Đây là những cuốn nhật ký có số phận kỳ lạ đến nỗi làm rung động cả những người bên kia chiến tuyến. Thế nhưng những ngày qua, dư luận đang có ý kiến trái chiều về sự trung thực của những cuốn nhật kí này… Nhà văn Đặng Vương Hưng đã có những chia sẻ của “người trong cuộc”…
|
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng và tuyển tập Những lá thư thời chiến |
Khi đưa ra xuất bản bất cứ cuốn sách nào, đều phải qua khâu biên tập, chỉnh lý, dù đó có là các tác phẩm văn chương, khoa học, hay đến như hồi ký của các nguyên thủ quốc gia, những người nổi tiếng (hồi ký “My Life” của nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton, hồi ký “My Autobiography” của Sir Alex Ferguson... đều được biên tập lại nhiều).
Đó còn là những hồi ký được viết ở điều kiện tác giả được đảm bảo các điều kiện cần thiết, còn trong bối cảnh chiến trường thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, viết giữa những khoảng lặng hiếm hoi của cuộc chiến, những trang viết đôi khi hơi tản mạn, và cả những chữ viết tắt, kí hiệu… nếu không biên tập sẽ thực sự khó hiểu với bạn đọc.
Thêm nữa, những nỗi niềm, những nỗi buồn chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng, đó đều là những dòng viết chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, không hề có biểu hiện thoái chí, tiểu tư sản trong đó.
Hai cuốn nhật kí của anh Thạc và chị Trâm ra đời năm 2005 đã thổi một cái nhìn sâu sắc hơn về những người lính sinh viên một thời. Thế nhưng, những ngày qua thật đáng buồn khi một số người lên tiếng về sự không trung thực với nguyên bản của cuốn nhật ký. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
- Anh Thạc sinh ra trong một gia đình thợ thủ công, vì một số lý do tế nhị những năm tháng đó, nên anh phấn đấu vào Đảng khá vất vả. Thế nên anh thật sự buồn về điều đó. Bởi anh Thạc học rất giỏi, đạt nhiều giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Anh đã đỗ Đại học ngành Toán cơ Tổng hợp, được học bổng đi du học nhưng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh đã cùng tham gia với hàng chục ngàn thanh niên Thủ đô Hà Nội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vào năm 1971.
Trên đường hành quân, hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký dày 240 trang viết tay của Nguyễn Văn Thạc đã được gửi về gia đình và người bạn gái. Khi viết nhật kí, không ai nghĩ để xuất bản mà chỉ ghi lại cho mình và người thân, thế nên những cảm xúc riêng tư là hoàn toàn chân thật. Trước những điều quá riêng tư và những mong manh trước sự sống, cái chết là điều khó tránh khỏi. Thế nên, khi biên tập chúng tôi đều hỏi ý kiến gia đình sẽ bỏ đoạn nào để cuốn nhật kí được liền mạch mà thôi.
Với chị Đặng Thùy Trâm, chị cũng là một sinh viên xuất sắc (tốt nghiệp Đại học Y loại ưu), lại sinh ra trong một gia đình cơ bản: Bố là bác sĩ, mẹ là dược sĩ, nếu như chấp nhận an phận, chị có thể ở lại miền Bắc làm nghề Y hoặc nghề giáo. Đặng Thùy Trâm xung phong vào chiến trường vừa là đi theo tiếng gọi của non sông, đem tài năng của mình cứu chữa cho anh em thương binh, đồng bào miền Nam.
Còn góc riêng tư chính là chị được cùng cống hiến như người yêu của mình, đã tham gia chiến đấu từ trước đó. Bạn trai của chị đã gặp chị trong chiến trường với khát khao cháy bỏng diệt giặc cứu nước. Thế nhưng, có một điều mà khi viết nhật kí chị không biết, anh M (tên người yêu chị Trâm) khi biết mình bị chất độc hoá học, bị thương nặng ở cột sống đã cố tình chối từ tình yêu của chị, khuyên chị đi lấy chồng.
Thế nên, trong những trang nhật kí của chị thấm đẫm nỗi đau, sự tuyệt vọng, sự nghi ngờ rằng anh M đã thay lòng… Điều đó cũng hoàn toàn tự nhiên với một người con gái đang yêu. Ở những đoạn này, chúng tôi đã bàn với gia đình chị Trâm và tự tay gia đình đã biên tập lại chứ không hề có chuyện không trung thực với bản gốc ở đây.
“ Sống lâu” và “sống nhiều”
Vậy “cơn cớ” nào đưa ông tới với dòng sách vừa là lịch sử, vừa rất đỗi riêng tư của mỗi người?
- Vào thời điểm hơn 10 năm trước, khi chúng ta bắt đầu đau đầu với đua xe, với vũ trường…, sau 30 năm, những người trẻ còn biết rất ít về chiến tranh. Thế nên, tôi đã bắt tay vào làm công việc này vì sự đồng cảm của người lính, dù tôi không cùng thời lính với các anh chị nhưng tôi tự nguyện làm “cầu nối” thế hệ.
Tôi được đọc rất nhiều thư và tôi “ngộ” ra một điều: đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng có thể gợi mở biết bao nhiêu điều về đời sống tinh thần của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử.
Ông mới cho ra mắt cuốn Những lá thư thời chiến khá dày dặn với gần 1000 trang nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Thông điệp ông muốn gửi gắm là gì?
