Xôn xao ở Lâm Đồng: Cán bộ đi chợ cũ thì bị... ghi hình

(PLO) - Mấy ngày nay, dư luận xôn xao chuyện UBND huyện Di Linh cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đi mua sắm tại chợ Di Linh cũ cho đến ngày 27/11/2015.
Chợ cũ Di Linh bị cấm.
Chợ cũ Di Linh bị cấm.
Vận động không được thì… cấm!
Qua tìm hiểu được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Di Linh, ngày 10/11 ông Đới Ngọc Văn, Tổ trưởng Tổ thanh tra Công vụ (Phòng Nội vụ huyện) đã ký Văn bản số 156 gửi các cơ quan, đơn vị trong huyện: “… Đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện việc mua sắm tại chợ trung tâm (chợ mới) theo chủ trương chung của huyện”.  
Văn bản còn yêu cầu các đơn vị trưng tập cán bộ, nhân viên đi theo dõi, ghi hình người đi chợ kể cả trong ngày nghỉ; đồng thời trưng tập công chức, viên chức Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện hàng ngày mỗi cơ quan cử một công chức, viên chức kiểm tra tại khu vực chợ cũ Di Linh. 
Nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị của huyện vi phạm thì nắm bắt thông tin, ghi hình, lập biên bản cuối ngày báo cáo Thủ trưởng cơ quan, Tổ trưởng Tổ thanh tra công vụ (Phòng Nội vụ) từ 16h đến 16h30 hàng ngày để tổ báo cáo UBND huyện xử lý!
Trả lời báo chí, ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh thừa nhận việc phát hành văn bản nói trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng vì muốn chợ trung tâm sớm đi vào hoạt động nên đã động viên cán bộ, công chức, giáo viên không đi chợ cũ.  Tuy nhiên, huyện sẽ không thu hồi văn bản trên vì thời gian hiệu lực của văn bản còn ngắn (27/11).
Theo  UBND huyện, chợ Di Linh cũ hiện đã xuống cấp trầm trọng do được xây dựng từ năm 1993 nên cơ sở hạ tầng không đồng bộ, diện tích chật hẹp; nước thải, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ không đảm bảo theo quy định; trong hai năm liên tiếp 2006, 2007 đã xảy ra hai vụ cháy chợ. 
Do vậy, chính quyền đã triển khai xây dựng Trung tâm thương mại huyện Di Linh (chợ mới) do Cty cổ phần Long Việt (Cty Long Việt) làm chủ đầu tư. Đến nay, chợ Di Linh mới đã xây xong và đưa vào hoạt động từ ngày 25/9, đồng thời đóng cửa và chấm dứt hoạt động chợ Di Linh cũ kể từ ngày 1/10.  
Thời gian qua, UBND huyện đã nhận được đơn khiếu nại tập thể của tiểu thương chợ Di Linh và đã bác đơn. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định giải quyết cuối cùng “không chấp nhận” khiếu nại của bà con. 
Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương không đồng tình. UBND huyện cho hay đã ra thông báo kể từ ngày 1/10 nếu tiểu thương không vào chợ mới sẽ tiến hành cưỡng chế!
Chợ Di Linh mới.
Chợ Di Linh mới. 
Ép tiểu thương mua ki-ốt giá… “trên trời ”?
Trao đổi với phóng viên, nhiều tiểu thương chợ Di Linh cũ cho biết họ không muốn vào chợ Di Linh mới vì giá cho thuê quầy sạp do Cty Long Việt đưa ra được UBND huyện phê duyệt với mức 100 triệu đồng/m2, ngang với mặt tiền ở các quận trung tâm Sài Gòn. 
Để sở hữu một ki-ốt vài chục mét vuông, mỗi hộ phải bỏ ra trên dưới 2,5 tỷ đồng mới mong có chỗ buôn bán, trong khi phần lớn bà con ở đây là tiểu thương nghèo. 
