Đau lòng “cuộc chiến” của hồi môn ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết hôn được hơn một năm thì mới đây, người ta phát hiện Vismaya Nair đã chết trong phòng tắm của gia đình chồng ở bang Kerala, miền Tây Nam Ấn Độ. Vụ việc đang được làm rõ nhưng gia đình cô cho rằng nguyên nhân là vì “của hồi môn”, vốn đã có lệnh cấm từ nhiều thập kỷ trước.
Vismaya Nair trong trang phục cô dâu hồi tháng 5-2020.
Vismaya Nair trong trang phục cô dâu hồi tháng 5-2020.

Tương lai vụt tắt sau 1 năm hôn nhân

Ban đầu, cảnh sát không có lý do gì để xem cái chết của cô sinh viên 24 tuổi vào ngày 21/6 vừa qua là đáng ngờ, cho đến tháng 8 khi gia đình cô khiếu nại theo Luật Cấm của hồi môn.

Luật này cho phép buộc tội những người đã gây ra cái chết hoặc tự sát của một người phụ nữ trong vòng 7 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, trong đó gia đình đã hứa hẹn về của hồi môn - những món quà được trao cho nhà trai khi một cặp vợ chồng kết hôn. Của hồi môn đã bị cấm ở Ấn Độ trong hơn 60 năm qua, nhưng thực tế, tục lệ này vẫn tồn tại dai dẳng đến nay.

Harshita Attaluri (Tổng thanh tra của cảnh sát ở Kerala) cho biết, cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được liệu Nair chết do tự sát hay bị sát hại. Song theo Luật Cấm của hồi môn của Ấn Độ, cảnh sát đã bắt chồng của Nair, Kiran Kumar. Anh này hiện vẫn bị giam giữ nhưng chưa bị buộc tội.

Anh trai của Vismaya là Vijith Nair cho biết em gái anh từng là một “cô gái tươi sáng, mạnh dạn và năng động”. Cô từng học y khoa, là thành viên của Quân đoàn Thiếu sinh quân Quốc gia và đại diện cho thanh niên bang Kerala trong Lực lượng vũ trang Ấn Độ.

“Con bé thích khiêu vũ, thích đi du lịch và bay nhảy. Mọi việc đã thay đổi sau khi nó kết hôn. Nó bị hạn chế sử dụng mạng xã hội, không được gọi điện cho bố mẹ, không được đi máy bay, tất cả chỉ vì của hồi môn”, Vijith Nair nghẹn ngào chia sẻ.

Thủ hiến bang Kerala với một nhà hoạt động vì phụ nữ trong cuộc biểu tình “Bức tường phụ nữ” vào năm 2019.Thủ hiến bang Kerala với một nhà hoạt động vì phụ nữ trong cuộc biểu tình “Bức tường phụ nữ” vào năm 2019.

Theo Vijith, Kumar có vẻ không hài lòng với chiếc xe mà gia đình anh tặng. Thanh tra cảnh sát Attaluri cũng tiết lộ Kumar cảm thấy xấu hổ trước kiểu dáng và mẫu mã của chiếc xe mà anh ta nhận được và không hài lòng với của hồi môn của vợ, trong đó có 1 lượng vàng.

Nair cho biết gia đình anh muốn em gái được đảm bảo về tài chính. “Chúng tôi đã trao cho con bé rất nhiều - những gì tôi kiếm được khi làm việc, tiền tiết kiệm cả đời của cha tôi từ hơn 20 năm làm việc, chúng tôi đã trao tất cả vì sự an toàn cho cuộc sống của con bé. Vậy mà chỉ 1 năm, chúng tôi đã mất con bé”, Vijith bức xúc.

Đồng thời, anh cũng tiết lộ cô từng kể bị chồng bạo hành về thể xác và lời nói, phải quay về nhà mẹ đẻ nhưng lại theo Kumar về nhà chồng vì không muốn gây thêm đau đớn cho gia đình, hay mang lại bất kỳ gánh nặng hoặc sự xấu hổ nào cho bố mẹ. Nỗi sợ “xấu hổ và nhục nhã” của Vismaya cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ trong các cuộc hôn nhân mà có tranh chấp liên quan đến của hồi môn.

Luật sư của Kumar là B.A.Aloor thì cho rằng Kumar không phạm tội liên quan đến của hồi môn. Ông nói: “Không có gì trong hồ sơ cho thấy anh Kumar đã phạm tội giết người hoặc làm chết người vì của hồi môn”. Kumar cũng phủ nhận các cáo buộc lạm dụng. Còn anh trai của Nair quyết tâm sẽ đòi lại công bằng cho em gái mình.

