Tình yêu của em đã trao nhầm người?

(PLO) - Chị Phan Thị M. (xin được giấu tên nhân vật) được đánh giá là nhút nhát và ít nói. Vì nhút nhát nên chị rất ít bạn, mọi người ai cũng đinh ninh rằng chắc chị ở vậy đến suốt đời. Vậy mà chị lại khiến mọi người bất ngờ khi thông báo sắp lấy chồng. Và kể từ sau đám cưới ấy, đời chị rẽ ngang sang một hướng khác.
Tình yêu của em đã trao nhầm người?

Ông bà lên mà nhận xác con về!

Chị lấy chồng xa lắm, cách nhà đến gần 200 cây số. Mỗi năm, chị chỉ được về thăm nhà bố mẹ đẻ một, hai lần. Nghe đâu, chị lấy chồng xong thì có con luôn nên cũng chưa tiện xin việc ở đâu, nhà chồng chị cũng nghèo. Ông bà chỉ trông vào vài sào ruộng. Chồng chị là con trai duy nhất trong nhà.

Sau khi lấy chị, anh để chị ở nhà với bố mẹ, còn mình thì ở lại Hà Nội làm công cho một quán phở. Tiền công làm đủ trả tiền trọ hàng tháng và tiêu vặt, còn lại không dư đồng nào gửi về cho bố mẹ và vợ ở quê.

Thời gian trôi nhanh, thoắt cái đã ba năm. Chị đã sinh một bé gái kháu khỉnh và đang mang bầu đứa con thứ hai. Đúng lúc này, chồng chị cảm thấy cuộc sống kinh tế gia đình khó khăn quá nên muốn tìm cách thoát nghèo.

Suy đi tính lại, anh thấy vẫn nên đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan là phù hợp nhất. Anh nhờ bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ, mỗi bên vay mượn cho một ít rồi làm thủ tục bay. Lúc đó, ai biết chuyện cũng nửa lo lắng, nửa mong chị có cuộc sống khá hơn.

Thấm thoắt cũng gần hai năm trôi qua. Mọi người ở nhà ít ai biết tin tức của chị cho đến một hôm bố mẹ chị nhận được điện thoại của ông thông gia. Qua điện thoại, ông thông gia bảo: “Ông bà lên mà nhặt xác con về. Nó chết rồi”, rồi tắt máy.

Bố mẹ chị nghe tin mà rụng rời chân tay, vội vàng gọi hết anh em đến nhà nói lại sự tình. Các bác, các chú, các thím, các cháu… ai nghe kể lại cũng nước mắt lưng tròng, tức giận. Ai cũng chung một điều thắc mắc: “Con bé nó đang khỏe mạnh, không bệnh tật gì thì cớ làm sao mà chết được”.

Mọi người điện lại cho nhà thông gia nhưng không ai bắt máy. Gọi vào số của chị cũng không thấy nghe. Gọi mãi, đến cuộc thứ ba thì nghe thấy giọng chị cất lên: “Mẹ à, máy để rung trong nhà nên con không để ý”. Mừng như bắt được vàng, nghe thấy giọng chị là biết chị còn mạnh khỏe, mọi người cũng đỡ lo. Qua chị, mới hay sự tình bố mẹ chồng chị giận con dâu vì cái tội trời nóng quá không chịu nổi, chị cắm quạt làm tốn điện.

Nước mắt chảy vào trong

Cũng kể từ đây, mọi người mới biết những ngày tháng qua chị phải sống khổ sở trước sự ngoa ngoắt của bố mẹ chồng như thế nào. Chị vẫn định không nói, giấu đi, nhưng mọi người bắt chị phải nói ra hết, chị đành phải nói thật.

Sau khi nghe con gái kể lại, bố mẹ đẻ chị cùng các bác, các chú, đều là những người có lý lẽ đanh thép thuê một chiếc ô tô đến tận nhà chồng chị để nói chuyện cho phải trái trắng đen. Rằng vì cớ làm sao con cháu tôi đang khỏe mạnh như thế mà ông bà độc mồm quở nó chết rồi, lên mà mang xác về?

Lời qua tiếng lại, cả hai nhà thông gia đều không ai chịu nhường ai, cuối cùng bố mẹ đẻ chị ép chị phải dẫn theo hai đứa cháu ngoại về, bằng không sẽ từ không nhìn mặt. Một phần vì sức ép của bố mẹ đẻ, phần khác biết mình sẽ khó mà sống với bố mẹ chồng được nữa, chị đành phải quay về nhà đẻ. Chân bước đi mà chị vẫn thầm hy vọng, ngày chồng về, anh sẽ hiểu và đón ba mẹ con trở lại. Cả gia đình sẽ hòa thuận và đoàn viên như trước

Nhưng mà, cuộc sống đâu có ai ngờ. Chưa hết hạn ba năm hợp đồng, anh đã được nghỉ phép về nước chơi. Anh xuống nhà bố mẹ vợ thăm vợ con. Anh bảo: “Trước mắt bố mẹ cứ cho vợ con và hai cháu ở tạm đây. Con về nhà sẽ nói chuyện rồi thuyết phục bố mẹ con ở trên nhà rồi đón vợ con và các cháu về”.

Nói rồi anh đi. Chị và tất cả mọi người vẫn tin vào lời hứa đó. Cho đến khi anh hết hạn hợp đồng ba năm và về nước ở hẳn, mọi chuyện từ đây mới vỡ lẽ. Anh không còn là anh như trước đây, không còn là người chồng mà chị từng tin tưởng, không còn là cha của các con chị. Anh không đoái hoài gì đến ba mẹ con.

Anh nghe theo lời bố mẹ mình, thẳng thừng tuyên bố: “Nếu cô muốn ly hôn thì viết giấy để tôi ký”. Chị không bảo gì, chỉ nhắn lại một câu: “Phải chăng tình yêu của em đã trao nhầm người?”.

Kể từ sau ngày đó, mọi người trong nhà không còn thấy chị cười. Khuôn mặt chị lúc nào cũng lạnh băng, không gợn một cảm xúc. Chị lầm lũi đi làm hết nghề này đến nghề khác. Rảnh lúc nào chị sà vào ôm con.

Bố mẹ chị nhìn thấy vậy mà rớt nước mắt. Các bác, các chú, các thím, anh em trong họ nhìn chị cũng không thể cầm lòng. Ai cũng thầm nhủ, chị hãy cứ khóc đi. Chỉ khi chị khóc được ra ngoài, trong lòng chị mới nhẹ vơi nỗi đau. Chứ còn cứ thế này, nhìn chị đau lắm. Chị ơi!

Đọc thêm