Mặt khác, chợ Di Linh mới có vị trí khá xa trung tâm nên không thể gọi là chợ trung tâm được. Hơn nữa, công trình chợ mới xây trên nền đất yếu, thấp hơn mặt đường khoảng 2m, mặt tiền hẹp, có độ dốc theo chiều sâu, dễ bị xói lở và không thuận tiện cho giao thương. Kết cấu kiến trúc và công năng sử dụng công trình có nhiều điểm không phù hợp do diện tích chiều ngang quá hẹp. 
Bà con tiểu thương cũng cho hay, trong quá trình xây dựng chợ mới, UBND huyện cũng như Ban Quản lý chợ Di Linh không có bất cứ thông báo nào với bà con mà chỉ thông qua Cty Long Việt phát phiếu lấy ý kiến một lần duy nhất vào năm 2007. 
Quy trình phê duyệt và thực hiện một dự án UBND huyện Di Linh chỉ dựa duy nhất trên số liệu ảo do Cty Long Việt cung cấp rằng, trong giai đoạn thi công xây dựng (2010 –2015), hàng năm Cty Long Việt đều tổ chức thăm dò ý kiến và nhận được sự phản hồi bằng văn bản của ít nhất 375 tiểu thương. Đa số các ý kiến đều thống nhất với việc xây dựng chợ và đăng ký mua quầy sạp tại chợ mới. 
Cũng trong thời gian này, Cty Long Việt nhận được 251 thư đăng ký mua quầy sạp của 375 hộ tiểu thương tại chợ cũ với số lượng đăng ký là 422 quầy. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho rằng Cty Long Việt đã ngụy tạo thư đăng ký và báo cáo không trung thực với cơ quan chức năng. Thậm chí bà con cho rằng: “Cty Long Việt đã “bắt tay” với một số cán bộ có chức, có quyền tại địa phương để ăn chia, ép tiểu thương chúng tôi phải thuê lại quầy sạp với giá “cắt cổ”(?!)”. 
Sáng ngày 15/11 có mặt tại Trung tâm thương mại huyện Di Linh, chúng tôi bắt gặp một không khí mua bán ảm đạm, chỉ có vài quầy sạp lèo tèo mở cửa, phần lớn người dân vẫn đến chợ Di Linh cũ mua sắm, vì nơi đây có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, dù chính quyền địa phương đã có văn bản ngăn cấm. 
Về mặt pháp lý, cho đến thời điểm này, giữa Cty Long Việt và bà con tiểu thương không có bất cứ sự ràng buộc nào, ngoài một số ít hộ có đăng ký và nộp tiền đặt cọc. 
Do vậy, theo các tiểu thương, việc thuê hay không thuê quầy sạp ở chợ mới là sự tự nguyện, và tất nhiên giá cả cũng như các điều khoản khác trong hợp đồng do hai bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp UBND huyện vẫn tiến hành cưỡng chế, đóng cửa chợ thì bà con sẽ tiếp tục khiếu nại lên cơ quan chức năng cấp tỉnh và Trung ương.
Được biết, ngày 16/11 Sở Tư pháp Lâm Đồng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện Di Linh thu hồi Văn bản số 165/TB-TTrCV ngày 10/11 của Phòng Nội vụ huyện Di Linh. Theo Sở Tư pháp, nội dung tại văn bản nói trên không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật. 
Cụ thể, theo Điều 74, Luật Cán bộ, công chức về phạm vi thanh tra công vụ phải được thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan. Đối chiếu với các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc quy định như Văn bản số 165/TB-TTrCV là trái với văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về phạm vi thanh tra công vụ, về nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND huyện Di Linh và các cơ quan chức năng của Lâm Đồng cần sớm thanh tra làm rõ những thắc mắc của người dân và có giải pháp giải quyết sao cho thỏa đáng, đúng pháp luật, hợp lòng dân và tránh tình trạng khiếu kiện không đáng có.

Đọc thêm