Kỳ quan nghệ thuật quân sự độc đáo
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 69km về hướng Tây Bắc. Hệ thống này được quân kháng chiến Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam.
Công trình được thực hiện bởi quân và dân xã Tân Phú Trung và xã Phước Vĩnh An nhằm ẩn nấp, cất giữ vũ khí, quân tư trang. Ban đầu, mỗi ngôi làng tại đây đều có một hầm căn cứ riêng, tuy nhiên, do nhu cầu đi lại, vì vậy họ đã kết nối với nhau để tạo nên một hệ thống liên hoàn. Công trình địa đạo Củ Chi nối liền 6 xã phía Bắc của địa đạo Củ Chi. Từ công trình này, có thể dễ dàng liên lạc, che giấu lực lượng, họp bàn những kế hoạch cách mạng. Từ năm 1961 - 1965, công trình này được phát triển ra thành nhiều nhánh thông với nhau. Trong thời chiến, trước sự càn quét liên tục của đối phương, quân và dân Củ Chi đã sáng tạo nhiều hình thức phòng thủ, trong đó có các bãi chông, hố đinh, hầm chuông, bãi mìn nhằm ngăn bước tiến của địch, phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Địa đạo Củ Chi bao gồm một mạng lưới các hầm ngầm, hầm đất, căn cứ ngầm, kho chứa, phòng làm việc, nhà bếp và bệnh xá. Tới năm 1965, quân dân Củ Chi đã đào hơn 200km đường hầm trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất. Các hầm thường có chiều cao thấp và hẹp, được đào thủ công bằng các vật dụng thô sơ. Toàn bộ công trình nằm trên vùng đất sét pha đá ong, có độ bền cao, ít bị sụt lở. Các đường hầm và căn cứ ngầm sâu từ 3 đến 12m, gồm 3 tầng, có khả năng chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Địa đạo tỏa rộng “như mạng nhện”. Từ “xương sống” của địa đạo tỏa ra nhiều đường hầm dài ngắn khác nhau, có nhánh dẫn ra tận sông Sài Gòn. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Cứ khoảng 10 - 15m dọc theo đường hầm đều được khoét lỗ, lấy gió từ mặt đất, miệng lỗ được ngụy trang giống như ụ mối đùn.
Căn hầm bí mật là một trong những công trình đặc biệt trong hệ thống địa đạo Củ Chi, được ngụy trang tinh vi ngay dưới lòng đất hoặc bên trong các căn nhà tranh đơn sơ. Từ bên ngoài, hầm hoàn toàn không để lộ dấu vết, nhưng bên trong có thể đủ chỗ cho nhiều người trú ẩn, họp bàn hoặc cất giấu tài liệu, vũ khí. Hệ thống đường hầm thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
![]() |
Quân và dân xã Nhuận Đức, Củ Chi đào địa đạo trong khoảng từ năm 1946 - 1968. (Ảnh Tư liệu) |
Quân Mỹ đã thực hiện hơn 5.000 cuộc hành quân càn quét vào vùng này, dùng khoảng 500.000 tấn bom đạn (trung bình mỗi người dân ở đây phải hứng chịu khoảng 1,5 tấn bom) và 480 tấn chất độc hóa học, nhưng vẫn không phá hủy được khu địa đạo này. Địa đạo Củ Chi là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước.
Có thể nói, địa đạo Củ Chi là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép,” một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Huyền thoại về những anh hùng
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đang tạo nên “cơn sốt” trong làng điện ảnh Việt những ngày qua. Chỉ sau 6 ngày công chiếu, doanh thu từ bộ phim đã tiến tới mốc 100 tỷ đồng, theo dữ liệu từ Box Office Vietnam. Sự lan tỏa của bộ phim được xem là một trong những đòn bẩy khiến tour khám phá vùng đất thép Củ Chi rộn ràng bao giờ hết. Sau khi xem “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, bạn có bao giờ tự hỏi: Liệu mình có dám sống sót trong lòng đất… dù chỉ 5 phút?
