Đừng làm khó Chính phủ

(PLVN) - Câu chuyện “đánh thuế trợ cấp nghỉ việc” một lần nữa được dư luận bàn tán, người băn khoăn, người “lăn tăn” khi một lãnh đạo công đoàn Cty Pouyuen (quận Bình Tân, một DN sử dụng nhiều công nhân bậc nhất TP HCM) vừa công bố số liệu tổng kết.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, gần 2800 công nhân Cty Pouyuen đã nhận 260 tỷ trợ cấp nghỉ việc do ảnh hưởng Covid-19; lao động nhận hỗ trợ cao nhất 320 triệu, thấp nhất hơn 3 triệu (mới vào làm việc), bình quân mỗi người nhận từ 40-60 triệu. Vị này nhấn mạnh “dù được lãnh đạo Cty và UBND quận Bình Tân gửi thư kiến nghị lên Cục Thuế TP nhưng công nhân vẫn bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN)”.

Cũng phải lấy ví dụ cụ thể để mọi người hiểu hơn: Một công nhân làm ở PouYuen hơn 18 năm, có mức lương bình quân 6 tháng liền kề 10,5 triệu đồng/tháng, được nhận trợ cấp thôi việc hơn 194 triệu, trong đó 39 triệu là tiền trợ cấp thôi việc do Nhà nước chi trả; 154 triệu do Cty trả. Số tiền trợ cấp thôi việc do Nhà nước chi trả không bị đánh thuế. Số tiền hơn 154 triệu do Cty trả bị khấu trừ thuế TNCN 10%. Công nhân này thực nhận hơn 178,5 triệu.

Một lãnh đạo Vụ Quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế) đã giải thích cặn kẽ sự việc. Chính sách thu thuế với trợ cấp mất việc, thôi việc, căn cứ theo hai bộ luật: Bộ luật Lao động 2019 và Luật Thuế TNCN. Theo các đạo luật này, phần chi thêm chế độ thì cơ quan thuế tạm thu 10%, cuối năm quyết toán, có thể người lao động sẽ được trả lại. Nếu cho rằng quy định này còn bất hợp lý, chưa phù hợp cuộc sống thì cũng phải cân nhắc, đề nghị, xem xét điều chỉnh luật cho phù hợp. Và nếu sửa luật thì chỉ Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền.

Sự việc rất rõ ràng như trên. Nhưng vẫn có nhiều ý kiến nóng vội quên đi khía cạnh pháp lý. Một lãnh đạo quận Bình Tân cho rằng “vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và bộ, ngành”. Một lãnh đạo LĐLĐ TP HCM cho rằng “trong bối cảnh công nhân bị mất việc, ngành thuế cần cố gắng vận dụng tối đa quy định pháp luật để hỗ trợ cho họ”.

Một cán bộ Tổng LĐLĐ thậm chí còn cho rằng: “Nhà nước, Chính phủ đang chỉ đạo đồng hành cùng DN và công nhân để hỗ trợ họ khôi phục sản xuất, ổn định việc làm… Nếu như chúng ta thu thuế, có khác nào không hỗ trợ công nhân. Ai nghe cũng sẽ thấy, việc tận thu thuế của công nhân khi người ta đang ở trong tình thế bần cùng, mất việc làm là không nhân văn”.

Ai cũng đồng ý với quan điểm phải hỗ trợ, giúp sức người lao động vượt qua khó khăn. Ai cũng thấy Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ lao động và DN gặp khó vì Covid-19, hết hỗ trợ đợt 1 lại đang chuẩn bị hỗ trợ đợt 2. Nhưng luật là luật, thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân thông qua gần 500 đại biểu dân cử, không thể ngẫu hứng tùy tiện hay “vận dụng”, không cơ quan nào được lạm quyền Quốc hội. Nếu luật đi sau cuộc sống thì có thể đề nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp. Số tiền trên, ngành thuế đã khẳng định mới là tạm thu, “cơm chưa ăn gạo còn đó”.

Theo Luật Ban hành VBQPPL, đây cũng không phải trường hợp thuộc tình trạng khẩn cấp, cấp bách  mà phải ban hành đạo luật sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn; càng không phải là vấn đề “cháy nhà chết người” mà Quốc hội phải triệu tập gần 500 đại biểu từ khắp các vùng đất nước về họp bàn. Vì vậy đừng gây sức ép thiếu cơ sở pháp lý, đừng làm khó Chính phủ.