Dạy con kỹ năng sinh tồn - điều không thể thiếu

(PLO) -Xã hội càng hiện đại thì việc trang bị những kỹ năng sinh tồn cho con ngày càng được các bậc làm cha mẹ quan tâm, chú trọng.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Những vụ thoát chết nhờ kỹ năng sinh tồn

Một trong những minh chứng rõ rệt nhất cho sự cần thiết phải trang bị cho trẻ kỹ năng sinh tồn đó là câu chuyện xảy ra hồi năm 2015 tại Mỹ. Sau khi chiếc máy bay Piper PA-34 loại nhỏ bị rơi ở một khu rừng phía Tây bang Kentucky, giết chết 4 người thân trên máy bay, bé Gutzler đã dùng cánh tay không bị thương của mình để chui ra khỏi đống đổ nát của chiếc máy bay đang bốc cháy và đi bộ khoảng 1,6 km đường rừng, lội sông mặc mưa quất rát mặt để tìm đến nhà dân cầu cứu. Người thân của cô bé cho biết cha Gutzler thường dạy cho em các kỹ năng sinh tồn khi gặp tình huống khẩn cấp nên cô bé không tỏ ra hoảng loạn khi gặp phải sự cố bất ngờ.

Ngoài câu chuyện về bé gái Gutzler, câu chuyện về cặp vợ chồng Natalya Protodyakonova, 45 tuổi và chồng Nikolay Khobrov, 36 tuổi, thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Yukagir cũng là một minh chứng về sự sinh tồn. Theo truyền thông đưa tin, cặp vợ chồng nói trên bị mắc kẹt ngoài trời lạnh giá -50 độ C, sau khi xe tuyết của họ bị hỏng và lạc khỏi các thành viên khác cùng đoàn trong chuyến đi mua sắm chuẩn bị cho lễ Giáng sinh ở vùng Bắc Cực hồi đầu tháng 12/2016. Nhiệt độ ngoài trời ở vùng ven biển Laptev thuộc Siberia, Nga, thời điểm đó là -50 độ C, với những cơn gió lạnh buốt liên tục thổi qua. Cặp vợ chồng này đã không thể thông báo bị lạc đường, trong điều kiện thời tiết vô cùng lạnh giá họ đã ôm và hôn nhau để giữ ấm. Trong thế hiểm nguy khó giữ tính mạng họ đã nghĩ đến những đứa con để có thêm sức mạnh chống chọi với cái rét cắt da. Không một người cứu hộ, không một tín hiệu của sự sống, đêm đầu tiên, họ cùng nhau đi bộ để có thêm hơi ấm, ngậm tuyết trong miệng để lấy nước uống. Ngày thứ hai họ rơi vào tình trạng kiệt sức, nhưng trong những lúc cuối cùng còn tỉnh táo họ vẫn ôm lấy đầu và vai nhau để lấy hơi ấm và điều kỳ diệu đã đến khi em trai của Natalya cùng các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy vợ chồng cô nằm bất động trên tuyết cách ngôi làng Yukagir của họ khoảng 80 km.

Thế nhưng, ngược lại với những người có khả năng sinh tồn tốt, tự cứu được tính mạng của mình trong những trường hợp hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” thì lại có những trường hợp thực sự đáng tiếc khi con người thiếu kỹ năng sinh tồn hoặc coi thường những điều đó. Đó là trường hợp một phượt thủ người Anh thiệt mạng trên đường chinh phục đỉnh Fansipan. Trong khi trước đó, người này đã từng bị lạc suốt một tiếng đồng hồ trong lịch trình leo lên đỉnh núi Liang Biang (Đà Lạt) và mọi người khuyên anh không nên một mình vì quá nguy hiểm. Hay câu chuyện về một nhóm du khách nước ngoài bị lạc trong rừng, để ra tín hiệu họ đã đốt lửa trong khu rừng và hậu quả cả khu rừng đùng đùng bốc cháy... Những câu chuyện tương tự cho thấy kỹ năng sinh tồn là điều vô cùng cần thiết, mà thiếu nó, có khi phải trả bằng mạng sống.

Nên dạy trẻ từ bậc mầm non

Đành rằng, bản năng sinh tồn đã có sẵn trong mỗi người từ khi sinh ra nhưng muốn trở thành kỹ năng phải được giáo dục, rèn luyện và quá trình đó không phải ngày một ngày hai. Cùng một tình thế cấp bách, một hoàn cảnh nguy hiểm, có người biết cách thoát ra còn có người lại thiệt mạng. Sự khác nhau có khi chỉ đơn giản là một bước chân chạy, một sự bình tĩnh phán xét trong giây phút. Không phải ngẫu nhiên, khi ở Việt Nam gần đây rất nhiều trường mầm non đã bắt đầu dạy trẻ kỹ năng sinh tồn dù còn ít. Chủ yếu việc dạy kỹ năng sinh tồn được thực hiện ở các trường dân lập. Đây cũng chính là một trong những lý do nhiều phụ huynh lựa chọn trường dân lập cho con em mình từ nhỏ. Đối với hệ thống các trường công lập, việc dạy kỹ năng sinh tồn do nhà trường quyết định, còn thực tế ở Việt Nam chưa có một bộ giáo án hay khung chương trình chuẩn nào để dạy về kỹ năng này cho các bé. Ngoài ra, thời gian gần đây nhiều nơi đã tổ chức mô hình học kỹ năng quân đội cũng trang bị những kỹ năng sinh tồn cần thiết cho các bé dù thời gian không nhiều.

Bà Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Giáo dục và Phát triển trí tuệ Việt cho biết, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì việc học kỹ năng thoát hiểm cần học từ khi rất nhỏ, từ mầm non là tốt nhất. Bởi khi dạy cho trẻ mầm non, các con sẽ hình thành khái niệm phải xử lý tình huống khẩn cấp như thế nào. Nó sẽ trở thành một tiềm thức, một kỹ năng trong tiềm thức. Nhưng để biến thành tiềm thức thì chúng ta phải có một hệ thống giáo dục xuyên suốt về kỹ năng sinh tồn, tự vệ trong trường hợp khẩn cấp. Thực tế, ngay từ khi một đứa trẻ sinh ra, chúng ta đã dạy cho con em mình kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Song chắc chắn, không bậc phụ huynh nào có thể dạy hết những kỹ năng mà một đứa trẻ cần có trong các tình huống khẩn cấp. Do đó, cần có sự vào cuộc của ngành giáo dục để đưa ra những bài học đầy đủ và bài bản.

Bên cạnh việc giáo dục ở trường học, thì việc giáo dục kỹ năng sinh tồn từ cha mẹ là vô cùng quan trọng. Những điều đôi khi tưởng là rất nhỏ như buộc trẻ phải nhớ số điện thoại, biết gây tiếng ồn thu hút sự chú ý khi bị lạc, khi gặp nguy hiểm, cách nhận diện cảnh sát, nhân viên an ninh, bảo vệ… khi cần sự giúp đỡ; Dạy trẻ biết bơi, cách thoát khỏi đám cháy, thậm chí kỹ năng khi ở nhà một mình, khi bị lạc hay không có gì để ăn… “Hãy dạy trẻ kỹ năng sinh tồn mọi nơi, mọi lúc. Không gì hiệu quả bằng trẻ được giáo dục thông qua những tình huống hay những câu chuyện cụ thể, có thật”, một chuyên gia phân tích.

Đọc thêm