Đầu năm nghe nữ sinh đạt Giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia kể chuyện học Sử

(PLO) - Mỗi sự kiện lịch sử được hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy hình cây,  rồi “bổ dọc” hoặc “xẻ ngang” vấn đề và mổ xẻ sâu hơn. Ngoài đọc nhiều tư liệu trong sách giáo khoa thì việc sưu tầm tài liệu, hay xem thời sự để củng cố kiến thức thực tiễn… là những “bí quyết” mà Ngũ Thị Hà Trang – nữ sinh đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử năm học 2016-2017 chia sẻ. 
Cô học trò nhỏ Ngũ Thị Hà Trang
Cô học trò nhỏ Ngũ Thị Hà Trang

Cô nữ sinh với đam mê môn Sử

Sinh ra lớn lên trong một gia đình mẹ làm giáo viên, bố làm công nhân tại xã Đô Thành nữ sinh Ngũ Thị Hà Trang (SN 1999, học sinh lớp 12C2 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) sớm có ý thức tự giác học tập. Tốt nghiệp tiểu học, gia đình Trang chuyển về nhà ông bà nội tại thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) để sinh sống, em là học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên).

Đây là thời gian mà Trang và em gái phải tự lập sớm hơn so với chúng bạn cùng trang lứa khi mẹ vẫn dạy học cách nhà gần 60km, bố làm công nhân tại Anh Sơn (cách nhà hơn 100km). Biết bố mẹ vất vả, em luôn tự giác mọi sinh hoạt của mình và việc học tập. Đến năm lớp 8 bố được chuyển về TP.Vinh làm việc gần nhà hơn nên em cũng đỡ vất vả hơn.

Cũng chính tại ngôi trường này, những tiết học môn Lịch sử như “cuốn hút” cả tâm hồn em qua những bài giảng của cô giáo và Trang “mê” môn Lịch sử này lúc nào không hay. Với những quyết tâm của bản thân và động viên của gia đình, Trang đăng kí tham dự kỳ thi học sinh giỏi Lịch sử cấp trường, lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Trong năm học lớp 9 Trang đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.

Cũng như một sự tình cờ, thấy con gái đam mê môn lịch sử mẹ đã động viên Trang đăng kí dự thi vào vào lớp chuyên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Nhà cách trường gần chục cây số, bố mẹ lại không có điều kiện đưa con đi học nên mình Trang lọc cọc đạp xe đi học. Nhưng không vì thế mà em nhụt chí, được thầy cô bạn bè mới động viên, chia sẻ và những tiết học sử đã cuốn Trang vào quên đi quãng đường dài.

Thương con gái, bố mẹ mua cho hai chị em chiếc xe đạp điện đèo nhau đến trường học mỗi ngày, em thay bố mẹ việc đưa đón em gái đi học. “Thời gian đầu thấy các bạn ở thành phố cả hơi buồn, nhưng cả lớp nhanh chóng hòa đồng, được học tập trong môi trường tốt, thầy cô giáo yêu thương và giúp đỡ.

Hà Trang chia sẻ "bí quyết" học sử của mình
Hà Trang chia sẻ "bí quyết" học sử của mình

Nhất là cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Bích Hậu đã giúp đỡ, dìu dắt rất nhiều trong quãng thời gian từ khi mới vào học cho đến nay. Cách giảng sống động, kết hợp với tư liệu bằng hình ảnh, phim và những câu chuyện bên lề của cô, các bài giảng của cô luôn hấp dẫn và tạo được sự hứng khởi cho bọn em mà không bị “buồn ngủ” như các bạn nói về môn Lịch sử…” Hà Trang chia sẻ.

Vượt qua mất mát “giật” giải Nhất môn Sử học sinh giỏi Quốc gia

Năm học lớp 11 (năm học 2015-2016) Hà Trang được gọi tập trung vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi Quốc gia với các anh chị lớp 12. “Phút đầu hơi có chút lo lắng do lượng kiến thức quá nhiều mà lớp 12 các anh chị đã học em phải học và ôn kiến thức lớp 11 nên hơi mệt…”,  Hà Trang nói. Trong kỳ thi năm đó, Hà Trang xuất sắc giành giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử với số điểm 17 điểm. 

Năm 2016, Trang tiếp tục được đưa vào đội tuyển dự thi Học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử Trang đã xuất sắc giành giải Nhất duy nhất của đội tuyển. “Sau khi làm bài thi em hơi run và không tự tin về phần thi của mình, nhưng khi cô giáo thông báo kết quả giải Nhất em hơi bị “sốc” vì không nghĩ kết quả lại cao như thế…”, Trang tâm sự.

Chia sẻ về “bí quyết” học môn Lịch sử Hà Trang nói, “Lịch sử không phải là những sự kiện, những con số khô khan như các bạn thường nghĩ. Nhưng sử cũng có một lượng kiến thức đồ sộ, bởi vậy, cần phải biết tóm lược các ý chính và làm rõ được bản chất của vấn đề. Thường thì mỗi sự kiện lịch sử được em hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy hình cây. Các sơ đồ ấy được trình bày theo cách “bổ dọc” hoặc “xẻ ngang” vấn đề. Từ các ý chính đó, mình sẽ triển khai sâu hơn…Ngoài việc đọc nhiều kiến thức trong sách giáo khoa, sưu tầm thêm tài liệu thì em thường xem thời sự để củng cố kiến thức thực tiễn…”.

Cũng một phương pháp nữa là Trang thường tổ chức các nhóm học với nhau, trong đó cùng một câu hỏi đưa ra, việc tranh luận, bàn thảo sẽ giúp nhau nắm vững kiến thức và nhớ lâu hơn. Nếu gặp những câu hỏi “gai góc” hoặc câu có nhiều ý kiến tranh luận thì Trang sẽ tư vấn cô giáo chủ nhiệm để có đáp án chính xác nhất.

Trong dịp hè năm ngoái bà nội Trang đã qua đời, đầu năm 2017 trước khi Trang đi thi một buổi thì ông nội cũng rời xa Trang. Nỗi mất mát quá dồn dập khiến Trang hụt hẫng và suy sụp nhiều lắm. Nuốt nước mắt, em lên đường đi thi và món quà mang về là giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Sử là một món quà Trang dâng lên ông bà nội của mình.

Nói về cô học trò bé nhỏ của mình, cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Bích Hậu - tổ trưởng chuyên môn tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ, “Kết quả mà Trang giành được là hoàn toàn xứng đáng, đó là sự cố gắng nỗ lực của một học trò có đam mê, có nền tảng kiến thức tốt và rất có bản lĩnh…”.

Cô Hậu cho biết thêm, trước thời điểm đi thi biến cố trong gia đình đã khiến Trang suy sụp lớn, thầy cô, bạn bè đã động viên Trang rất nhiều. Trang đã quyết định tham dự kỳ thi, để không phụ sự kỳ vọng và yêu thương, chăm sóc của ông bà... 

Đọc thêm