Đề xuất mở rộng phạm vi tống đạt của Thừa phát lại

(PLO) - Mở rộng việc tống đạt, thanh toán nợ đọng kinh phí, vi bằng không phải đăng ký tại Sở Tư pháp… là những đề xuất thiết thực của nhiều đại biểu tại Tọa đàm về tổ chức và hoạt động thừa phát lại – kinh nghiệm của Pháp và thực tiễn của Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/6.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, từ thành công của chế định Thừa phát lại (TPL) tại TP Hồ Chí Minh, 13 địa phương trên cả nước đã tiếp tục thực hiện thí điểm và cuối năm 2015 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép chính thức thực hiện chế định TPL trên phạm vi cả nước từ 1/1/2016. Hoạt động TPL đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong hoạt động tố tụng, góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng pháp luật, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TPL cũng góp phần giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, hoạt động của TPL còn nhiều khó khăn, đó là một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, sự phối hợp, hỗ trợ TPL một số nơi còn lỏng lẻo, hình thức. Bản thân một số TPL năng lực chuyên môn, kỹ năng hành nghề còn hạn chế. Từ kinh nghiệm của Pháp cũng như thực tiễn của Việt Nam, tọa đàm sẽ là cơ hội để các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp hữu ích tiến tới xây dựng Luật TPL phù hợp với thực tiễn đời sống.

Theo báo cáo của Cục Bổ trợ Tư pháp, trong hoạt động tống đạt văn bản, kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL trong thời gian thí điểm cho thấy, nhiều Văn phòng phải bù lỗ, đặc biệt là tại các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước trả chi phí tống đạt đối với việc tống đạt cho Tòa án và cơ quan thi hành án (THA). Tuy nhiên, từ đầu 2016, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí này nên các cơ quan nói trên dừng chuyển giao văn bản cho TPL tống đạt.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, cần có định hướng sửa đổi về kinh phí tống đạt theo hướng lấy từ người yêu cầu THA hoặc nghiên cứu cơ chế tống đạt linh hoạt hơn để giảm tải ngân sách cho Nhà nước.

Còn đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh thì đề nghị mở rộng việc tống đạt cho các đối tượng khác ngoài TAND và cơ quan thi hành án dân sự vì hiện nay nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp, thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc tống đạt các văn bản, thông báo mang tính chất dân sự hoặc mang tính chất hành chính; các tổ chức trọng tài thương mại cũng có nhu cầu nhờ TPL tống đạt các văn bản của mình.

Liên quan đến việc tống đạt, Sở Tư pháp Quảng Ninh cho rằng, cần tăng chi phí vì hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với công sức của TPL, nhất là tống đạt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tống đạt đến các đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam tại các trại tạm giam.

Bên cạnh hoạt động tống đạt, lập vi bằng hiện đang là nguồn thu chính của nhiều Văn phòng tuy nhiên hoạt động này cũng gặp không ít khó khăn do chính những quy định của pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình cho rằng, trong thời gian thí điểm, nhằm tránh sai sót trong lập vi bằng, pháp luật quy định TPL không lập vi bằng các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp. Nay việc thí điểm đã chấm dứt, ông Lạng đề nghị cần bỏ quy định nói trên vì dễ gây cách hiểu khác nhau. Văn bản về TPL chỉ cần quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của TPL trong lập vi bằng giống như quy định thẩm quyền trong Luật Công chứng.

Còn theo Sở Tư pháp Hà Nội, cần sửa đổi theo hướng vi bằng không phải đăng ký tại Sở Tư pháp. Các Văn phòng TPL, các TPL chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người lập vi bằng, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh xung quanh việc lập vi bằng được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền. Trong khi đó, một số Sở Tư pháp lại đề nghị cần quy định chặt hơn về việc lập vi bằng, ví dụ như vi bằng bắt buộc phải có hình ảnh kèm theo để chứng minh vi bằng là sự kiện có thật, được TPL chứng kiến...

Đọc thêm