Đòi đất cho ở nhờ - đủ chứng cứ
Ông Hải trình bày, năm 1980 ông có đơn xin cấp đất và được Hợp tác xã (HTX) Hương Lâm (xã Phong An, huyện Phong Điền) đồng ý để cho làm nhà ở. Theo bản vẽ hồ sơ kỹ thuật năm 2001 (bản đồ 299) thì thửa đất có số 81, tờ bản đồ số 42, diện tích 3.240m2 đứng tên ông Hải. Bản vẽ mốc giới năm 2012 với các hộ liền kề cũng trùng khớp với bản vẽ trước đây…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trạch (Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền từ năm 1996 đến năm 2004) cũng xác nhận: “Nguồn gốc đất của ông Hải có trong bản đồ 299 và bà Trần Thị Vui là người xin vợ chồng ông Hải cho ở tạm…” . Việc bà Vui xin ở trên đất của ông Hải còn được nhiều người xác nhận là vào năm 1988 chứ không phải vào năm 1984 như bà Vui trình bày, bởi năm đó bà đang đi làm công nhân cao su tại huyện Bình Long (tỉnh Sông Bé cũ).
“Bà Vui là cháu kêu tôi bằng chú trong dòng họ, thấy hoàn cảnh khó khăn nên cho ở tạm để làm quán buôn bán, không làm giấy tờ gì. Đến năm 2000 bà Vui bất ngờ rao bán thửa đất nói trên. Dù tôi đã có đơn khiếu nại và đang chờ giải quyết nhưng bà Vui vẫn ngang nhiên xây dựng tường rào. Còn chính quyền thị trấn và huyện không hiểu sao vẫn làm ngơ”- ông Hải ngao ngán nói.
Biên bản các cuộc hòa giải đều cho thấy ngôi nhà bà Vui sử dụng nằm trong bản vẽ thửa đất do ông Hải đứng tên. Đại diện chính quyền thị trấn khi chủ trì các buổi hòa giải trước đây đều thừa nhận đất của ông Hải cho bà Vui ở tạm. Như vậy có thể thấy, việc đòi đất cho ở nhờ của ông Hải là có cơ sở.
Chính quyền “tiếp tay” làm khó dân?
Khi việc đòi lại đất chưa thành thì thửa đất bị giải tỏa để mở rộng quốc lộ 1A nên ông Hải và bà Vui lại tiếp tục tranh chấp tiền đền bù. Ông Hải cho hay: “Tôi có đủ giấy tờ chứng minh diện tích đất đó là của gia đình tôi thì đương nhiên được nhận tiền đền bù. Việc bà Vui cho rằng bà ở từ nhiều năm nay nên được nhận tiền đền bù là vô lý. Tại cuộc họp xác định nguồn gốc đất giữa Phòng TN&MT huyện Phong Điền với tôi và bà Vui ngày 21/7/2014 cũng đã rõ nhưng UBND huyện Phong Điền vẫn không cho tôi nhận số tiền hơn 83 triệu đồng mà đem gửi vào kho bạc”.
Ngày 30/6 vừa qua, UBND huyện Phong Điền còn có Quyết định số 3967/QĐ-UBND cho rằng: “Vào năm 1982, bà Vui đã xin thôn và HTX cấp đất làm nhà tại thửa đất mà hiện nay gia đình bà đang sử dụng. Thời điểm đó đã có nhà của ông Trần Văn Hải và đã có ranh giới ổn định giữa hai gia đình. Khi đo vẽ bản đồ 299-TTg bà Vui không có mặt ở nhà và do không hiểu biết pháp luật nên thửa đất của bà Vui đã được đo chung vào thửa đất của ông Hải…”.
Nhận định trên vô lý ở chỗ, năm 1980 ông Hải đã được HTX đồng ý cho sử dụng đất với “bút phê” của Chủ nhiệm HTX, có ranh giới cụ thể thì vào năm 1982, HTX lấy đất đâu để cấp cho bà Vui?. Không lẽ một thửa đất được HTX cấp hai lần? Bà Vui xin cấp đất thì ai là người cấp và tại sao không có chứng cứ, giấy tờ?. Vả lại, nếu là đất của bà Vui thì vì sao tại cuộc họp hòa giải ngày 3/12/2014, gia đình bà Vui lại “ưu ái” để ông Hải sử dụng phần diện tích phía sau và chỉ đề nghị ông Hải công nhận đất của bà từ trước ra phía sau công trình phụ kéo sâu thêm 10 mét?. Nếu sau năm 1982 đã có ranh giới ổn định giữa hai gia đình thì tại sao lại có chuyện đo đất của bà Vui cho ông Hải được?. Việc bà Vui sử dụng đất trước 15/10/1993 và nộp thuế từ năm 2001 đến nay cũng không đồng nghĩa với việc đất này của bà Vui vì bản chất của việc này là “mượn đất” của ông Hải chứ không phải “khai hoang, phục hóa” đất hoang.
Đề nghị UBND huyện Phong Điền căn cứ vào các hồ sơ về nguồn gốc thửa đất để xem xét lại quyết định giải quyết của mình một cách thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi của ông Hải và tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài.