Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ, không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Nghị định này đã làm “nức lòng” những người yêu thương, bảo vệ động vật. Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít clip hành hạ động vật một cách dã man. Một nam thanh niên, vì để “câu view” đã liên tục đăng tải clip mình hành hạ chú chó nuôi trong nhà đến thương tật. Cách đây hơn 1 tháng, trên Facebook cũng xuất hiện clip “10 cách để hành hạ một con mèo” do một đôi nam nữ thực hiện gây bức xúc dư luận.
Khá phổ biến trên mạng là những đoạn clip, livestream giết mổ động vật. Có không ít thanh niên đã “tự hào” quay trực tiếp các công đoạn “xử lý” gia súc, thú rừng và phát lên mạng xã hội: từ hành hạ, đánh đập đến lột da, chế biến... Đặc biệt, có nhiều đoạn clip đặc tả sự đau đớn của động vật và nhiều hình ảnh phản cảm. Những đoạn clip như thế gây ám ảnh đối với người xem, đặc biệt dễ làm trẻ sợ hãi tổn thương nếu xem được.
Cách đây ít lâu, cộng đồng mạng đã cùng truy tìm một thanh niên trong clip hành hạ một chú khỉ bằng cách bỏ khỉ trong bao tải và siết cổ. Tiếp sau đó, thanh niên này còn đăng tải clip dùng súng tự chế bắn hạ chim trời, cùng bạn bè nắm hai cánh chim xé ra hai bên.
Khi bị Chi cục Kiểm lâm địa phương lên tiếng cảnh báo, nam thanh niên này còn lên tiếng thách thức, cho biết những đoạn clip đăng chỉ là số lượng rất nhỏ so với những gì đã thực hiện.
Chuyện hành hạ, ngược đãi động vật cũng diễn ra thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Hà Hữu Anh, trưởng một nhóm chuyên giải cứu chó mèo ở TPHCM chia sẻ, Hữu Anh và nhóm từng giải cứu không biết bao nhiêu con vật bị chủ hành hạ đến biến dạng: Có con bị lấy đá đập vào đầu đến vỡ một bên sọ, có chú chó bị chủ đánh què chân, có chú mèo bị chủ lấy hai chân treo lên cành cây rồi bỏ đói cho đến khi chỉ còn là bộ xương thoi thóp.
“Khi tụi em nhận được tin của người dân báo và đến giải cứu, chủ chó mèo còn đòi đánh luôn tụi em, họ cho rằng chó mèo của họ, họ muốn làm gì thì làm, người ngoài không được can thiệp vào. Có trường hợp cha đánh đập chó mèo tàn nhẫn trước mặt con cái, nên những đứa trẻ cũng lấy mèo làm đối tượng để bắt nạt, đánh đập” - Hà Hữu Anh cho biết.
Có thể thấy, từ trước đến nay việc hành hạ động vật là không ít, từ mạng xã hội đến đời sống thường ngày. Tuy nhiên, hầu như những hành vi này chỉ chịu sự chỉ trích của dư luận chứ chưa có chế tài nào quản lý được. Nghị định mới, dù mức phạt chưa cao nhưng cũng là một bước mở đầu để đi đến hạn chế những hành vi hành hạ động vật, tiến tới đảm bảo phúc lợi động vật tại Việt Nam. Điều quan trọng là, Nghị định sẽ được áp dụng rốt ráo, nghiêm chỉnh hay chỉ “cho có” mà thôi?