Ngôi nhà kỳ lạ đến xót xa giữa lòng thủ đô

(PLO) - Sống không điện, nước, không nhà vệ sinh và phải “bay” qua con mương mới vào được nhà, cuộc sống của bà Phạm Thị Sinh (SN 1964, ngụ làng Mây, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) còn khốn khó hơn đời “chị Dậu”.
Lối vào ngôi nhà nghèo bậc nhất Hà Nội
Lối vào ngôi nhà nghèo bậc nhất Hà Nội
Biệt lập như ốc đảo
Đến làng Mây hỏi bà Sinh, ai cũng ái ngại: “Khổ cho mẹ con cô ấy. Ở nơi xó xỉnh đồng ruộng, bên cạnh là mương nước thải. Những ngày mưa hoặc vào đợt xả cống thủy lợi, nước ngập vào đến nhà. Ở Thủ đô mà “biệt lập” chẳng khác gì ốc đảo”.
Không khó để tìm ra căn nhà ọp ẹp của bà Sinh ở phía cuối đường làng. Khách đang loay hoay tìm đường vào, nhưng tấm ván dẫn vào nhà đã ngập 2/3. Người phụ nữ dáng gầy gò bê từ trong nhà một tấm ván dài hơn “bắc cầu” mời khách vào.
Đã gần 12h trưa nhưng mẹ con bà Sinh vừa mới đi làm về. Cái nóng oi bức bao quanh căn nhà như chòi tạm chăn vịt giữa đồng. Chỉ rộng chừng 6m2 nhưng căn nhà chất kín đồ đạc: Chiếc xe đạp hỏng, vỏ những chai dầu ăn, chiếc xe đồ chơi vỡ, vài bộ quần áo sờn màu.
 Phía bên trong, tấm phản ọp ẹp là giường ngủ của hai mẹ con. Bé trai con chủ nhà “cảnh báo”: “Cô không cẩn thận ngồi vào chỗ mối đục là ngã đấy”. Gian buồng rộng chưa đầy 2m2, chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ, chiếc tủ nhỏ đã long cánh.
Chiều cao từ nền nhà tới mái lợp tấm xi măng chỉ khoảng 2m, để bớt ngột ngạt, bà Sinh mở cửa sổ rộng chừng 40 cm được gá lắp bởi chiếc phên cũ. Chủ nhà kéo chiếc ghế nhựa thủng vài lỗ duy nhất trong nhà mời khách ngồi, còn mình ngồi tạm trên chiếc thùng nhựa.
Gian phía ngoài này cũng chỉ khoảng 4m2, chất đầy đồ, chỉ chừa khoảng nhỏ làm lối đi. Không có điện để chạy quạt, ngôi nhà nóng bức khủng khiếp, nhưng chủ nhà đã quen:
“Cũng định mắc điện nhưng tôi sợ cháu nó nghịch ngợm lung tung thì nguy hiểm. Tôi chỉ có mỗi nó là nguồn vui. Nó không may bị làm sao, tôi sống sao nổi”.
Gia đình bà Sinh “đất chật, người đông”, trước đây 6 người cũng chỉ ở trong căn nhà 12m2.
Bà Sinh học hết lớp 2 thì ở nhà làm đồng, giúp bố mẹ nuôi các em. Các em thành gia lập thất, bà vẫn chưa chồng, chỉ quanh quẩn ruộng nương và góc nhà. Ngoảnh lại tuổi đã chạm ngưỡng tứ tuần, mọi người gán ghép bà với một người chồng “có vấn đề”.
Bà Sinh nấu cơm trong gian bếp tạm bợ.
 Bà Sinh nấu cơm trong gian bếp tạm bợ.
Lấy nhau được hơn một năm bà có bầu sinh con. Tuy nhiên, cháu bé sau khi lớn lên cũng có dấu hiệu “không bình thường” như cha. Vợ chồng chia tay, bà bế con về ngoại, nhưng nhà đã quá chật để hai mẹ con tá túc.
Tự xây nhà để ở
“Gia đình bà Sinh, các anh chị em đều nghèo, đất lại ít nên cô ấy phải ra mảnh ruộng đấy làm nhà. Ban đầu chính quyền không cho phép lấn chiếm, nhưng vì thấy hoàn cảnh cô ấy khổ quá nên cũng không cưỡng chế nữa”, một người làng nói.
