Nghịch lý trong xã hội hóa việc… quét rác

(PLO) - Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở Hà Nội đang tồn tại một nghịch lý “thật như đùa”, ấy là  quy trình yêu cầu phải lao động thủ công, quét rác, dọn vệ sinh bằng tay, nhưng đối tác lại “tự tiện” đưa máy móc… vào làm việc thay, và sự thay đổi quy trình để chất lượng tốt hơn, chi phí rẻ hơn lại không được nghiệm thu thanh toán…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đó là ví dụ được Phó Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Lê Văn Hoạt kể lại tại hội nghị giao ban của thành phố về xử lý rác thải, nước thải và vệ sinh môi trường vừa mới diễn ra. Theo ông Hoạt, đây là một phần nguyên nhân khiến cho công tác này chưa đạt hiệu quả cao và khiến cho không ít doanh nghiệp nản lòng khi tham gia xã hội hóa.
Lương công nhân quét rác doanh nghiệp nhà nước cao gấp rưỡi đơn vị đấu thầu
Dù chủ trương chung là khuyến khích đấu thầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, chỉ đặt hàng ở những nơi không thể thực hiện đấu thầu, tuy nhiên, hiện phương thức đặt hàng vẫn là chủ yếu, đấu thầu còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, ở một số quận, huyện thực hiện đấu thầu với một số nội dung công việc được phân cấp, đã tiết kiệm chi phí không nhỏ cho ngân sách. 
Cụ thể, đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường tuyến đường Vành đai 3 trên cao đã giảm được 31,8% so với dự toán ban đầu. Hoặc Cty Môi trường đô thị Hà Đông có văn bản xin nhận thầu với giá giảm 25% tại Khu đô thị Văn Quán so với giá thành phố đặt hàng…
Trong khi đó, việc ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán theo dạng đặt hàng chủ yếu quan tâm đến khối lượng, chất lượng các sản phẩm trung gian, nôm na là chỉ đếm số đầu xe vận chuyển rác, chứ chưa quan tâm đến khối lượng và chất lượng sản phẩm cuối cùng. Điều này không chỉ dẫn đến tiêu cực mà còn khiến doanh nghiệp chưa gắn trách nhiệm đối với sản phẩm cuối cùng, không khuyến khích doanh nghiệp quản lý địa bàn, phối hợp tốt với địa phương giữ gìn vệ sinh môi trường. 
Tại cuộc giao ban chuyên đề này, một ví dụ cũng đã được nhắc lại, rằng trong  cuộc làm việc mới đây của Đoàn công tác Thành ủy với một doanh nghiệp cổ phần hoạt động trong lĩnh vực này, đại diện đơn vị cũng cho biết rất khó khăn trong việc “chen chân” vào những địa bàn truyền thống của các doanh nghiệp công ích vì hầu hết đều là chỉ định thầu hoặc đặt hàng. 
Thế nên mới có tình trạng cùng quét một diện tích bằng nhau, nhưng lương công nhân của đơn vị lại chỉ bằng 2/3 công nhân của doanh nghiệp nhà nước. Thị trường hẹp, doanh thu hạn chế khiến đơn vị rất dè dặt đầu tư, cải tiến công nghệ.
Nhiều hạn chế trong xử lý rác thải
Năm 2013, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu vực nội thành Hà Nội khoảng 4.200 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 98 – 100%, khu vực ngoại thành ước khoảng 2.220 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt 85%. Rác thải công nghiệp trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 750 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại đạt 85-90% tương đương gần 600 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác thải nguy hại chiếm 60-70% khoảng 70 tấn/ngày. Lượng rác thải y tế phát sinh khoảng 8 tấn/ngày, trong đó có khoảng 1,13 tấn là rác thải nguy hại được xử lý tại chỗ bằng lò đốt tại các bệnh viện và tại các khu xử lý tập trung.
Bên cạnh đó, vẫn đang tồn tại những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, gây áp lực lớn tới sự phát triển  bền vững môi trường Thủ đô. Đó là khối lượng lớn rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn thành phố không được phân loại tại nguồn và chủ yếu được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp. 
Việc triển khai xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các huyện, các xã triển khai chậm. Đơn giá thanh toán, quy trình định mức cho công tác thu gom vận chuyển rác thải còn thiếu thống nhất, thiếu khoa học và chưa thu hút được các đơn vị xã hội hóa tham gia lĩnh vực này. 
Nước thải sinh hoạt mới chỉ được xử lý một phần tại cuối nguồn. Chủ đầu tư các khu đô thị chậm hoặc không thực hiện đầu tư công trình xử lý nước thải theo cam kết. Không có hệ thống xử lý nước thải tập trung là thực trạng chung ở các cụm công nghiệp…
Vì thế, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, các ngành phải rà soát các dự án để điều chỉnh hợp lý, ưu tiên đầu tư các dự án công trình thiết thực. Tăng cường xây dựng cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các công trình xử lý nước thải, rác thải.

Đọc thêm