Cả làng đi đẻ thuê
Vào năm 2017, cư dân mạng Trung Quốc lan truyền những mẩu tin về một ngôi làng chuyên đi mang thai hộ ở nước này. Không lâu sau, phóng viên ở chuyên mục Điều Tra của Đài truyền hình Sơn Đông đã làm phóng sự thâm nhập "ngành công nghiệp" đẻ mướn bất hợp pháp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, họ tiếp tục cử phóng viên đi nằm vùng ở tỉnh Hồ Bắc, Quảng Đông và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Những chứng cứ chân thật thu về khiến họ bất ngờ khi dịch vụ mang thai hộ vẫn âm thầm diễn ra và ngày càng phức tạp. Ngày 19/1/2021, vì vụ việc nữ diễn viên Trịnh Sảng và drama mang thai hộ mà chủ đề "đẻ mướn" thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận, trở thành từ khóa tìm kiếm nóng ở xứ Trung.
Qua điều tra sơ bộ, phóng viên vô cùng bàng hoàng khi được dân làng tiết lộ rằng: "Tất cả phụ nữ trong làng chúng tôi đều ‘làm nghề’ đẻ thuê và kiếm tiền từ hình thức này được 10 năm rồi. Mỗi lần giao dịch kiếm từ 200-250 nghìn tệ (tương đương 714-893 triệu đồng), còn ở Thượng Hải sẽ ‘nhỉnh’ hơn đôi chút."
Cụ thể, vào cuối tháng 3/2017, phóng viên đã đến điều tra tại một số làng ở tỉnh Hồ Bắc. Qua nói chuyện được biết, phụ nữ ở các ngôi làng này đều đã từng mang thai hộ, con gái lẫn con dâu đều được "xuất xưởng" hàng loạt, chỉ có những ai sức khỏe quá kém hoặc không thể mang thai được nữa mới ở lại.
Một phụ nữ ở làng Điền Hồ nói với phóng viên: "Chỗ chúng tôi có rất nhiều người sinh đôi, thậm chí sinh ba và thường bắt đầu lên thành phố sau khi hết Tết Nguyên Đán."
Còn người dân ở làng Thất Lý cho biết, họ không chú trọng thời gian, chỉ cần có mối thì cho dù Tết cũng không về."Thù lao cũng kha khá, sinh một đứa được 150 nghìn tệ (tương đương 535,5 triệu đồng), cao hơn thì chừng 250 nghìn tệ (tương đương 893 triệu đồng), còn sinh đôi thì sẽ được thưởng thêm. Làng của chúng tôi phụ nữ sinh khéo, tỷ lệ sinh đôi khá cao nên rất bận." - Một dân làng Thất Lý kể với phóng viên.
Người này cũng chia sẻ thêm, ở làng cứ 10 phụ nữ thì có đến 9 người đi đẻ thuê, kể cả các cô gái trẻ.Được biết, những ngôi làng như vậy đã tồn tại được 10 năm, có nhiều phụ nữ mang thai hộ 3-4 đứa thì không sinh được nữa đành trở về làng. Gần đây, scandal nữ diễn viên Trịnh Sảng thuê người mang thai hộ rồi bỏ con đã vô tình đánh động "ngành công nghiệp" đã và đang "ăn nên làm ra" này.
Ngành công nghiệp phát triển mạnh
Trong hơn 30 năm, sự phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản và tỷ lệ vô sinh cao tới 15% - 20% đã khiến thị trường mang thai hộ ở Trung Quốc phát triển rất nhanh. Hiện tại, mang thai hộ đã âm thầm trở thành chuỗi công nghiệp ở Trung Quốc. Nhập các từ khóa như “đẻ mướn” trên Internet, hàng trăm nghìn kết quả sẽ hiện ra ngay lập tức, trong đó phần lớn là tên các nơi trung gian cung cấp dịch vụ đẻ thuê.
Nhu cầu thuê người mang thai hộ thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn. Nhiều người cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí, đất trồng và nước góp phần làm gia tăng các trường hợp vô sinh, mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh. Một số cặp vợ chồng tìm đến dịch vụ mang thai hộ vì đứa con duy nhất của họ đã qua đời. Vấn đề vô sinh và mong muốn có con thứ hai của người trung niên ở Trung Quốc. Đó là những lý do khiến dịch vụ mang thai hộ bùng nổ và dẫn đến nhiều câu chuyện buồn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 10-20% dân số thế giới bị vô sinh, tức là ở Trung Quốc ước tính có khoảng 15 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề này. Sau khi nới lỏng chính sách một con vào năm 2015, hơn một nửa số phụ nữ đủ điều kiện để mang thai lần hai đã 35 tuổi hoặc hơn, theo Uỷ ban Sức khỏe Quốc gia. Geng Linlin, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Khả năng sinh sản giảm sút khi người phụ nữ già đi. Gần 90% nữ giới ở độ tuổi 45 trở lên không thể thụ thai hoặc mang thai đủ tháng”.