Khoảng ruộng méo mó gần 1sào, một khoảng nhỏ được tận dụng làm nhà, còn lại là trồng hoa màu và lúa. Ban đầu bà Sinh chỉ dựng một túp lều tạm. “Lúc đó tôi cho con ngồi trên bờ, còn mình làm việc dưới ruộng. Nghĩ cảnh thiếu thốn như vậy tôi cũng tủi lắm. Thi thoảng đi chợ bán rau, có người thấy hoàn cảnh tôi như vậy, họ ngỏ lời đưa cháu bé về nuôi.
Lúc đầu tôi cũng muốn cho con để nó có cuộc sống tốt hơn, nhưng nghĩ đến cảnh xa con không chịu nổi, đành thôi. Có bàn tay, đôi chân còn làm ra tiền. Mẹ con rau cháo nuôi nhau dù sao cũng hạnh phúc”, người mẹ đưa tay vuốt tóc cậu con trai.
Mẹ con bà Sinh
Mẹ con bà Sinh 
Nghèo khó nhưng bà Sinh quyết tâm xây dựng bằng được ngôi nhà “đàng hoàng” để có nơi trú ngụ. Đầu tiên bà mua vài trăm viên gạch về xây, không có tiền thuê mướn, bà tự lấy đất san nền.
Ngôi nhà không có móng, các bức tường chỉ là gạch và xi măng dựng lên. Bốn năm đầu, mẹ con bà sống chỉ với gian nhà 2m2, sau này “nới” lên thêm 3m2. Việc xây nhà đều do một tay bà:
“Không cần dây cân chỉnh cho thẳng , mỗi hôm tự làm một tí, cứ thế dần dần cũng thành nhà như bây giờ”.
Cuộc sống gia đình bà chỉ dựa vào làm vài thước ruộng, đủ lấy thóc ăn. Nhà không có sân, mỗi lần đến mùa thu hoạch bà lại phơi nhờ bên mép  đường liên thôn. Hàng ngày, bà dậy từ 5h sáng tranh thủ nấu cơm, cho con ăn rồi đưa tới trường.
Xong xuôi bà mới cắt mớ rau ra chợ bán, ngày bán nhiều nhất được khoảng 30 nghìn. “Tiền bán rau chỉ đủ ăn nhưng tôi vẫn “chơi sang” nuôi con chó. Chẳng phải để giữ nhà vì có của đâu để trộm, mà để cho vui cửa vui nhà”, bà mỉm cười.
Chiều về, do nhà không có điện nên bà Sinh tận dụng lúc trời còn sáng bảo con học bài. Tối đến hai mẹ con chủ nhà chẳng có thú vui gì ngoài quây quần bên nhau kể chuyện. Đứa bé chậm chạp, học mãi chẳng tiếp thu được. Đến bữa mẹ phải bón từng miếng cơm, thìa canh.
“Hàng tháng cháu nó được hưởng trợ cấp của người khuyết tật. Trước đây tôi dạy cháu từ trước khi trời tối. Gần đây bận quá phải thắp đèn dầu cho cháu học. Mẹ con tôi sống không có điện quen rồi”, bà tâm sự.
Đã vậy, gia đình cũng không có nước. Hằng ngày bà phải gánh nước nhà hàng xóm về dùng, đi vệ sinh cũng phải đi nhờ.
Đã quá trưa, chủ nhà lúi húi chuẩn bị bữa cơm. Gian bếp chật hẹp, vài tấm ngói xếp lại, quây tấm bạt tạm bợ, cao chỉ đến ngang vai, bà khom người cúi xuống luồn vào, cười lạc quan: “Tôi không muốn mình trở thành gánh nặng cho xã hội. Có đủ tay chân, tôi vẫn kiếm được tiền nuôi con khôn lớn”.
Trưởng làng Mây, ông Đỗ Văn Thiết cho biết, từ năm 2008 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà Sinh dựng nhà ở mảnh đất hiện tại, nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo. Tới đây, chính quyền địa phương sẽ cấp đất và xây nhà tình nghĩa cho mẹ con bà Sinh./.

Đọc thêm