Đạo luật chống nạn “bác sĩ ma” xứ Hàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quốc hội Hàn Quốc ngày 31/8/2021 đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật y tế, với nội dung đáng chú ý là các cơ sở y tế bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát (CCTV) trong phòng phẫu thuật trong trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật gây mê toàn thân, không hề có ý thức. Việc sửa đổi nhằm mục đích bảo vệ bệnh nhân khỏi các sự cố y khoa hoặc hành vi lơ là trách nhiệm của nhân viên y tế.
Biển hiệu phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bên hông một tòa nhà ở khu Sinsa-dong, quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh- CNN
Biển hiệu phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ bên hông một tòa nhà ở khu Sinsa-dong, quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh- CNN

Bảo An

Những sửa đổi đáng chú ý

Đạo luật Y tế sửa đổi của Hàn Quốc sau đó đã được đăng tải trên công báo chính thức vào ngày 24/9/2021. Đạo luật này sẽ có hiệu lực thực thi sau hai năm kể từ ngày đăng công báo. Cùng với yêu cầu các bệnh viện và phòng khám bắt buộc phải lắp đặt CCTV trong phòng phẫu thuật, luật sửa đổi còn quy định nhân viên y tế phải ghi hình toàn bộ quá trình phẫu thuật khi có đề nghị từ bệnh nhân hoặc người giám hộ của họ.

Các cơ sở y tế chỉ được từ chối các yêu cầu trên trong các trường hợp bao gồm việc thực hiện phẫu thuật cần tiến hành khẩn cấp mà sự chậm trễ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân hoặc các khuyết tật nghiêm trọng về tinh thần hoặc thể chất; việc thực hiện một phẫu thuật có rủi ro cao; có mối lo ngại rõ ràng rằng việc quay video có thể cản trở đáng kể việc đào tạo bác sĩ; các trường hợp khác do Pháp lệnh của Bộ Y tế và Phúc lợi quy định. Các âm thanh trong quá trình thao tác sẽ không được ghi lại trừ khi bệnh nhân và tất cả các nhân viên y tế có liên quan đồng ý ghi lại.

Đạo luật Y tế sửa đổi cũng bao gồm các điều khoản để bảo vệ những đoạn video được ghi lại, buộc người đứng đầu các cơ sở y tế lắp đặt camera phải thực hiện tất cả các biện pháp kỹ thuật, quản lý và vật lý cần thiết để bảo vệ video và các hệ thống liên quan.

Một bác sĩ giấu tên tiết lộ với báo chí về tình trạng bác sĩ ma. (Ảnh: CNN)

Một bác sĩ giấu tên tiết lộ với báo chí về tình trạng bác sĩ ma. (Ảnh: CNN)

Bản thân người đứng đầu các cơ sở y tế không được xem video, cũng như không được cho phép bất kỳ ai khác xem hoặc cung cấp video để xem, ngoại trừ các trường hợp bao gồm một cơ quan có liên quan yêu cầu mở video để điều tra hoặc truy tố tội phạm hoặc để phục vụ cho một thủ tục tại tòa án; cơ quan Trọng tài và Hòa giải tranh chấp y tế yêu cầu video về một vụ việc sau khi bắt đầu các thủ tục liên quan đến vụ việc đó và bệnh nhân hoặc người giám hộ của bệnh nhân đồng ý cho xem; tất cả các đối tượng liên quan đến video, ví dụ như bệnh nhân và nhân viên y tế tham gia phẫu thuật, đồng ý.

Đạo luật sửa đổi của Hàn Quốc cũng nghiêm cấm bất kỳ ai tìm cáchlàm rò rỉ, thay đổi hoặc làm hỏng hình ảnh trong video. Những người vi phạm điều cấm này và các quy định liên quan đến việc xem video ở trên có thể bị phạt tù đến 5 năm hoặc phạt tiền không quá 50 triệu won (43.000 USD). Luật cũng quy định các tổ chức y tế phải lưu giữ video trong hơn 30 ngày để tham khảo trong trường hợp phát sinh tranh chấp pháp lý trong tương lai. Các nội dung sửa đổi này sẽ có hiệu lực thực thi sau 2 năm kể từ ngày đăng công báo.

Nỗi lo sợ mang tên “bác sỹ ma”

Việc thắt chặt các quy định của Quốc hội Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đã thu hút khách du lịch y tế một cách đáng kể kể từ năm 2009. Quận Gangnam của Seoul lâu nay được nhiều người ví như “thánh địa của du lịch y tế”. Tính đến năm 2019, hơn 130.000 khách du lịch y tế đã đến điều trị tại các cụm cơ sở y tế nằm ở khu vực này, chủ yếu là để phẫu thuật thẩm mỹ.