- Có lẽ các bạn trẻ bây giờ cảm thấy lạ lẫm với những bức thư, nhưng cách đây vài chục năm, người dân sống trên tinh thần của những lá thư qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân thời đó tất cả đều dành cho tiền tuyến, chính vì thế những lá thư viết tay vô cùng quan trọng, nó cũng chính là những sức mạnh màu nhiệm giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua cái tôi cá nhân và là chỗ dựa không bao giờ mất của chính cha ông ta, của những người thân.
Những người viết thư đó vô tình trở thành người chép sử và đó là những người chép sử một cách trung thành nhất. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa nhận được giá trị lớn lao qua từng lá thư đó, nhưng sau này, qua sự nghiên cứu của các nhà lịch sử, xã hội học, chính trị, họ sẽ tìm thấy những mơ ước, những điều mới mẻ, hạnh phúc qua những lá thư này.
Những bức thư là những nhân chứng lịch sử của một thời, nó nói cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Ở tuyển tập này, người ta cũng dễ dàng tìm ra được những góc khuất tinh thần của mỗi con người mà chưa có một trang báo nào, một cuốn sách nào nói đến.
Người ta thường nói, con chim trước khi chết cất tiếng hót bi thương… Hẳn khi đọc những dòng nhật kí, những trang thư như bước ra từ quá khứ này là sự ám ảnh khôn nguôi?
- Tôi được xem là người sống với người đã khuất. Trong số hàng ngàn thư, mỗi lá thư là một câu chuyện, một con người, một sinh mệnh riêng, 2/3 tác giả những bức thư đều không còn nữa. Tôi ra cuốn sách này như “trả nợ” những thân nhân gia đình liệt sỹ, trả nợ những ân tình và quá khứ hào hùng của dân tộc. Họ đã ngã xuống trong chiến tranh hoặc mất sau khi chiến tranh kết thúc khi vẫn còn quá nhiều điều chưa trọn vẹn trong cuộc sống.
Trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, có bức thư Bác Hồ gửi cho một gia đình liệt sĩ có con vừa hy sinh, có những lá thư ghi rõ những quyết tâm của người lính, có những bức thư một người lính gửi về cho gia đình nhờ “Nhớ trả cho hàng xóm hai bìa đậu và một quả chanh”, những lá thư tuy giản dị nhưng chứa đựng mỗi tâm hồn, trách nhiệm và mục tiêu sống của chính người lính đó.
Có những bức thư của một người lính vô danh đã hy sinh được một gia đình tìm thấy trong túi áo anh và họ đã trân trọng đặt chúng lên bàn thờ của anh suốt nhiều năm qua. Có bức thư của người vợ gửi cho chồng được tìm thấy bên cạnh di hài của 7 người lính trong hầm ngầm bê tông cốt sắt ở thành cổ Quảng Trị, nhờ đó mà gia đình tìm được tung tích người thân sau hàng chục năm trời bặt tin. Bức thư đạt kỷ lục về thời gian vận chuyển là 22 năm 6 tháng mới tới tay người nhận sau khi đã chu du một vòng từ Việt Nam đến Mỹ, rồi từ Mỹ trở lại Việt Nam dù nơi gửi chỉ cách nơi nhận có 10 cây số.
Trong số đó, có trường hợp đặc biệt gây sự chú ý của người đọc bởi những bức thư mang theo cả những tiên cảm kỳ lạ của những người lính về cái chết được báo trước của mình và sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam vào ngày 30/4/1975.
Trường hợp thứ nhất là của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, anh đã nhắc đến ngày toàn thắng của đất nước sau đó 4 năm với một niềm lạc quan và những suy nghĩ tinh tế: “Bất kỳ một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn và những bài thơ, bài toán. Đến ngày 30/4/1975, anh sẽ trả lời cho P. câu hỏi: Hạnh phúc là gì?”.
Đó là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949 tại Thái Bình. Đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Xây dựng, anh xung phong đi bộ đội, vào chiến trường Quảng Trị đúng vào thời điểm ở đây đang diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Tháng 9/1972, khi được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn, anh hiểu rằng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của mình, một chuyến đi xa không hẹn ngày trở về.
Anh tự làm một tấm tôn có ghi sẵn tên họ, quê quán, năm sinh thay bia mộ cho mình, xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay viết sẵn bức thư dặn dò kỹ lưỡng mọi người trong nhà về ngày mà mình hy sinh, đặc biệt là chỉ dẫn một cách chi tiết, chính xác nơi mà đồng đội sẽ chôn cất mình trên mặt trận (thôn Nham Biền 1) để khi hoà bình, gia đình sẽ tìm đưa hài cốt mình về quê.
Bên cạnh những bức thư tràn đầy tinh thần chiến đấu, phảng phất đâu đó là những nỗi buồn chiến tranh, một mặt trái rất đời thực của chiến tranh, có cả những lá thư của những người lính nguỵ và nỗi lòng chán ghét chiến tranh, nhớ thương gia đình. Tất cả đều chân thực đến cảm động, đến đau xót. Cuốn sách sẽ không bán mà dành tặng những ai thực sự cần nó.
“Chạm” tới nơi sâu kín của tâm hồn mỗi người dường như là điều rất khó trong cuộc sống hiện đại. Có phải ông đang muốn “níu” mọi người sống chậm?
- Đúng vậy, hiện chúng ta đang sống trong thời công nghệ, quá nhanh, quá gấp, có khi không kịp suy nghĩ kỹ điều gì. Chính vì vậy, ngoài việc làm sách về quá khứ, tôi cũng hướng tới những người có nhu cầu bộc bạch khi đã trải qua những biến cố, những thăng trầm trong cuộc đời. Đó là những người thực sự có nghị lực, họ đã “sống rất nhiều” và đầy ý nghĩa, chứ không giản đơn là “sống lâu”…
Trân trọng cảm ơn Đại tá!