Đẩy nhanh thoái vốn nhà nước

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. 
Ảnh minh họa.

Đây là DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, gồm hơn 100 đơn vị. Quyết định của Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Về khách quan, có vô khối lý do tác động lên thị trường chứng khoán trong nước và khu vực. Đồng thời, quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn chưa đủ lớn, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định, phát triển chưa bền vững nên giá cổ phiếu trên thị trường tăng giảm bất thường, dẫn đến khó khăn cho việc cổ phần hóa, thoái vốn.

Các DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai....Về chủ quan, nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo như cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trong quá trình tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lạitheo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra, đó là DNNN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Một số đơn vị thuộc diện thoái vốn đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra vì vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước theo quy định hiện hành.Bên cạnh đó, còn những DNNN đã triển khai cơ cấu lại nhưng vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng, trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, năng lực chuyên môn của người lãnh đạo còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Với “tối hậu thư” lần này, Thủ tướng nêu ra “6 chữ vàng”: công khai, minh bạch, hiệu quả. Thời gian chỉ là 1 tháng để xây dựng phương án trình duyệt./.