Người 'gieo chữ' đầu tiên nơi bãi giữa sông Hồng

(PLO) - Cặm cụi đi “nhặt” từng trẻ em ở đường phố Hà Nội, tạo thành một lớp học có hơn 10 người dưới chân cầu Chương Dương, ông Nguyễn Đăng Được đã và đang giúp một thế hệ xóm Phao “không mù chữ”.

Sống lâu năm nhất nên được phong làm trưởng xóm của bãi bồi này, ông Nguyễn Đăng Được – một người đàn ông nhỏ con, nước da đen nhẻm với hơn 40 năm dầm mình ở sông Hồng, phơi nắng hong sương, ngụp lội nơi bến nước, nắm rõ từng nóc nhà, từng người dân và công việc của họ, hiểu rõ về cuộc sống khốn khó nơi đây. Nhưng điều khiến ông canh cánh trong lòng là tương lai của những lớp trẻ thơ nối đuôi nhau ra đời tại bãi bồi. 

Ông Nguyễn Đăng Được được coi là “cây cổ thụ” của xóm Phao
 Ông Nguyễn Đăng Được được coi là “cây cổ thụ” của xóm Phao

“Tôi sống ở đây từ khi vùng này còn hoang sơ, heo hút. Một mình cứ bới rác, chài lưới bên sông Hồng. Sau này cũng có nhiều người không nhà cửa phiêu dạt về đây. Mỗi người đến ai cũng có nỗi khổ riêng cả. Nhưng khổ nhất vẫn là các cháu nhỏ” - ông trầm tư chia sẻ.

Trẻ em bãi nổi lớn lên, mang trong mình những thiệt thòi của số phận sinh ra đã không có giấy khai sinh, chẳng có cơ hội đi học ở những trường bình thường như bao trẻ em cùng trang lứa. Các em phải sống trong cảnh thiệt thòi về cả vật chất và cả tinh thần. Nhiều lần ông Được đã lặn lội lên phường, lên quận để xin quyền lợi cho trẻ em nơi đây.

Những chiếc thuyền lênh đênh chính là ngôi nhà “tạm bợ” của người dân xóm Phao
Những chiếc thuyền lênh đênh chính là ngôi nhà “tạm bợ” của người dân xóm Phao

Ông là người khởi xướng và mở ra “lớp học tình thương” cách đây hơn 20 năm trên chính bãi bồi này. Ban đầu cũng chỉ là dạy các cháu nhỏ để xóa mù chữ ngay dưới gầm cầu, rồi học dưới thuyền hay còn gọi là “ lớp học ngư đình quán”.

Ông liên hệ với những CLB, những nhóm tình nguyện đến đây chỉ mong cho con em nơi xóm bãi này biết cái chữ. Nhiều bạn sinh viên tình nguyện đã hăng hái tham gia dạy 2-3 buổi/ tuần cho các em. 

Ông Được chẳng quản ngại khó khăn một mình đi vận động, kêu gọi những nhà hảo tâm, những người có trái tim nhân ái chung tay giúp đỡ, hỗ trợ các em có con chữ.

Người dân xóm Phao sống bằng “nghề cửu vãn” như đi nhặt rác, giúp việc, bốc vác, phụ hồ...
Người dân xóm Phao sống bằng “nghề cửu vãn” như đi nhặt rác, giúp việc, bốc vác, phụ hồ...

Người đàn ông này còn thuê đất làm khu vui chơi, làm thư viện công cộng cho những đứa trẻ nghèo nơi đây.

Bà Đinh Thị Mai, hàng xóm của ông Được chia sẻ thêm: “Ông Được rất quan tâm đến xóm Chài chúng tôi. 2 năm lại đây, ông ấy làm được chứng nhận giấy khai sinh cho 4 cháu. Nhờ ông Được mà tôi và 4 gia đình không có chồng bên cạnh làm được giấy khai sinh cho con”. 

Chẳng ai dễ dàng "làm việc không công lo chuyện bao đồng của thiên hạ" như thế, nhưng với ông Được, dường như đó là niềm vui và hạnh phúc. Tất cả những gì ông làm chỉ mong cho phận đời nhỏ bé không may mắn ở nơi đây tốt đẹp hơn. “Tôi cần thế hệ sau này, tôi cần tương lai cho con em chúng ta”, ông nói. Tuy không trực tiếp cầm phấn đứng lớp dạy các cháu nhưng có thể nói ông Được chính là “người thầy” tìm kiếm con chữ đến cho trẻ con nơi đây...

Đọc thêm