Không còn là cảnh phim, ở ngay Củ Chi, du khách có thể chạm tay vào nơi từng là “chiến trường trong lòng đất. Không khí ngột ngạt. Cái lạnh từ lòng đất thấm vào da thịt. Lối đi chỉ vừa một người… sâu thẳm, tối tăm, chật hẹp. Nhưng chính nơi ấy, từng mét hầm lại là một lát cắt chân thực nhất về lòng quả cảm và sự hy sinh của cha ông”. Tour hành trình “Huyền thoại về những anh hùng” vừa đạt giải cao trong cuộc thi thiết kế sản phẩm du lịch do Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát động rất thu hút khách.
Theo đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, lượng khách tham quan trong tháng 4 tăng 30% so với ngày thường và tăng 50% trở lên trong dịp lễ 30/4 sắp tới, nhờ hiệu ứng từ chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Du khách có thể chiêm ngưỡng những đoạn đường hầm - nơi mà quân và dân ta hoạt động trong thời kỳ chiến tranh. Đoạn đường hầm với chiều dài 120m với 2 có nhiều đoạn hầm rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người bò hoặc phải cúi thấp, thậm chí sát mặt đất mới có thể di chuyển. Ngày nay, các đường hầm mở cho khách tham quan đã được lắp đèn chiếu sáng, nhưng không khuyến khích người mắc hội chứng sợ không gian kín hoặc có tiền sử hen suyễn, tim mạch.
Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi là một phần quan trọng của trải nghiệm tham quan địa đạo. Đây là một không gian được xây dựng trên diện tích 38,5ha để tái hiện lại cảnh quan và cuộc sống trong vùng Củ Chi sau khi bị giải phóng khỏi quân Mỹ. Đến đây, du khách sẽ được xem lại những thước phim tài liệu về những năm tháng chiến đấu oanh liệt, cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân ta trong thời gian từ 1961 - 1972. Công trình được chia thành 3 không gian: Tái hiện lại thời điểm chiến tranh vào những năm 1961 - 1964. Giới thiệu về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt, lao động và học tập của người dân, các cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong vùng giải phóng Củ Chi thông qua các mô hình sống động; Tái hiện cảnh làng quê điêu tàn và cuộc sống đau thương của người dân trong chiến tranh khi bị bom đạn tàn phá vào những năm 1965 - 1968; Tái hiện lại vùng đất Củ Chi những năm 1969 - 1972 bị địch ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học, bom đạn để tàn phá biến nơi đây thành vùng đất trắng hoang tàn, không còn sự sống trên mặt đất mà chỉ còn lại là những vỏ bom đạn, xác máy bay, xe tăng; khiến cho người dân và các chiến sĩ chỉ có thể sinh hoạt dưới lòng đất.
![]() |
Du khách bên trong Địa đạo Củ Chi. |
Trong hành trình khám phá địa đạo là bếp dã chiến Hoàng Cầm. Loại bếp được thiết kế làm loãng khói khi nấu, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác. Tại đây, du khách được thưởng thức món khoai mì hấp nước cốt dừa, chấm cùng muối mè, món dân dã của “vùng đất thép”.
Ngoài ra, ở Củ Chi có tour trải nghiệm ban đêm, tour mô phỏng chiến trường và cả thử thách sống trong địa đạo 10 phút. Tour tái hiện cuộc sống về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng với những hoạt động như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo, trai gái hò đối đáp nhau trên đồng ruộng, họp chợ, văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân hòa lẫn với tiếng bom, tiếng pháo, tiếng máy bay địch tuần tiễu.
Khi lịch sử không chỉ được nghe kể, mà còn có thể chạm vào, cảm nhận và hồi tưởng - đó là lúc quá khứ trở nên sống động. Tại địa đạo Củ Chi, du khách trong nước và quốc tế cảm nhận rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh nhưng luôn khát khao yêu thương bên trong mỗi người dân, mỗi chiến sĩ Việt Nam.
Sau chiến tranh, Khu địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Ngày 12 tháng 2 năm 2016, Khu di tích đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Địa đạo Củ Chi từng lọt Top 25 điểm đến biểu tượng châu Á do người dùng TripAdvisor bình chọn; Top 7 tour đường hầm nổi tiếng thế giới do báo South China Morning Post bình chọn và được hãng tin CNN đưa vào Top các điểm đến ngầm dưới lòng đất của thế giới.
Hiện địa đạo Củ Chi đang được ngành Văn hóa triển khai làm các thủ tục để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.