Những cái chết vì của hồi môn

Vismaya Nair không phải là người phụ nữ duy nhất gần đây chết vì nguyên nhân liên quan đến của hồi môn, gia đình của 3 phụ nữ khác cũng đã đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát về của hồi môn. Mặc dù các trường hợp tử vong không được kết luận là tử vong vì của hồi môn, nhưng chúng đã gây ra cú sốc và sự tức giận trên diện rộng ở Kerala, với nhiều người yêu cầu chấm dứt phong tục gây tranh cãi.

Tính từ năm 2016 đến tháng 5 năm nay, cảnh sát bang Kerala đang điều tra 68 cái chết liên quan đến của hồi môn, bao gồm cả tự tử. Cùng khoảng thời gian này, hồ sơ của cảnh sát cũng cho thấy, cảnh sát đã giải quyết hơn 15.000 đơn khiếu nại về “sự tàn ác của chồng và người thân”.

Vismaya Nair và người anh trai.

Vismaya Nair và người anh trai.

Theo truyền thống, của hồi môn dùng để chỉ những món quà mà cha mẹ tặng để giúp con gái đảm bảo hơn về tài chính trong cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia nhận thấy nhiều gia đình đang chuyển sang vàng, ô tô, bất động sản hoặc các tài sản giá trị khác cho gia đình chú rể như một điều kiện của hôn lễ.

Truyền thống của hồi môn ở Ấn Độ đã có từ hàng ngàn năm trước, dành cho những phụ nữ không thể thừa kế tài sản theo Luật Hindu được mang theo của hồi môn dưới tên của mình khi kết hôn. Theo thời gian, tục lệ này gắn liền với hành vi bạo lực, liên quan đến việc ép buộc của hồi môn đối với gia đình các cô gái.

Các tội danh bao gồm lạm dụng và quấy rối thể chất cũng như những cái chết liên quan đến sự không hài lòng về số lượng của hồi môn mà gia đình nhà trai nhận được. Vì vậy, nó đã bị hình sự hóa theo Luật Cấm của hồi môn năm 1961 với hình phạt tiền và án tù ít nhất 5 năm.

Các chuyên gia phân tích, Luật này không hiệu quả nên vào những năm 1980, các nhà lập pháp đã đưa các quy định liên quan trong đạo luật vào Bộ luật Hình sự của Ấn Độ, cho phép chính quyền buộc tội nam giới hoặc thành viên gia đình của họ bằng quy định cấm của hồi môn. Những người bị buộc tội sẽ phải chịu án tù từ 7 năm đến chung thân.

Thế nhưng bất chấp những hình phạt khắc nghiệt hơn, phong tục của hồi môn vẫn ăn sâu vào xã hội như một phần không thể thiếu của đời sống hôn nhân. Theo Ngân hàng Thế giới, 95% trong số 40.000 cuộc hôn nhân diễn ra ở vùng nông thôn Ấn Độ từ năm 1960 đến 2008 đã được trao của hồi môn.

Thống kê của Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ cho thấy, của hồi môn vẫn đang được duy trì. Trong năm 2019, nước này đã ghi nhận hơn 13.000 khiếu nại về của hồi môn và hơn 7.100 trường hợp tử vong vì của hồi môn.

Trong số 3.516 cái chết của hồi môn đã được đưa ra tòa vào năm 2019, chỉ có 35,6% bị kết án hình sự - do rất khó để các gia đình nạn nhân chứng minh rằng việc quấy rối để lấy của hồi môn đã dẫn đến cái chết của người phụ nữ. Hàng nghìn trường hợp vẫn đang được tiến hành thông qua các tòa án; vào cuối năm 2019, hơn 46.000 vụ án đang chờ xét xử.

Các chuyên gia nhận định, số lượng lớn các vụ việc cho thấy Luật được áp dụng rất kém hiệu quả. Họ chua xót thừa nhận, thật khó để loại bỏ phong tục gây tranh cãi này vì nó đã gắn liền với danh tiếng và vị thế xã hội của một người.

Phong tục cũng được bình thường hóa dưới chiêu bài “tặng quà” - xóa nhòa ranh giới giữa truyền thống “của hồi môn” và những món quà tự nguyện cô dâu trao cho nhà trai. Shahida Kamal (thành viên của Ủy ban Phụ nữ Kerala) chỉ rõ đây là một “kẽ hở” trong Luật Cấm của hồi môn năm 1961 khi những món quà như vàng, đất đai hoặc ô tô mà các gia đình nhà gái tặng không được Luật điều chỉnh.

Sau cái chết của Nair, Thủ hiến Pinarayi Vijayan của bang Kerala đã lên Twitter để lên án việc làm của hồi môn: “Chúng ta cần phải cải cách hệ thống hôn nhân hiện hành. Các bậc cha mẹ phải nhận ra rằng truyền thống của hồi môn man rợ đã biến con gái chúng ta thành hàng hóa. Chúng ta phải đối xử tốt hơn với chúng, như những con người”. Ông cũng cam kết sẽ đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn ở Kerala để hỗ trợ phụ nữ.

Đọc thêm