Khó khăn học nghề truyền thống
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, hơn 70% số lao động không được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, để trở thành một lao động chính thức, được bảo đảm về quyền lợi mỗi cá nhân cần có những chứng chỉ, bằng cấp ngắn hạn hoặc dài hạn để hành nghề. Ngoài các trung tâm dạy nghề, làng nghề đang là một địa điểm “truyền nghề” và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Số liệu cho thấy, hiện có 300 làng nghề được công nhận và có 30 - 40 làng nghề truyền thống. Hà Nội đã có kế hoạch đến năm 2030, thành phố sẽ tăng lên 1.300 làng nghề, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, thực tế, việc học nghề ở các làng truyền thống gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Mới đây, tại buổi tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số: Thực trạng và các cơ hội” do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và các đối tác phối hợp tổ chức, TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, phần lớn lao động ở các làng nghề là lao động phi chính thức, mặc dù có nghề, công việc rất ổn định, làm việc quanh năm, nhiều giờ trong ngày nhưng họ vẫn là phi chính thức bởi không có quản lý chính thức nào, không có hợp đồng lao động, không được bảo đảm về các chế độ an sinh xã hội như nghỉ thai sản, lương hưu... Đây là một thiệt thòi rất lớn cho những người lao động tại làng nghề.
Bên cạnh đó, ở các làng nghề việc dạy nghề, truyền nghề rất hạn chế. Theo truyền thống, các làng nghề ở Việt Nam dạy theo kiểu “cha truyền con nối”, phần lớn người theo nghề gốm, khảm trai, nấu xôi,... thuộc chi họ trong gia đình, trong làng. Nhiều nghệ nhân không nhận dạy nghề cho những người lạ đến xin học.
Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề, trường học mong muốn mời các nghệ nhân về truyền kinh nghiệm, kiến thức cho học viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế có những nghệ nhân không có giáo trình, họ truyền đạt, dạy bằng cách truyền tay chỉ việc,... nên việc yêu cầu các nghệ nhân phải có bài giảng, giáo án rất khó khăn. Thực tế, có những nghề khó đưa lên giáo trình, nhiều chuyên gia đã về làng nghề truyền thống để giúp các nghệ nhân viết lại giáo trình nhưng cũng không khả thi. Có một số dự án thủ tục giấy tờ rất cồng kềnh, phải có thiết kế, báo cáo... nên thành quả dự án khó tiếp cận đến người dân ở các làng nghề.
Linh hoạt đào tạo nghề
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động phi chính thức nói riêng đã được quan tâm từ 2005. Đến năm 2009, thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì tại Quyết định 146, công tác đào tạo nghề cho người lao động đã được luật hóa, trong đó quy định phụ nữ, lao động nông thôn, lao động phi chính thức khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng được trợ cấp theo quy định của Chính phủ.
Từ sự luật hóa đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, lao động nông thôn, lao động phi chính thức nói riêng đặc biệt được quan tâm để hướng tới mục tiêu đặt ra là mỗi năm đào tạo được 1 triệu lao động nông thôn. Gần đây nhất, năm 2022 khi tổng kết Nghị quyết 26; Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đẩy mục tiêu lên một mức nữa, đó là bình quân mỗi năm sẽ đào tạo 1,5 triệu người lao động. Tuy nhiên, với sự thay đổi nền kinh tế số hóa như hiện nay, các làng nghề, trung tâm đào tạo nghề cần phải chủ động, linh hoạt, bắt nhịp với nhu cầu thời đại để thu hút nhiều người lao động phi chính thức đăng ký học. Ví dụ như tổ chức các lớp học trực tuyến, kết hợp với thực hành tại các cơ sở sản xuất; mở những lớp đào tạo nghề phù hợp với mong muốn phần đông học viên..., theo ông Đào Trọng Độ.
Từ góc độ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội đề xuất một số giải pháp để người lao động phi chính thức có thể được đào tạo ở các làng nghề: “Các làng nghề có đặc điểm sản xuất mang tính chất thủ công và truyền thống cần có đặc thù riêng, trong chính sách đối với các làng nghề truyền thống nên có một chế độ đặc biệt trong công tác đào tạo để duy trì làng nghề. Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên cho đào tạo thì nên để ý đến vấn đề nghề truyền thống và nghệ nhân truyền dạy phải có bề dày được cộng đồng làng công nhận. Mời nghệ nhân nào ở trong làng mà khi đưa ra, mọi người đều muốn theo học. Đồng thời nên có những quy định đặc thù đối với làng nghề truyền thống, như không thể bắt buộc các nghệ nhân phải soạn giáo án, trình chiếu trên máy tính...”.
Với vấn đề này, ông Đào Trọng Độ nêu ý kiến công tác truyền nghề, kèm nghề của các làng nghề, nghệ nhân đang gặp khó khăn do quy định tổ chức đào tạo yêu cầu hồ sơ chặt chẽ. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có hướng dẫn, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa Thông tư về quy định đào tạo nghề, trong đó có phần đào tạo kèm cặp nghề, truyền nghề để phù hợp công tác đào tạo nghề của các nghệ nhân.