“Mẹ ơi, con không muốn tới trường học nữa!”

(PLVN) - “Mẹ ơi, con không muốn tới trường học nữa. Con chỉ sợ đến trường, các bạn lại chửi bới, đánh đập con”; “Mỗi khi con ngủ, con lại nhớ tới cảnh các bạn xúm lại đánh vào mặt con, nện vào đầu con, đạp vào người con rất đau đớn. Con hoảng loạn và sợ hãi lắm!”. “Trường học đối với con nó là địa ngục” … Đó là tâm trạng sợ hãi, bi quan, chán chường của một số nạn nhân là học sinh bị bạo lực học đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những “côn đồ nhí” đánh đập dã man bạn học

Chiều tối ngày 20/8/2020, mạng xã hội xôn xao trước clip quay lại cảnh 1 nữ sinh đang hành hung bạn. Không rõ giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn gì mà cô bé mặc áo trắng xông vào đánh bạn túi bụi, ghì người xuống đất và liên tục tát tai, dập đầu nạn nhân xuống nền đất cứng. Cô bé bị đánh không thể phản kháng và chỉ biết cố gắng vùng vẫy.

Đoạn clip kết thúc với cảnh thủ phạm hốt hoảng khi nạn nhân bị chảy máu tai. Được biết, sự việc xảy ra tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Điều khiến tất cả mọi người đều bức xúc đó là trong khi vụ xô xát xảy ra, rất nhiều bạn bè của cô bé áo trắng có mặt ở hiện trường nhưng không một ai ngăn cản, trái lại còn hò reo thích thú.

Trong clip nhiều lần có tiếng cười hả hê xen lẫn và những lời lẽ khích bác... Không ít cư dân mạng sau khi xem được clip đã bàng hoàng xen lẫn phẫn nộ. Đặc biệt là các bậc phụ huynh không khỏi xót xa khi nghĩ đến cảnh con em mình cũng có thể gặp phải trường hợp bạo lực như này.

Trước đó, ngày 15/6/2020, TX.Đông Triều (Quảng Ninh), tại địa phương xảy ra vụ việc một nhóm nữ sinh hành hung, lột quần áo của một nữ sinh khác. Khi sự việc xảy ra, một số nam sinh đã dùng điện thoại quay lại cảnh đánh nhau và phát tán trên mạng xã hội. 

Cũng trong tháng 6/2020, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh hai nữ sinh bị bạn cùng lớp đánh dã man ngoài cổng trường. Theo clip, ngày 9/6, hai em học sinh nữ mặc áo thể dục dùng tay nắm tóc, đánh hai nữ sinh khác dữ dội.

Trong đó, một nữ sinh liên tiếp đập đầu bạn xuống nền gạch trước sự chứng kiến của nhiều người. Thấy vậy, những học sinh đứng cạnh chạy đến can ngăn thì các em mới chịu dừng tay. Sự việc cho là xảy ra phía ngoài trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Ngày 19/5, do có mâu thuẫn cá nhân từ trước cùng với việc xích mích bán đồ online, nhóm nữ sinh đã hẹn em Hồ Thị N, H, Trường THCS Kỳ Khang (đều thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra bãi đất trống để nói chuyện. Thế nhưng, sau khi hẹn được Hà đến, lập tức nhóm 5 nữ sinh này bắt Hà quỳ gối, rồi liên tục văng tục, có những lời nói khiếm nhã, miệt thị nạn nhân.

Nhóm 5 nữ sinh này còn thay nhau dùng tay liên tiếp tát thẳng vào mặt và dùng chân đạp vào người em Hà. Thậm chí, trong quá trình tát nạn nhân, nhóm này còn cười cợt, dùng điện thoại quay lại hình ảnh, sau đó gửi clip lên nhóm riêng. Clip này sau đó bị đưa lên mạng xã hội.

Vào chiều ngày 5/3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip dài gần 1 phút, ghi lại cảnh một nữ sinh vai đang đeo cặp bị một nữ sinh khác đánh đập dã man. Qua đoạn clip cho thấy, nữ sinh mặc áo đen đã dùng tay tát, dùng chân đạp liên tiếp vào mặt, đầu nữ sinh mặc áo trắng, vừa hành hung, nữ sinh áo đen còn lăng mạ rất thậm tệ.

Nữ sinh bị đánh chỉ biết ngồi lấy tay ôm mặt chịu đòn. Trong quá trình diễn ra vụ việc, có một số nữ sinh vây quanh chứng kiến chỉ đứng nhìn hoặc can ngăn rất hời hợt. Nhóm nữ sinh đánh và bị đánh trong clip được xác định học tại Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Việc bị va đập đầu mạnh có lẽ đã khiến cô bé bị chấn thương vùng đầu vì các bạn ở ngoài cảnh báo “chảy máu tai kìa”. Không chỉ vậy, cô bé còn có thể gặp phải những chấn thương về mặt tâm lý.

Bình quân 5 vụ bạo lực học đường/ngày

Sự gia tăng chóng mặt của bạo lực học đường phần nào phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng của các giá trị đạo đức xã hội. Hơn 1600 vụ học sinh đánh nhau hàng năm, bình quân 5 vụ/ngày, trong 11.000 học sinh đang đi học thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau. Những con số khủng khiếp này có thể chưa phản ánh đầy đủ và chân thực nhất về thực trạng bạo lực học đường hiện nay. 

