Trên một tờ báo điện tử, chưa đầy 20 tiếng đồng hồ sau khi bản tin nói về nội dung này được đăng tải, đã có hơn 28 ngàn bạn đọc tham gia biểu quyết, trong đó 97% không đồng ý với đề xuất; 258 người tham gia bình luận, trong đó tuyệt đại đa số đồng thanh phản đối.
Đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo (lần 5) Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với mục đích “quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn”. Theo quy định hiện nay, GPLX hạng B1, B2 cấp cho tài xế ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi; ôtô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500 kg có thời hạn 10 năm. Cơ quan soạn thảo dự thảo này nay đề xuất các loại GPLX này sẽ chỉ còn hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.
Thời hạn của GPLX là quy định từng được nhiều lần chỉnh sửa. Trước đây quy định thời hạn 5 năm, sau đó nâng lên 10 năm. Năm 2017, đề xuất giảm thời hạn GPLX xuống còn 5 năm một lần nữa được một cán bộ CSGT nổi tiếng đưa ra, với nhận định thời hạn GPLX 10 năm là “quá dài, trong thời gian này, tài xế ốm đau, sức khỏe thay đổi, không đủ sức khỏe để lái xe nhưng cơ quan chức năng không quản lý được, sẽ là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông”. Đề xuất này khi đó đã từng bị dư luận phản ứng dữ dội và nay một lần nữa lại “tái xuất”.
Phần lớn các ý kiến chuyên gia vận tải, chuyên gia pháp lý, và người dân đều cho rằng nếu rút ngắn thời hạn GPLX sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và gây phiền hà bất lợi cho người dân; hàng triệu người phải đi đổi lại GPLX, trong khi quy định hiện hành đã có tính ổn định.
Một vấn đề quan trọng nữa, nếu đề xuất này nhằm mục đích “quản lý sức khỏe tài xế tốt hơn” thì có thể có nhiều cách khác, sao cứ đòi phải rút ngắn thời hạn GPLX? Đã có số liệu thống kê nào đáng tin cậy về việc những tài xế không đủ sức khỏe gây tai nạn? Thực tế thời gian qua cho thấy các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đều đến từ lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, say xỉn… Cần xử lý dứt điểm những vấn nạn đó rồi hãy tính chuyện khác.
Dư luận rất mong cơ quan có đề xuất trên sẽ tiếp thu những phản hồi lập luận của người dân, như đại diện cơ quan này đã nói: “Đây mới là dự thảo để xin ý kiến và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các góp ý để sửa đổi cho phù hợp”.