Thảm cảnh mẹ nghèo nuôi con tàn tật

(PLO) - Đã hơn 14 năm, chị Trương Thị Lộc (52 tuổi) ở thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) phải oằn mình chăm lo cho đứa con tàn tật.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lộc, cháu Minh vào một buổi chiều muộn. Căn nhà của hai mẹ con nằm trong một ngõ hẹp khuất sau rặng tre ở cuối làng. Minh ngồi như tạc tượng trước cửa nhà, khuôn mặt buồn rười rượi, ẩn chứa một nỗi đau sâu thẳm. 
Chị Lộc - mẹ Minh -đang quét sân, nhìn thấy có khách liền mời vào nhà. “Gia tài” lớn nhất của ngôi nhà là chiếc ti vi màu được đặt trên chiếc bàn cũ kỹ nằm khuất ở một góc tường tối tăm. Khi được hỏi chuyện, chị Lộc thở dài: “Mẹ con tôi khổ lắm, năm 1996 tôi lấy chồng, nhưng phận đời bạc bẽo, tôi lấy phải người chồng cục tính, vũ phu, cứ rượu vào là đánh đập hai mẹ con tôi suốt ngày”.
Vợ chồng chung sống với nhau được 3 năm thì chị Lộc quyết định ly dị. Chị mang con về ở cùng với anh trai, sau đó làng cho một mảnh đất để chị cất nhà. Tưởng rằng hai mẹ con sẽ sống êm ấm trong ngôi nhà nhỏ bé ấy. 
Nhưng rồi khi Minh lên 8 tuổi, chẳng may bị con chó  hàng xóm cắn vào chân. Do chủ quan, chị Lộc cho là chuyện bình thường nên chỉ lau qua vết thương cho con rồi băng lại, ai ngờ…
Đến ngày hôm sau chân Minh sưng vù lên, chị Lộc hoảng quá mới vội vã đem con ra trạm y tế xã tiêm thuốc. Nhưng điều trị mãi đôi chân con vẫn không khỏi mà lại teo tóp, co quắp  không thể đứng thẳng lên được. 
“Lúc đó tôi buồn lắm, làm thuê làm mướn cóp nhặt được bao nhiêu tôi đều dành hết để lo chữa bệnh cho con. Khi đem cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương thì bác sỹ bảo cháu bị bệnh teo cơ, không thể chữa được. Tôi đành nuốt nước mắt ôm con trở về” - chị Lộc xót xa.
Hàng ngày chị Lộc dậy từ lúc tờ mờ sáng chuẩn bị cơm cho con rồi đèo Minh trên chiếc xe đạp cọc cạch đến trường, sáng cũng như chiều. “Có lần tôi đến đón con muộn đã thấy cháu ngồi một mình ngó nghiêng ngóng mẹ ở cổng trường, nhìn thấy tôi cháu tè luôn ra quần vì không dám nhờ bạn đưa đi tiểu”. 
Chiếc ti vi màu đặt ở trên bàn là do nhà trường, thầy cô, bạn cùng lớp quyên góp mua tặng. Món quà đầy ý nghĩa đó nhằm động viên tinh thần, để khi phải ở nhà một mình, Minh có cái để xem cho đỡ buồn.
Chị Lộc phải chật vật từng ngày để kiếm tiền nuôi con
Chị Lộc phải chật vật từng ngày để kiếm tiền nuôi con 
Những buổi không phải đi học, Minh trông nhà cho mẹ. Nhiều khi trời mưa, chị Lộc đi làm về muộn đã thấy con mình ngã chổng kềnh, lăn lóc ở trước cổng. “Con ở trong nhà đợi mẹ mãi không thấy về mới cố gắng lết ra ngõ ngóng, nhưng đường trơn nên mới bị trượt chân ngã” - nghe con nói, chị Lộc như đứt từng khúc ruột. Bà mẹ thấy con ướt như chuột lội, lấm lem bùn đất, chỉ biết ôm chầm lấy con khóc nức nở rồi đem vào nhà tắm rửa. 
Từ ngày Minh bị bệnh, người bố không thèm đoái hoài. Nhiều hôm đi ngang qua nhà, bố nhìn thấy con mình đang lê lết cũng không hỏi thăm một lời. 
Minh đang theo học lớp 9 nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chị Lộc không thể đưa đón con đến trường như trước nữa, em đành phải nghỉ học. Mỗi tháng, em được Nhà nước trợ cấp 180 nghìn đồng, số tiền đó không đủ để em trang trải cho cuộc sống vốn quá nhiều thiếu thốn.
Chị Đặng Thị Thúy, một người hàng xóm chia sẻ: “Gia đình chị Lộc là hộ nghèo trong xóm, kinh tế eo hẹp chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán, cháu Minh thì bị liệt chẳng làm được gì. Suốt ngày chị phải đi làm thuê làm mướn quần quật mà vẫn không đủ ăn. 
Chúng tôi thương hoàn cảnh nhưng chẳng giúp được gì nhiều. Năm 2009 chính quyền xã và bà con đã giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng căn nhà cấp 4 để giúp gia đình chị Lộc thoát khỏi cảnh lều tranh vách đất, nhưng gia cảnh hai mẹ con nghèo vẫn hoàn nghèo”./.

Đọc thêm