Dấu hỏi từ vụ giết người bí ẩn

(PLVN) - Cách đây 23 năm, ở Italia xảy ra một vụ án làm chấn động đất nước này và đi vào lịch sử những kỳ án bí hiểm nhất của thế giới. Nữ sinh viên Marta Russo (22 tuổi) bị bắn chết giữa thanh thiên bạch nhật tại trường Đại học tổng hợp La Sapienza Roma - trường đại học danh giá nhất của Italia. 
Dấu hỏi từ vụ giết người bí ẩn

Cô gái bị ai đó bắn vào cổ và qua đời 5 ngày sau tại bệnh viện. Kết quả điều tra của cảnh sát ngay sau đấy cho thấy cô gái sinh sống trong gia đình rất hoà thuận, không có kẻ thù hay tình địch, không hề vi phạm pháp luật lần nào. Tức là không ai có thể trả lời được câu hỏi vì sao cô gái lại bị bắn chết. 

Vào thời điểm xảy ra chuyện này, ở trong trường đại học kia hoàn toàn không xảy ra chuyện đụng độ, bạo lực  hay xô xát gì giữa sinh viên. Tất cả chỉ có một phát súng. Vụ việc này gây chấn động cả đất nước Italia. Đích thân Thủ tướng Italia thời bấy giờ là ông Romano Prodi tới dự lễ tang cô sinh viên. Cả chục ngàn người đưa tiễn cô sinh viên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đích thân Giáo hoàng John Paul II gửi lời chia buồn. Sau đấy, ở Italia có đường phố, quảng trường và trường học được đặt tên theo tên của cô sinh viên. Qua đó đủ để thấy cả đất nước và người dân ở Italia đồng cảm như thế nào với số phận của cô gái. Và cũng chính vì thế mà chuyện này gây nhức nhối dai dẳng khi vẫn không trả lời được các câu hỏi như ai thật sự là thủ phạm? Vì sao lại sát hại cô gái? Vũ khí gây án ở đâu?... 

Những câu hỏi ấy thường quyết định cho cả việc đánh giá kết quả công chuyện điều tra của cảnh sát và làm cơ sở cho tòa án xét xử và tuyên án. Hai câu hỏi sau cùng cho tới tận hiện tại vẫn chưa có được câu trả lời trong khi câu hỏi đầu tiên về thủ phạm được cảnh sát và tòa án trả lời theo cách riêng. Bằng những thủ thuật nghiệp vụ chuyên môn, cảnh sát xác định ra được đường đi của viên đạn. Viên đạn được bắn ra từ một khoa trong trường, ở khoa đó có hai thầy giáo giảng dạy.

Mấy ngày trước hôm cô sinh viên Marta Russo bị bắn, hai người này chủ trì một cuộc thảo luận với chủ đề “Liệu có vụ giết người hoàn hảo hay không?”. Ở đấy, hai người này thể hiện quan điểm cho rằng có thể tiến hành được những vụ giết người hoàn hảo, có nghĩa là thủ phạm không bị phát giác, không bị cảnh sát điều tra ra bởi không tìm ra được vũ khí gây án và động cơ gây án.

Hai người này lập tức bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì thể hiện quan điểm như thế trong cuộc thảo luận kia chứ cảnh sát hoàn toàn không thể chứng minh được hai người này đã gây ra vụ án mạng của Marta. 6 năm sau, tòa án ở Italia đưa hai người này ra xét xử trước tòa cho dù không hề có bất cứ bằng chứng cụ thể nào ngoài sự việc nói trên. Dù vậy, tòa vẫn tuyên phạt hai giảng viên này ngồi tù 5 năm rưỡi, chưa kể đến thời gian 6 năm bị bắt giữ để điều tra.

Dư luận công chúng ở Italia đa phần thiên về tin rằng hai người này là thủ phạm. Cả tòa án, cảnh sát lẫn dư luận đều nhìn nhận và suy xét theo cách nếu không phải hai người thì không thể có ai khác là thủ phạm. Phán xử này của tòa trên thực tế đã xác nhận là đúng là có vụ giết người hoàn hảo, còn kết quả xét xử của tòa có hoàn hảo hay không? Câu trả lời, rất tiếc là kết quả xét xử lại không hoàn hảo chút nào.

Đọc thêm