Danh y dùng kết quả thực tế y học bài trừ mê tín

(PLVN) - Ở Trung Quốc ngày xưa có một loại sách chuyên ghi chép lại và thảo luận những bài thuốc gọi là “Kinh phương”. Đó là vì những bài thuốc trong đó có ý nghĩa kinh điển, rất nhiều bài thuốc sau này đều lấy từ trong đó ra phát triển và thay đổi thêm mà có được.

“Kinh phương” có sớm nhất ở Trung Quốc là quyển “Thương hàn tạp bệnh luận”, tác giả là danh y Trương Trọng Cảnh vào cuối thời nhà Đông Hán. Trương Trọng Cảnh người quận Nam Dương (nay là tỉnh Hà Nam), sinh vào khoảng năm 150. Lúc nhỏ ông đọc được câu chuyện Biển Thước khám bệnh cho Tề Hoàn Hầu trong các sách cổ Trung Quốc, khâm phục y thuật cao siêu của Biển Thước, từ đó ham mê nghiên cứu y học. Ông theo một danh y để học hỏi, đồng thời tự miệt mài với đèn sách, học được rất nhiều tri thức y học và y thuật.

“Có bệnh nhất định phải đi mời thầy thuốc”

Thời Trương Trọng Cảnh sống đúng vào cuối đời Đông Hán, xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, đói rét, bệnh tật hoành hành. Gia tộc Trương Trọng Cảnh có đến 200 người, nhưng chưa đầy 10 năm đã có hơn 100 người chết vì bệnh thương hàn.

Đã thế bọn thống trị đương thời không quan tâm gì đến đói khổ bệnh tật của dân, không coi trọng y học. Trong xã hội đâu đâu cũng chỉ thấy mê tín tà ma, không ít người nghèo nghe lời cô đồng thầy cúng lừa gạt để rồi uổng mạng. Trước tình trạng đó, Trương Trọng Cảnh rất bức xúc, quyết tâm lấy kết quả thực tế y học cứu chữa bệnh cho nhân dân nghèo khổ để họ không còn bị bọn cô đồng thầy cúng mê tín làm hại.

Danh y Trương Trọng Cảnh, tác giả cuốn sách “Thương hàn tạp bệnh luận”

Một hôm Trương Trọng Cảnh đi qua một ngôi làng nhỏ, thấy một phụ nữ trạc tuổi trung niên, khi thì la khóc, khi lại cười như điên dại, người đứng xem xung quanh đều lắc đầu thở dài. Một bà lão vừa khóc vừa nói: “Vương Bán Tiên nói là con dâu tôi bị ma quỷ nhập vào người. Tôi phải mời thầy cúng về để đuổi tà ma đi, nhờ bà con hàng xóm trông giúp con dâu tôi một lát”.

Trương Trọng Cảnh liền bước đến ngăn lại: “Xin cụ hãy chờ cho một chút, tôi là thầy thuốc, cho tôi xem qua khí sắc của con dâu bà một lát”.

Trương Trọng Cảnh quan sát rất kỹ khí sắc của người phụ nữ đó và hỏi một số tình hình về bệnh của người phụ nữ rồi nói: “Con dâu của bà không có ma quỷ nào nhập cả, mà là vì nhiệt huyết nhập thất làm cho thần trí hỗn loạn. Bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi”.

Cà cụ qùy xuống cầu xin, Trương Trọng Cảnh vội đưa tay đỡ bà cụ đứng dậy và nói: “Bà yên tâm, tôi sẽ cứu con dâu bà. Nhưng bà phải nhớ, có bệnh nhất định phải đi mời thầy thuốc. Thực ra ma quỷ chính là cô đồng Vương Bán Tiên, nó bám vào bệnh nhân làm cho bệnh nhân không đi chữa trị được, đó mới là nguy hại lớn nhất”.

Trương Trọng Cảnh nói xong, liền lấy kim châm cứu cho bệnh nhân dần trấn tĩnh lại, vài ngày sau thần trí hoàn toàn hồi phục, trở lại bình thường.

Viên mật ong nhét hậu môn trị táo bón

Trong quá trình chữa trị bệnh của Trương Trọng Cảnh, một mặt ông ứng dụng những phương pháp người đi trước, mặt khác ông mạnh dạn sáng tạo ra cái mới, dùng những phương pháp mà người trước chưa dùng. 

Khi Trương Trọng Cảnh hành nghề y, ông đã đi đến nhiều kinh thành. do y thuật của ông cao cường nên được rất nhiều yếu nhân trọng vọng. nhà văn học nổi tiếng thời cuối đông hán có tên Vương Xán là một trong số những người đó. Vương Xán rất ngưỡng mộ, hễ trương Trọng Cảnh về kinh đô là Vương Xán đến thăm trước; quan hệ của họ thật thắm thiết.

Sau mấy lần lui tới thăm hỏi nhau, với kinh nghiệm lâm sàng của mình, ông nhận thấy Vương Xán đang ủ trong người một loại bệnh nan y: bệnh phong. thời đó mắc bệnh này là rất nguy hiểm mà còn bị coi là một việc rất xấu hổ.

Nếu nói với Vương Xán không biết ông có chấp nhận không, còn nếu không nói thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. suy đi tính lại, khi Vương Xán đến thăm trọng cảnh, chuyện trò một lúc, ông nói với Vương Xán: “Trong người ông đang tiềm ẩn một loại bệnh, chữa trị sớm sẽ khỏi, nếu không thì sau này lông mày đều rụng hết, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mệnh nữa. ông nên uống bài thuốc ngũ thạch đi”.

