Nhưng ngay trước khi năm 2020y kết thúc, hai bên lại có được kết quả mà đã tìm cách có được từ cách đây khá lâu, thôi thì chí ít cũng giúp cho bức tranh về thực trạng mối quan hệ song phương trong năm qua bớt ảm đạm.
Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cho đến nay đã được thể chế hóa đến mức độ nhất định nhưng chưa khi nào kể từ nhiều năm trở lại đây khúc mắc và trắc trở như trong năm 2020 vừa qua. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong, đối với người theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương và đối với Đài Loan, cũng như hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông là những phương diện mà ở đó EU đã có những điều chỉnh chính sách rất rõ nét đối với Trung Quốc khiến cho bùng phát xung khắc quan điểm và cọ sát lợi ích chiến lược giữa EU và Trung Quốc.
Trong một số chuyện thuộc diện các vấn đề nói trên, EU không những chỉ đồng thuận quan điểm rất rõ với Mỹ mà còn dễ dàng có thể đồng hành với Mỹ trong những hành động cụ thể. Hai bên tiến hành đàm phán về hiệp định đầu tư từ hơn 7 năm nay rồi nhưng chưa đạt thỏa thuận cuối cùng. Chính vì thế mà việc bên ký kết thỏa thuận ngay trước khi năm mới bắt đầu gây bất ngờ lớn.
Thật ra, hai bên có phần vội vàng với việc nhanh chóng kết thúc quá trình đàm phán và ký kết thỏa thuận bởi đều cần tác động chính trị của việc đạt được thỏa thuận. Họ đều cần danh nghĩa trước và rồi đây có thực chất hay không lại là chuyện khác. Giữa các thành viên EU hiện đâu có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về thỏa thuận này và nhiều thành viên EU không thích thú gì việc Đức và Pháp lấn lướt họ trong xử lý quan hệ của EU với Trung Quốc. Cho nên quá trình phê chuẩn thỏa thuận với Trung Quốc ở các nước thành viên EU sẽ kéo dài và hiện chưa thể biết đến khi nào thì thỏa thuận này mới chính thức có hiệu lực.
Nhưng chỉ việc ký kết thỏa thuận thôi đã đủ để giúp cả hai bên đạt được mục đích đề ra cho thời gian trước mắt. Hai bên muốn thể hiện là dẫu găng với nhau đến mấy thì vẫn có thể thoả hiệp và dung hòa được lợi ích với nhau. Hai bên đều muốn tạo sự đã rồi giúp cho họ có được thế thuận lợi nhất trong xử lý quan hệ của từng bên với chính quyền mới ở Mỹ.
Trung Quốc tránh được kịch bản đồng thời phải xung khắc thương mại với cả Mỹ lẫn EU, trong khi EU tránh được khả năng bị Mỹ lôi kéo và thúc ép tham gia liên quân cùng xung khắc và đối đầu Trung Quốc. Cho nên hai bên có lợi ích và nhu cầu đạt được thỏa thuận trước khi chính quyền mới ở Mỹ chính thức nhậm chức.