Theo đó, diện tích khoảng 30ha khu vực kênh Bà Kiểng (huyện Bến Lức) thuộc đất công, dành để mở đường giao thông bị một số người “ngoài xã hội” đến chiếm cứ rồi rao bán. Giá của mỗi ô đất rộng 1.500m2 là 10 triệu đồng, sau đó tăng lên 20 triệu rồi 50 triệu đồng. Dân đổ xô đến mua và có khoảng 20 người đã dựng nhà, sinh sống ở đây với cảnh không điện, không nước, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và cũng đã mọc lên chợ tạm hoặc các dịch vụ phục vụ sinh hoạt khác.
Chính quyền đã vào cuộc cưỡng chế phá bỏ “ngôi làng” tự phát này. Công an đã khởi tố vụ án và bắt những kẻ chiếm đất và rao bán với hành vi lừa đảo. Trật tự đã được khôi phục nhưng “dư âm” của vụ việc khiến người ta cảm thấy “sống trong sợ hãi” vì chỉ một nhóm người thôi mà sao dám lộng hành, ngang nhiên bán đất, bao nhiêu người bị lừa mà để đến khi thành “cụm dân cư” rồi mới bị xử lý. Nạn nhân tất nhiên là có chút lòng tham vì mua đất rẻ, có chút lỳ lợm là không chịu tự nguyện di dời nhưng tại sao lại để họ bị lừa như vậy, mất cả tiền và tài sản trên đất đã xây dựng ở đây. Chính quyền thì mất công cưỡng chế, bộ máy tư pháp gánh thêm việc.
Trường hợp kỳ lạ tương tự như thế này từng xảy ra ở Hải Phòng gần đây. 14,2 ha đất quốc phòng tại huyện Hải An bị giang hồ chiếm cứ, “xẻ thịt” bán chác. Tốc độ xây dựng nhà cửa kiên cố đẩy nhanh đến chóng mặt dưới sự “bảo vệ” của các băng nhóm mà chẳng có cơ quan chức năng nào xuất hiện cũng như không thấy chính quyền ở đâu. Báo chí phản ảnh nhưng cũng không làm được gì, vụ việc trở nên nghiêm trọng đến nỗi Phó Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo Hải Phòng xử lý việc này.
Rõ ràng trong những vụ việc kể trên có một “thế lực đen” hiện diện, bất chấp pháp luật và coi thường sự quản lý của chính quyền và người ta ngại đụng chạm với nó, không xử lý kiên quyết ngay từ lúc manh nha. Biết đấy nhưng để đấy, không dám ra tay trừ khử.
Một dẫn chứng đầy sức thuyết phục cho “thế lực đen” hiện diện này là câu chuyện một cô giáo ở quận Tân Bình, TP HCM phải viết đơn “Kính gửi các anh chị “xã hội đen” xin phép đi dạy học”. Nhà của cô giáo cùng bà mẹ già đau tim và các cháu nhỏ bị nhóm xã hội đen khủng bố bằng nhiều cách nhằm đòi nợ người chị dâu cô đã trốn đi từ tháng 7. Cô phải viết “đơn xin” vì sau rất nhiều lần cầu cứu chính quyền mà sự lộng hành của nhóm “xã hội đen” kia không giảm chút nào, thậm chí mức độ nguy hiểm đến tính mạng còn tăng thêm.
Những sự việc như thế này đe dọa trực tiếp đến an toàn và trị an xã hội, bàn tay tàn bạo của “thế lực đen” ngày càng thọc sâu vào các ngõ ngách trong đời sống xã hội. Lẽ nào để chúng ngang nhiên tồn tại?