Vương Xán là người rất thông minh, tuy trọng cảnh không nói đến tên bệnh mà chỉ nói bệnh trạng nhưng ông ta đã hiểu được hàm ý, chỉ có điều là ông không tin mình lại có thể mắc bệnh đó. cho rằng Trọng Cảnh dọa mình, nên ông cũng hờ hững trả lời và cũng không uống bài thuốc.

Sau một thời gian, họ lại gặp nhau, Trọng Cảnh nhìn khí sắc liền hỏi ngay Vương Xán: “Ông đã uống ngũ thạch thang chưa?”. “uống rồi”, Vương Xán khó chịu nhưng vì phép lịch sự nên trả lời qua quít.

Trọng Cảnh sau khi xem kỹ khí sắc Vương Xán, lắc đầu nói: “hình như ông chưa uống thuốc. hãy nghe lời tôi nói, uống ngay thuốc nhanh lên không thì có chuyện đấy”. Vương Xán vẫn không tin: “sức khỏe tôi rất tốt, ông đừng có quá lo”.

Sau mấy năm, lời nói của trương trọng cảnh quả là ứng nghiệm. vương xán quả nhiên đổ bệnh, lông mày đều rụng hết, nửa năm không điều trị nên đã chết lúc mới 40 tuổi. Trọng Cảnh lại rất buồn, vô cùng tiếc cho cái chết của một người tài còn đang rất trẻ.

Có lần, một bệnh nhân bị bệnh táo bón không đi ngoài được đến tìm Trọng Cảnh chữa bệnh. Sau khi khám, ông xác định bệnh nhân này mắc bệnh trường minh, là một loại bệnh do sốt cao làm bí đại tiện.

Những thầy thuốc thời đó hễ gặp trường hợp như thế thường cho bệnh nhân uống thuốc tiêu chảy. Riêng Trọng Cảnh thấy bệnh nhân sức khỏe không được tốt, suy nhược cơ thể, không chịu được với thuốc tiêu chảy. Song nếu không dùng thuốc này thì nhiệt tà trong người không tống ra ngoài được và bệnh cũng không thể chữa khỏi.

Trọng Cảnh suy nghĩ khá lâu, cuối cùng quyết định dùng phương pháp mà trước đây chưa ai dùng, để cho bệnh nhân có thể đi ngoài được mà lại không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông lấy ra một ít mật ong rồi đem đun cô lại, nhân lúc mật ong còn nóng viên lại thành những viên dài và nhỏ, chờ cho khô, từ từ nhét vào hậu môn bệnh nhân.

Phân bị táo bón khô cứng cùng với nhiệt tà được thải ra ngoài. Sau khi đi ngoài được, bệnh tình khỏi ngay. Đó là phương pháp súc rửa ruột có sớm nhất trong lịch sử y học Trung Quốc, nguyên lý y học của nó đến nay vẫn được áp dụng.

Phương pháp hô hấp nhân tạo sớm nhất

Có một lần, Trọng Cảnh trên đường đi khám bệnh, nhìn thấy rất nhiều người đang vây quanh một người đàn ông nằm trên đất, một người đàn bà và mấy đứa bé quỳ bên cạnh khóc lóc thê thảm.

Trọng Cảnh vội đến gần hỏi thăm. Một ông lão cảm thán: “Vì quá nghèo mới ra nông nỗi này, Đại Ngưu nghĩ quẩn, thắt cổ tự tử bỏ vợ con lại. Em trai anh ta phát hiện ra, đỡ xuống ngay nhưng chẳng còn động đậy gì nữa, bỏ lại con côi vợ góa...”.

Trọng Cảnh nghe xong, biết được thời gian anh ta treo cổ chưa lâu, có thể chỉ là “chết giả”, vẫn còn hy vọng cứu sống, vì thế ông chen vào đám đông người đang vây quanh nói: “Tôi là thầy thuốc, thời gian anh ta treo cổ chưa lâu, còn có khả năng cứu được. Xin giúp tôi đưa anh ta lên giường và đem cho anh ta cái chăn bông”.

Trọng Cảnh đắp chăn cho anh ta và nói với hai thanh niên khỏe mạnh bên cạnh: “Hai chú qùy bên cạnh anh ấy, một người ấn liên tục vào ngực, một người nắm vào hai vai, kéo lên hạ xuống”.

Căn dặn xong, bản thân Trương Trọng Cảnh cũng quỳ trên giường, dùng tay đỡ phần thắt lưng và bụng nạn nhân cùng với hai vai nâng lên hạ xuống, lúc thì thả lỏng lúc lại ấn xuống. 

Sau độ ít phút, nạn nhân bắt đầu thở được yếu ớt, mọi người đứng xung quanh vô cùng ngạc nhiên, giương to mắt thán phục.

Một lát sau nạn nhân tỉnh lại. Phương pháp cấp cứu mà Trọng Cảnh dùng lúc bấy giờ là phương pháp hô hấp nhân tạo hiện nay đang áp dụng rộng rãi.

Cống hiến lớn nhất của Trương Trọng Cảnh đối với y học Trung Hoa là ông đã để lại trước tác “Thương hàn tạp bệnh luận” và “Tạp bệnh luận”, các bài thuốc ghi trong sách cho đến nay vẫn có giá trị sử dụng rất cao.

Nó không những hướng dẫn phương pháp điều trị cho các thầy thuốc trong nước mà còn lan truyền qua một số nước như Nhật Bản, Triều Tiên, có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển y học thế giới.

Đọc thêm