Trong mọi phát biểu công khai về chính sách đối ngoại và an ninh, cả ông Biden lẫn tân Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken và tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulivans và đặc phái viên của ông Biden cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell đều thể hiện quan điểm, thái độ cứng rắn và không khoan nhượng đối với Trung Quốc, luôn xác định Trung Quốc là thách thức lớn nhất và nguy hại nhất đối với tương lai của nước Mỹ, luôn coi việc tập trung đối phó Trung Quốc là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu.
Cả ông Blinken lẫn ông Austin đều chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là những điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên và đối phó thách thức chính trị an ninh và quân sự từ Trung Quốc và Triều Tiên đều thuộc diện những nội dung được ưu tiên hàng đầu trên chương trình nghị sự của các cuộc trao đổi vừa rồi ở Tokyo và Seoul. Cùng đối phó Trung Quốc cũng đã được ông Biden đề cập với Thủ tướng của 3 nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong cuộc trao đổi trực tuyến cấp cao đầu tiên của cái gọi là “Bộ tứ kim cương” này.
Cho nên có thể nói rằng đến tận trước cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc ở Anchorage, mọi dấu hiệu đều cho thấy với chính quyền mới ở nước Mỹ, một thời kỳ mới bắt đầu cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà đặc điểm nổi bật nhất của thời kỳ này là mức độ bất hòa và xung khắc giữa hai bên sẽ còn tiếp tục gia tăng chứ không thể ngược lại.
Ở Anchorage, hai bên đấu khẩu thẳng thừng và công kích nhau kịch liệt đến mức sẽ không quá lời khi cho rằng họ “vuốt mặt không hề nể mũi”. Phía Mỹ phê phán mạnh mẽ Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, đồng thời coi tất cả những gì Trung Quốc dự định và đã làm ở khu vực Đông Á nhằm và thông qua đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước trong khu vực đều đe doạ trực tiếp tới hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải trong khu vực.
Trung Quốc đáp trả quyết liệt tương tự bằng lập luận riêng và nhắc nhở Mỹ tập trung lo liệu ổn thoả chuyện nội bộ trước khi rao giảng kẻ khác trên thế giới.
Cuộc gặp này vì thế không thể khởi động lại được mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn làm cho bất hòa và xung khắc giữa hai bên trở nên sâu sắc và công khai hơn. Việc hai bên sa đà vào đấu khẩu phản ánh tình trạng bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích rất cơ bản, khó có thể dung hòa.
Nếu như mục đích của cuộc gặp là giải quyết mọi khúc mắc và dọn dẹp mọi trở ngại để rồi đây, cũng có thể sớm chứ không muộn, có được cuộc gặp cấp cao chính thức trực tiếp đầu tiên thì nó đã thất bại trên phương diện này. Ông Biden và ông Tập Cận Bình rồi đây có thể sẽ lại điện đàm với nhau nhưng trực tiếp gặp nhau trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ không.
Cuộc gặp ở Anchorage diễn ra với sự tham dự của ông Blinken và ông Sulivans ở phía Mỹ với ông Đường Gia Triển và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ở phía Trung Quốc. Hai bên gặp nhau với nhận thức rất rõ ràng và đầy đủ từ trước là chưa thể đạt được tiến triển đáng kể nào trên con đường tìm kiếm giải pháp hiện đang đặt ra cho mối quan hệ song phương này.
Việc hai bên vẫn tiến hành cuộc gặp cho thấy họ cần tác động chính trị và tâm lý của sự kiện, tức là muốn thể hiện cho nhau thấy thiện chí và chủ ý duy trì tiếp xúc và đối thoại ở cả cấp cao làm chốt chặn cuối cùng để diễn biến của quan hệ song phương không vượt ra ngoài tầm kiểm soát chung của cả hai bên. Triển vọng quan hệ song phương càng mờ mịt bởi bất hoà và xung khắc càng thêm gia tăng thì việc duy trì cái chốt chặn trở nên càng thêm cần thiết và quan trọng đối với cả hai bên.