Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Vũ Tiến Duật cho biết: Đền Xám thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang thờ Sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm), thủ lĩnh của một trong những sứ quân hùng mạnh nhất “Thập nhị sứ quân” (12 sứ quân) ở thế kỷ X. Ông là nghĩa phụ và là người có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh trong những ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt.
Sau khi ông mất, vua Đinh sắc cho nhân dân địa phương nơi ông lập sinh từ dựng đền thờ phụng, hàng năm mở hội tế lễ và phong mỹ tự “Quốc đô Thành hoàng”. Việc thờ tự Sứ quân Trần Minh Công (Trần Lãm) tại Đền Xám đã khẳng định vai trò và vị thế của vùng đất Nam Định đối với sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ X.
|
Đền Xám có niên đại khởi dựng từ rất sớm, được xây dựng ngay trên mảnh đất sinh từ của Sứ quân Trần Lãm. Tính đến nay, Đền đã có lịch sử hình thành và tồn tại hơn 1000 năm. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, dấu vết kiến trúc ban đầu không còn nữa. Công trình kiến trúc hiện tại còn lưu dấu ấn nghệ thuật có niên đại trải dài từ cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX.
Ban đầu, ngôi đền chỉ là một nơi thờ thần, nhưng giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các hoạt động hội hè, đình đám trong làng xã ngày càng phong phú, đa dạng, phát triển, trở thành nhu cầu cấp thiết. Giá trị nghệ thuật của Đền Xám thể hiện ở cả hai phương diện: Nghệ thuật chạm khắc trên gỗ và nghệ thuật trang trí bên ngoài. Mảng chạm khắc trên y môn hậu cung với phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVI. Có thể nói, đó là những mảng chạm còn lại không nhiều mang phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Mạc.
Những chạm khắc trên cửa, cột và ván gió tòa tiền đường tiêu biểu cho phong cách chạm khắc thế kỷ XVII, thể hiện trên kiến trúc gỗ truyền thống điển hình của vùng Nam Định. Những mảng chạm mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XX ở tiền đường và trung đường cũng góp phần tạo nên sự sinh động, đa dạng tạo nên giá trị tiêu biểu cho công trình kiến trúc của Đền. Thêm nữa về mặt kiến trúc, trang trí của đình Hát, gác chuông với nhiều nét ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc nhà thờ công giáo ở vùng Nam Định đã tạo nên sự độc đáo cho công trình kiến trúc Đền Xám (đình Hát).
Nằm trong không gian, cảnh quan thoáng đãng, Đền Xám đã tạo nên một điểm nhấn kiến trúc trong tổng thể không gian làng xã. Đền Xám cùng với các di tích: Đền, chùa, miếu thôn Rạch; Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo; Đình Thị; Đền, chùa Lạc Na; Đền, chùa Mộng Lương tạo thành một Quần thể di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của địa phương, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, học tập, nghiên cứu, góp phần vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, đền Xám còn bảo lưu được nhiều hiện vật, cổ vật phong phú, quý hiếm, niên đại trải dài qua các thời Hậu Lê, Nguyễn gồm: Khám, ngai và tượng Sứ quân Trần Minh Công, nhang án, kiệu, câu đối, đại tự … đó là những hiện vật ngoài chức năng thờ tự còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, góp phần tìm hiểu lịch sử mỹ thuật, lịch sử xây dựng, trùng tu, tôn tạo của di tích qua các giai đoạn lịch sử, đồng thời thể hiện sự nâng niu, trân trọng những di sản văn hoá quý báu mà cha ông xưa để lại.
Đền Xám là nơi hàm chứa các giá trị văn hoá, tín ngưỡng tiêu biểu. Hàng năm tại di tích diễn ra nhiều kỳ lễ quan trọng với những hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ vị Thành hoàng có công với dân với nước. Trong đó, kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày 17 đến 19 tháng 8 âm lịch là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để tri ân tưởng nhớ công lao của Sứ quân Trần Minh Công, nhân vật trung tâm của lễ hội.
Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt Đền Xám là sự kiện quan trọng, ghi nhận những giá trị to lớn, tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc của di tích này. Đây cũng là cơ hội để xã Hồng Quang, huyện Nam Trực cùng với Tỉnh Nam Định phát triển quảng bá về văn hóa, du lịch, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập trong thời gian tới.