Theo thống kê của UNESCO, tỉ lệ trẻ em và vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường hàng năm lên đến gần 250 triệu người trên toàn thế giới. Khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ hai với 71%.

73% học sinh gặp bạo lực tinh thần như mắng, chửi, đe doạ, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục; Bạo lực thể chất như tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập… chiếm tới 41%.

Nhìn vào con số trên, có thể thấy tình trạng bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh, học sinh giờ giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm. 

Các “côn đồ nhí” dùng mọi cách để triệt hạ bạn mình phải chịu nhục vì đã có hành động “hỗn xược”, “nhìn đểu”, “liếc lườm” hay không nghe sự sai khiến của mình.

Đau lòng hơn, chứng kiến các vụ bạo lực học đường tàn bạo ấy, đa số các bạn học hay người đi đường đều không can ngăn, lại còn xì xầm bàn tán, đáng sợ hơn, có nơi còn hò reo, vỗ tay tán thưởng… mà không báo cho công an, cô giáo hay người có trách nhiệm. Sự việc càng nghiêm trọng hơn khi chính cả nạn nhân cũng không dám nói ra sự thật vì lời hăm dọa “sẽ bị đánh tiếp nếu khai ra sự việc”.

Ngoài bạo lực thể xác, các nạn nhân còn bị bạo lực về tinh thần: Bạo lực tinh thần: châm chọc, giễu cợt, nguyền rủa, dùng từ ngữ cay nghiệt, lời nói thô tục, nói xấu/tung tin đồn nhảm…giữa các học sinh tại học đường.

Bạo lực tình dục: cưỡng hiếp và quấy rối tình dục (đụng chạm vào phần nhạy cảm trên cơ thể, cởi, kéo, giật váy/áo/quần, gạ gẫm quan hệ tình dục, cưỡng hiếp)... nạn nhân; Bạo lực kinh tế: trấn lột tiền hoặc đồ vật, phá hoại đồ đạc giữa các học sinh với nhau; Bạo lực qua mạng/internet: Sử dụng các thiết bị điện thoại di động/internet, trang mạng xã hội để hăm dọa, nói xấu, dựng chuyện, phát tán các hình ảnh hoặc video nhằm tổn hại danh dự cá nhân của nạn nhân.

Bị bạo lực học đường, các nạn nhân tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, lo âu, bất an, uất ức và bị ám ảnh là những trạng thái phổ biến mà hầu hết các em học sinh bị bạo lực đã phải trải qua. Các em học sinh là nạn nhân thường có những biểu hiện rối nhiễu hành vi, mất tự tin, lo sợ khi đến trường dẫn đến lầm lì, ít nói, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc với mọi người… dẫn đến sức học giảm sút, sợ đến trường, thậm chí bỏ học. Có em trở nên trầm cảm, tự ti, lo sợ và có những trường hợp đã tìm đến cái chết để giải thoát chính mình.

Nguyên nhân mang tính xã hội của bạo lực học đường được ghi nhận ở mối liên hệ với sự phổ biến của các hành vi bạo lực trong xã hội, sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội, sự phổ biến của các trò chơi/game trực tuyến mang tính bạo lực, các phim ảnh, sách báo mang tính bạo lực… Ngoài ra, sự buông lỏng cách quản lý con cái, hay là “tấm gương tối” phản chiếu cho các con của một số bậc phụ huynh cũng gây nên vấn nạn “côn đồ nhí” ngày một gia tăng.

Những quy định về đánh giá hạnh kiểm, xử lý kỷ luật học sinh trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn theo kịp với những thay đổi của thế hệ trẻ ngày hôm nay. Rõ ràng, hành động này không phải là sự bộc phát nhất thời, mà phải là một thói quen đã có từ lâu. Bên cạnh đó, hình thức xử lý kỷ luật của Bộ Giáo dục đối với những trường hợp này chỉ là đuổi học (một tuần, một tháng, một năm). 

Đáng chú ý hơn, tháng 9 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để lấy ý kiến rộng rãi. Thông tư này dự kiến thay thế Thông tư 08/TT của Bộ này ban hành từ năm 1988.

Theo đó, thay vì phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi mắc lỗi, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.

Học sinh hư, gây bạo lực với bạn bè không bị đuổi học mà chỉ bị “tạm dừng học tập” trong khoảng thời gian 1 học kỳ. Những học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật cũng chịu mức kỷ luật “tạm dừng học tập”.

Có thể thấy, hình thức xử lý này có thể thấy gần như chẳng ảnh hưởng gì đến suy nghĩ của các em cả, đôi lúc các em còn xem đó như một “kỳ nghỉ vui vẻ”, để rồi sau đó khi các em quay lại trường thì gánh nặng lấp lỗ hổng kiến thức lại chất lên vai giáo viên. Nhiều người lo ngại, việc làm này khó giải quyết triệt để mà chỉ mang tính tạm thời và có thể lại diễn ra với các vụ bạo lực tàn bạo, nghiêm trọng hơn?!!

Đọc thêm