Mang thai hộ đã trở nên tràn lan ở Trung Quốc đến nỗi với sự sắp xếp và giúp đỡ của các cơ sở môi giới, chỉ cần bỏ ra khoảng trăm ngàn tệ là có thể vượt qua các quy định hiện hành của nhiều cơ quan ở Trung Quốc để tận hưởng dịch vụ mang thai hộ khép kín. Tóm lại, tất cả mọi khâu từ việc chọn một người đẻ hộ, khám sức khỏe, bệnh viện, giấy khai sinh và thậm chí lấy thẻ xanh tại quốc gia nơi sinh, đều sẽ được cơ sở môi giới niêm giá rõ và chịu trách nhiệm đến cuối.
Theo giới thiệu của bộ phận chăm sóc khách hàng của một số đại lý mang thai hộ: “Quy trình mang thai hộ cơ bản là cả hai vợ chồng lấy tinh trùng và trứng để làm phôi, cấy vào người mẹ cho thuê tử cung sinh hộ. Chi phí là 450 ngàn tệ, nếu muốn con trai phải sàng lọc nhiễm sắc thể, chi phí là 1,2 triệu tệ.
Ngày nay, lợi nhuận của một vụ mang thai hộ từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu tệ, thu nhập hàng năm của một số cơ sở môi giới mang thai hộ thậm chí có thể lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu tệ khiến nhiều người trong các ngành khác phải ghen tị.
Ngoài vùng kiểm soát của luật
Năm 2001, Ủy ban Y tế Quốc gia (trước đây là Bộ Y tế) đã ban hành Quy định về Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản, cấm các cơ sở y tế và các chuyên gia thực hiện bất kỳ hình thức mang thai hộ nào. Quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Trung Quốc nêu rõ, người mang thai hộ phải là người thân của vợ hoặc chồng. Quy định này nhằm kiểm soát việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.Việc buôn bán tinh trùng, noãn, hợp tử và phôi cũng bị cấm. Các cơ sở y tế có thể bị phạt tới 30.000 NDT nếu vi phạm.
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, một số bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã bỏ qua quy định pháp lý trên. Những cơ sở này không được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Từ đây, dịch vụ đẻ thuê - đẻ mướn được hình thành.Không những vậy, trên thực tế, thị trường này đang ngày càng sôi động ngoài sự kiểm soát của pháp luật. Hàng loạt đường dây mang thai hộ âm thầm hoạt động. Chỉ cần ở đâu có nhu cầu, các đối tượng môi giới sẽ bằng cách nào đó luôn luôn sẵn sàng cung cấp.
Sau những thỏa thuận ban đầu, đối tượng môi giới sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ cho người muốn mang thai hộ với các gia đình. Chính xác hơn, đây giống như cuộc lựa chọn xem mặt, xem tính cách, kiểm tra sức khỏe rồi quyết định. Tất cả cùng mong muốn giữ bí mật mọi thông tin cá nhân và quá trình mang thai. Những phụ nữ đang cần tiền, hoặc đã ly hôn được đối tượng môi giới hướng tới để dụ dỗ, lôi kéo.
Theo chia sẻ từ chính những người phụ nữ đồng ý mang thai hộ, một trong những nguyên nhân khiến họ quyết định tham gia hoạt động này là bởi muốn có tiền, có cơ hội thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân, hoặc nuôi gia đình, dù biết rằng việc mang thai hộ có thể mang tới cho bản thân cũng như đứa trẻ nhiều nguy hiểm.
Tuy nhiên, vấn còn rất nhiều nguy cơ đối với những người mang thai hộ. Ye Hongyu, nhà nghiên cứu nữ quyền và bình đẳng giới ở Đại học Phụ nữ Trung Quốc, cho biết: "Theo những báo cáo trước, nhiều phụ nữ tự nguyện làm công việc này để cải thiện mức sống. Phần lớn các trường hợp không được thông báo về những rủi ro khi mang thai".
Một cặp vợ chồng gần đây đã hủy bỏ thỏa thuận với người đẻ thuê sau khi phát hiện ra cô này mắc bệnh giang mai. Cuối cùng, người mẹ đã phải tự mình nuôi con, nhưng sau ba năm vẫn không thể đăng ký khai sinh cho đứa trẻ vì cô đã bán giấy khai sinh của con ra chợ đen để trả tiền sinh mổ.
Ye cho rằng: "Chúng ta không nên khuyến khích đẻ thuê dù có hợp pháp hay không, bởi điều này hạ thấp phụ nữ và có thể khiến nhiều trẻ em bị bỏ rơi. Nếu nhu cầu chính đáng về mang thai hộ cần được đáp ứng trong tương lai, luật pháp và sự giám sát chặt chẽ là điều hết sức cần thiết trước khi hợp pháp hóa hình thức này".