Tuy nhiên, đi cùng với sự bùng nổ của hoạt động của các cơ sở y tế tại thủ đô của Hàn Quốc là những sự cố y khoa, đặc biệt là trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, cũng trở nên phổ biến hơn. Năm 2015, sau khi ghi nhận nhiều ca tử vong liên quan đến các bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở Gangnam, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp để trấn áp tình trạng môi giới bất hợp pháp và tăng cường an toàn y tế cho người nước ngoài đến phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ ở nước này. Nhiều ý kiến lúc này đã kêu gọi sửa luật y tế theo hướng quy định bắt buộc công khai bác sỹ làm phẫu thuật và lắp đặt camera trong các phòng mổ.

Theo các nhà quan sát, một trong những nguyên nhân phổ biến của những sự cố y khoa được ghi nhận thời gian qua là do sự tồn tại của cái gọi là “bác sỹ ma”, từ dùng để chỉ những người “thế chân” các bác sỹ thực thụ đứng tên trên giấy tờ để thực hiện một cuộc phẫu thuật trong khi bệnh nhân đã được gây mê. Những người này có thể chỉ là những người dân bình thường, trợ lý của bác sĩ hoặc bất kỳ cá nhân hay chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào khác. Trừ khi các nhà cung cấp dịch vụ y tế thông báo, bệnh nhân không biết ai đã thực sự thực hiện phẫu thuật của họ vì họ đã bất tỉnh vì gây mê.

Hoạt động này là bất hợp pháp ở Hàn Quốc nhưng các nhà hoạt động nói rằng, tốc độ tăng trưởng quá nhanh của ngành thẩm mỹ cộng với việc các quy định nhằm quản lý ngành phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD đang bùng nổ còn quá lỏng lẻo đã khiến cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động giống như những nhà máy. Một số cơ sở thẩm mỹ đã bất chấp sự an nguy của người bệnh để thuê nhân viên không đủ trình độ thay thế cho bác sỹ tiến hành phẫu thuật nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Theo luật pháp Hàn Quốc, người nào yêu cầu hoặc thực hiện hành vi y tế không có giấy phép sẽ phải chịu hình phạt tối đa là 5 năm tù giam hoặc bị phạt tiền tối đa 50 triệu won (44.000 USD). Nếu bác sỹ có giấy phép hành nghề tiến hành phẫu thuật chui (tại một cơ sở không có giấy phép) thì sẽ bị khép tội gian lận hoặc gây tổn hại thân thể người khác.

Tuy nhiên, những tội danh này rất khó chứng minh bởi nhiều bác sỹ thay thế không ghi lại công việc họ đã làm và nhiều phòng khám không có camera quan sát. Và ngay cả khi các vụ việc được đưa ra tòa, các “bác sỹ ma” cũng hiếm khi bị phạt nặng, dẫn đến các phòng khám chui vẫn tiếp tục hoạt động sau đó.

Tòa án tối cao Hàn Quốc đã phê duyệt hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 1974. Một năm sau đó, Hàn Quốc đưa ra quy định các bác sỹ phẫu thuật bắt buộc phải vượt qua các kỳ thi chuyên môn.Vào năm 2018, Hàn Quốc đã sửa luật theo hướng tăng hình phạt đối với các bác sỹ hướng dẫn các ca phẫu thuật ma.

Song, một bài báo được xuất bản vào năm 2018 trên một tạp chí y khoa uy tín của Hàn Quốc cho thấy hoạt động này vẫn còn “tràn lan”.Vào tháng 4/2021, dư luận Hàn Quốc tiếp tục xôn xao về cái chết của một nam sinh viên đại học khỏe mạnh sau khi trải qua cuộc phẫu thuật thẩm mỹ do một “bác sỹ ma” thực hiện.

Trước khi đạo luật Y tế sửa đổi nói trên được thông qua, năm 2018, tỉnh Gyeonggi trở thành địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc yêu cầu lắp camera trong tất cả phòng mổ tại cơ sở y tế công. Ban đầu, các bác sỹ phản đối đề xuất, cho rằng họ sẽ không thể làm việc thoải mái khi bị theo dõi và camera sẽ chỉ làm xói mòn lòng tin của bệnh nhân thay vì xây dựng nó. Đạo luật Y tế được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào năm ngoái khi mới được bố cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hội nghề y nhưng lại được công chúng ủng hộ mạnh mẽ.

Các nhà lập pháp và các chuyên gia thẩm mỹ tại Hàn Quốc cho rằng những sự cố y khoa, bao gồm cả những vụ việc gây chết người, xảy ra tại là do các quy định lỏng lẻo, tình trạng quảng cáo quá mức và nỗi ám ảnh của xã hội Hàn Quốc về ngoại hình khiến cho ngành công nghiệp thẩm mỹ ở nước này phát triển quá “nóng”.

Đọc thêm