Thân thương các tỉnh, thành Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu có dịp đi dọc dài dải đất hình chữ S, chúng ta sẽ thấy mỗi vùng miền đều có những dấu ấn, phong vị riêng. Và đặc biệt, có những địa danh đã trải qua hàng ngàn năm, có những địa danh ra đời trong những giai đoạn lịch sử với những tên gọi đã trở thành một phần di sản, văn hóa...
Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. (Ảnh Tư liệu)
Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. (Ảnh Tư liệu)

Quảng Ninh - địa phương duy nhất được Bác Hồ đặt tên

Tên gọi các tỉnh, thành không chỉ là những ký hiệu hành chính, mà là một phần di sản văn hóa vô giá, gắn liền với lịch sử, địa lý và con người của mỗi vùng đất. Việt Nam hiện có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó, có có 4 địa phương trở nên đặc biệt hơn cả khi không đặt tên theo quy tắc chính tả. Đó là: Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông. Tại sao lại dùng chữ “K” thay cho chữ “C” dù nó sai chính tả? Theo các chuyên gia, cách dùng này được cho là bắt nguồn từ lối viết chữ quốc ngữ của người Việt đầu thế kỷ 20. Khi đó chữ “K” thường dùng thay cho chữ “C”. Ngày nay, cách viết Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông đã rất phổ biến và được thống nhất dùng trên cả nước.

Cùng đó, trong số 63 tỉnh, thành của nước ta, có 8 nơi có chữ “Bình” trong tên gọi, bao gồm: Bình Dương, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Thái Bình. Đứng ở vị trí thứ hai là từ “Giang” với 6 tỉnh là: An Giang, Bắc Giang, Hà Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang. Tiếp đó là chữ “Quảng” với 5 tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Ninh.

Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có tên gọi 3 từ. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh duy nhất có tên gọi 4 từ. Tuy nhiên, nếu xét theo số ký tự, đây không phải tỉnh, thành có tên gọi dài nhất nước ta. Địa phương có tên gọi dài nhất phải là Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi hai chữ “thành phố” không bao giờ bị tách rời với tên của Bác Hồ và luôn được đọc liền với nhau.

Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời, có đường biên giới ở cả đường biển và đất liền. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000 - 1500 năm TCN. Khi hình thành Nhà nước đầu tiên của người Việt, thời Hùng Vương vùng đất Quảng Ninh nay là bộ Lục Hải. Một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Thời phong kiến khu vực tỉnh Quảng Ninh hiện nay có tên lần lượt là: Lục Châu, tô Đông Hải, tô Hải Đông, trấn An Bang, tỉnh Quảng Yên. Sau này Quảng Yên được tách ra thành nhiều đơn vị khác, trong đó có Hải Ninh.

Ngày nay, khi nhắc đến Quảng Ninh, nhiều người nghĩ ngay đến một vùng đất được thiên nhiên ưu ái đặc biệt. Không chỉ sở hữu những “kho báu” tự nhiên giàu có, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất tại Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đặt tên. Viết về sự kiện này, cố nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đồng tác giả của cuốn Địa chí Quảng Ninh - Tống Khắc Hài đã ghi lại lời kể của đồng chí Hoàng Chính, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, ngày 30/10/1963, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa II, Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng, chính thức thành lập tỉnh Quảng Ninh. Quyết định này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử hành chính của vùng Đông Bắc, đồng thời khép lại quá trình thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng kéo dài suốt ba năm trước đó.

Trong chuyến thăm tỉnh Hải Ninh vào ngày 19 và 20/2/1960, Bác Hồ đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng của mình về tiềm năng và vị trí địa lý của vùng đất này. Ngồi trên máy bay, Bác đã ngắm nhìn toàn cảnh và nói: “Hải Ninh và Hồng Quảng núi sông biển trời liền một dải. An Quảng, Quảng Yên là đây, xa hơn nữa là An Bang, là Hải Đông”. Bác không chỉ nhớ về những địa danh lịch sử mà còn liên tưởng đến Chiến thắng Bạch Đằng hào hùng, khẳng định giá trị to lớn của vùng đất Hải Đông. Chính vì vậy, cái tên Hải Đông cũng từng được xem xét kỹ lưỡng khi hai địa phương Hải Ninh và Hồng Quảng sáp nhập.

Giữa tháng 9 năm 1963, đồng chí Hoàng Chính đã có dịp trao đổi với Bác Hồ về việc đặt tên cho tỉnh mới. Khi nghe ông Chính nhắc đến tên Hải Đông, Bác Hồ cho rằng tên Hải Đông rất hay, gợi nhớ đến lịch sử hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, Bác đã hỏi ý kiến của nhiều đồng chí, đề nghị ghép hai chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh thành Quảng Ninh. Quảng nghĩa là rộng lớn, Ninh là yên bình, bền vững, vừa dễ nhớ, dễ hiểu lại có nhiều ý nghĩa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành rất nhiều sự quan tâm cho mảnh đất Quảng Ninh, là địa phương Người tới thăm nhiều lần. Ngày nay, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển hàng đầu tại Việt Nam.

