo dục Huế "cũng phải run" khi xem nữ sinh đánh bạn

(PLO) - “Tôi đã run khi xem đoạn clip này. Các nữ sinh này đã chửi bới và đánh bạn quá dữ. Quan điểm của Phòng sẽ xử lý nghiêm khắc, đồng thời thông báo cho các trường để có cách giáo dục học sinh không có bạo lực”.
Các em học sinh lớp 7 đánh nhau tại trường (Hình ảnh cắt từ clip)
Các em học sinh lớp 7 đánh nhau tại trường (Hình ảnh cắt từ clip)

Đó là quan điểm của ông Phan Nam - Trưởng phòng GD – ĐT TP. Huế. Vào trưa ngày 12/1, ông Nam  cho biết, Phòng GD – ĐT TP. Huế sẽ có buổi họp cùng Ban giám hiệu trường THCS Trần Phú và các giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách, ban đại diện cha mẹ hội học sinh trường để xử lý nghiêm việc này.

Trao đổi với PV, Tiến sĩ Phạm Văn Hùng  - Giám đốc Sở GD– ĐT tỉnh TT. Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo phòng giáo dục TP. Huế cùng với lãnh đạo nhà trường làm việc với gia đình phụ huynh có học sinh tham gia đánh bạn phải xin lỗi em H. và gia đình em này.

Theo ông Hùng, những nữ sinh tham gia đánh bạn tại Trường THCS Trần Phú thì nhà trường phải tiến hành xử lý, kỷ luật; những học sinh thấy em H. bị đánh mà không can ngăn cần bị phê bình nghiêm khắc để làm gương cho những học sinh khác.

Cũng theo ông Hùng, với việc để xảy ra vụ việc trên, Trường THCS Trần Phú sẽ bị cắt các danh hiệu thi đua trong năm học 2015-2016, đồng thời những giáo viên chủ nhiệm có học sinh liên quan đến vụ việc này cũng sẽ bị cắt danh hiệu tương tự.
"Ngành GDĐT Thừa Thiên - Huế quyết tâm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, để xảy ra điều này là rất phản cảm”, ông Hùng nói.
Về mặt tâm lý, chúng tôi đã cuộc trao đổi với Thạc sĩ Tâm lý Đỗ Văn Nghĩa, phụ trách khoa sư phạm, trường Trung cấp Âu Lạc. Theo Thạc sĩ Nghĩa, bạo lực học đường đang là vấn nạn của nên giáo dục hiện nay ở nước ta.
Em H. và 4 nữ sinh nói trên đang ở độ tuổi thành niên, vì vậy các em dần bắt đầu hình thành thứ tình cảm mơ hồ, thích và không thích bạn khác giới. Vì thế nguyên nhân xuất phát từ tình cảm là có thể hiểu được. Trong trường hợp này các em đã khá bồng bột, giải quyết vấn đề theo tiêu cực là dùng bạo lực, chứ không lường trước được những việc mình đang làm. 
Ở nữ giới, độ tuổi này bắt đầu dậy thì và có biểu hiện bất thường về tình cảm mơ hồ về thích và không thích bạn khác giới.
Trường hợp H. bị đánh chỉ là cách giải quyết vấn đề tiêu cực khi muốn “đánh dằn mặt" bạn mình một trận, chứ không nghĩ đến hậu quả của hành vi đó.
“Các bậc phụ huynh nên ngồi với con mình, lắng nghe con mình và trở thành một người bạn của con. Từ đó nắm bắt được những suy nghĩ của con trẻ để có sự định hướng, khuyên răng kịp thời”, Thạc sĩ Nghĩa chia sẻ.

Đọc thêm