Những tên đất từ ngàn xưa

Theo cuốn “Đại Nam nhất thống chí” và “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, một số tên tỉnh được gọi chệch đi theo phiên âm của thổ ngữ địa phương. Như tỉnh Hòa Bình xưa, người Pháp thấy tỉnh Hưng Hóa quá rộng lớn, phải chia nhỏ làm nhiều tỉnh. Khi khảo sát thấy có nhiều huyện của tỉnh là vùng đất đa phần là người Mường, bên Lạc Sơn, Lạc Thủy của tỉnh Ninh Bình cũng là vùng đất người Mường. Họ mới quyết định gộp các vùng đất này lại lập một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Mường. Sau đó tỉnh đường đóng ở chợ Bờ, để thống nhất với cách đặt tên chung, tỉnh đổi tên là tỉnh Chợ Bờ. Tỉnh lỵ đóng ở một phố núi heo hút, bị nghĩa quân Đốc Tít tập kích chiếm tỉnh đường giết chết phó công sứ người Pháp. Chính quyền Pháp phải di chuyển tỉnh đường về xuôi, về xã Hòa Bình cách đó khoảng 30km. Và tên Hòa Bình có từ ngày đó!

Rạp chiếu phim Thanh Bình, Pleiku, Gia Lai năm 1969. (Ảnh Tư liệu)

Rạp chiếu phim Thanh Bình, Pleiku, Gia Lai năm 1969. (Ảnh Tư liệu)

Lào Cai là cách phát âm của người địa phương đọc chữ Lão Nhai có nghĩa là Phố Cũ hoặc Chợ Cũ. Người địa phương thường gọi Bảo Thắng, là khu phố do Lưu Vĩnh Phúc xây dựng nằm ở vùng thuộc thị xã Lào Cai ngày nay bằng tên Lảo Kay, sau đó người Pháp cũng phiên âm lại cách gọi đó bằng chữ Latinh là Lao Kai hoặc Lao Kay.

Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Bản sao bài văn bia “Tam hải hồ sơn chí” bằng tiếng Hán khắc trên đá dựng ở Bó Lù, bờ hồ Ba Bể, do tác giả Phan Đình Hòe tỉnh Bắc Kạn viết, ông Vi Văn Thượng khắc và dựng bia năm 1925: Chữ “Kạn” trong từ Bắc Kạn có bộ “tài gẩy” bên chữ “Can”, âm Hán Việt đọc là “cản”, chữ này có nghĩa là “ngăn giữ, bảo vệ, chống cự” (phía bắc). Từ xa xưa, ở vùng biên cương rộng lớn, cha ông ta đã đặt những tên đất mang nhiều ý nghĩa đến vậy...

Hải Dương có tên chính thức từ năm 1469, ý nghĩa “Hải là miền duyên hải” vùng đất giáp biển, “Dương là ánh sáng/ánh mặt trời”. Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là “ánh mặt trời biển Đông” hay “ánh sáng từ miền duyên hải (phía đông) chiếu về”. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã đánh giá Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long.

Tỉnh Hưng Yên được thành lập năm 1831 gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Tiên Lữ, Phù Dung của trấn Sơn Nam và Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định. Vùng đất Hưng Yên nổi danh từ thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh đã nổi tiếng do có Phố Hiến, dân gian có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang, đời Lý - Trần gọi là łộ Bắc Giang, đời Lê là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc. Đến nay chưa thấy tài liệu nào chứng minh, nhưng tên gọi Bắc Giang có nghĩa là phía bắc sông.

Lai Châu có tên gọi xuất phát từ chữ châu Lay. Vào đầu thế kỷ X, các thủ lĩnh Thái chiếm vùng đất này đã đặt tên là Mường Lay, năm 1435 Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi là châu Lai do phiên âm chữ Lay. Còn Lạng Sơn là một trong 13 tỉnh được Vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ (năm 1831), tên gọi xuất phát từ danh xưng “xứ Lạng”...

Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam, là tỉnh có số lần sáp nhập và chia tách ít nhất cả nước. Ở thời Nhà Đinh và Tiền Lê Thanh Hóa gọi là đạo Ái Châu. Ở thời Nhà Lý thời kỳ đầu gọi là trại Ái Châu, vào năm Thuận Thiên 1 tức năm 1009 gọi là Phủ Thanh Hóa. Năm 1469 lại đổi thành Thừa Tuyên Thanh Hoa, tên Thanh Hoa có từ đây. Năm 1802 đổi gọi là trấn Thanh Hóa, có thể do tên cũ trùng với tên một phi tần của vua. Năm 1831 đổi trấn thành tỉnh, bắt đầu gọi là tỉnh Thanh Hoa (Hoa: tinh hoa). Đến năm 1841 lại đổi thành tỉnh Thanh Hóa cho tới ngày nay...

Nhà nước ta đang thực hiện một công cuộc cải cách hành chính thật sự to lớn để mở ra cho Việt Nam một kỷ nguyên mới, một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ giảm bớt gánh nặng quản lý nhà nước, mở ra không gian sáng tạo và phát triển cho các địa phương. Bởi với mỗi người Việt Nam, trên khắp dải đất hình chữ S, đất nước là quê hương, nguồn cội...

Đọc thêm