Quê tôi đó - Quảng Trị - , nơi sở hữu và lưu giữ nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng, với những người dân gan góc, kiên vững vượt thiên tai, gian lao, gây dựng quê hương.
Khúc tráng ca của những dòng sông
“Quê hương các bạn dày đặc các di tích lịch sử, truyền thống về chiến tranh để người ta say mê nghiên cứu và tìm hiểu. Vùng đất này là một bảo tàng phong phú và sinh động nhất về chiến tranh mà mỗi người đều có thể tìm ra trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa đích thực…”, một cựu binh Mỹ đã thốt lên như vậy khi đứng trước Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải.
Quảng Trị hiện có 498 di tích lịch sử, trên dưới 50 di tích được xếp hạng tầm quốc gia, rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, cỡ đại về giá trị nội dung… Đi dọc “đất lửa”, cứ bước chân qua lại thấy lòng dâng lên rực rạo tự hào. Lớp cha ông cứ phất ngang tay chỉ mà sang sảng: “Con biết không? Đất ấy xưa là chiến trận, quân miềng dù ít người, ít súng, ít đạn, ít xe… nhưng không quân địch nào thắng được”.
Từ Bắc vào Nam, sát bên trái Quốc lộ 1 là địa đạo Vĩnh Mốc (huyện “đất thép” Vĩnh Linh) – “kiệt tác” của chiến tranh kháng Mỹ thần thánh, của cuộc sống, sản xuất và chiến đấu dưới lòng đất của quân, dân nơi này. Rồi qua sông Bến Hải – ranh giới trên vĩ tuyến 17 của bản đồ xưa chia cắt đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (tháng 7/1954).
Giặc phá hiệp định khiến dòng Bến Hải dùng dằng bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù. Vợ bên nớ, chồng bên ni vò võ mong chờ, thương nhớ nhau trong cảnh cắt chia hơn 7 ngàn ngày. Nơi ấy bây giờ thành Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Cầu Hiền Lương cũ vẫn hiên ngang trong dáng của từng song sắt, miếng gỗ thô sơ. Cả một kỳ đài và Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang trước gió.
Ở di tích ấy, từ đứa trẻ ranh đến cụ già móm mém cũng kể được vanh vách với tôi rằng: Để lá cờ luôn “sống” cùng hồn dân tộc trong những năm kháng Mỹ là chiến công oanh liệt của người Hiền Lương. Trong đó, mẹ Ngô Thị Diệm là một huyền thoại giữ và vá cờ trong mưa bom, bão đạn... Chồng là lính cách mạng đã hy sinh, khi hòa bình – mẹ nằm xuống và dặn con rằng: “Mạ (mẹ - PV) muốn các con đưa mạ về lại nơi gần cột cờ. Để ngày ngày, mạ vẫn được nhìn thấy cờ Tổ quốc...”
Qua khỏi chiến địa xưa - TP. Đông Hà không xa là sông Thạch Hãn, nơi Trung đội Mai Quốc Ca có 19 chiến sĩ đã chiến đấu với quân địch đông hơn hàng chục lần suốt mấy ngày đêm, anh hùng đến khi trút xuống hơi thở cuối cùng. Nay bên dòng sông ấy, có một tượng đài gắn lên tượng trưng cho 19 giọt máu hồng bất tử trong lòng dân tộc. Đoạn sông ấy, nhà thơ Lê Bá Dương phải thảng thốt lên:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm….”
Vào miền “đất thiêng” thị xã Quảng Trị, là một Thành cổ ban đầu thành được đắp bằng đất. Đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Nhưng nhắc nhớ tên Thành cổ Quảng Trị một cách dội vang hơn cả là trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của QĐND Việt Nam với quân Mỹ - ngụy Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực.
Ở đó, mỗi tấc đất là một cuộc đời lính có thật. Hiện nay tại bảo tàng Thành cổ Quảng Trị vẫn còn có nhưng di vật, và những bức thư gửi vĩnh biệt gia đình trước khi xông trận của những liệt sĩ từ miền Bắc xếp bút nghiên lên đường chống giặc, nguyện nằm xuống giữ nắm đất thiêng. Quân ta cùng Thành cổ trong 81 ngày đêm rực lửa mùa Hè 1972 đã gánh trên đầu gần 330 nghìn tấn bom đạn Mỹ - ngụy (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà đê quốc Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945).
Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Các công trình của Thành cổ từ thời nhà Nguyễn không thể phục dựng lại được. Nơi đây được xây thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân. Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các anh…
Chiều muộn, tôi đứng bên bến thả hoa Thành cổ vọng về phía hạ nguồn và tự hỏi: Phải chăng, một phần hài cốt của các anh đã hòa theo dòng phù sa sông Hãn, về tưới tắm cho những ruộng đồng đơm hoa, những làng quê phong nẫm?
Không thể kể hết về đất này, bởi vẫn còn đó sông Hiếu (huyện Cam Lộ) như còn mái chèo rẽ nước vượt sông của o du kích gan dạ chở bộ đội qua bên kia chiến tuyến đánh Mỹ. Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nay vẫn còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của các đồng chí lãnh đạo cách mạng đánh vào miền Nam. Rồi Cao điểm 241 – Tân Lâm nay vẫn còn nguyên vết bom đạn xới cày. Nhà đày Lao Bảo với kiểu giam giữ, tra tấn dã man không những không vơi nguôi được mà còn làm sục sôi thêm ý chí Cách mạng. Sân bay Tà Cơn, di tích làng Vây (huyện Hướng Hóa), Dốc Miếu – Cồn Tiên, hàng rào điện tử MacNamara…
Đâu đâu trên đất này, mỗi thớ đất khô cằn nắng cháy, khắt khét gió Lào ấy đều gói trọn, cất chứa cả một phần sử liệu oai hùng để con cháu đời sau mãi lời nhắc nhớ…
Huyền sử Trường Sơn
Những ngày tháng 7 tri ân lịch sử này, đất và người Quảng Trị miềng như dang rộng lòng ra đón khách tham quan, những đoàn cựu chiến binh từng chiến đấu nơi này, những đoàn thanh niên từ mọi miền về tri ân “đất lửa”. Những ánh hồng rực rỡ của ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa trong khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng dâng lên những linh hồn bất diệt với thời gian...
Quảng Trị tổng có diện tích đất là 4.739,82 km2, với 10 huyện, thị xã và thành phố nhưng lại mang trên mình đến 72 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ từ cấp xã đến cấp quốc gia.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm ở phía Tây TP. Đông Hà. Đây là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ hy sinh chủ yếu trên chiến trường Đường 9 – Nam Lào. Tôi đã đứng lặng lặng người trước một phần mộ lớn nằm ở phía Đông nghĩa trang. Đó là phần mộ chung của một tiểu đội giữ Cứ điểm 241 Tân Lâm (huyện Cam Lộ).
Trong trận chiến cuối cùng ấy, họ đã trụ lại trong hầm công sự để giữ cứ điểm. Một quả bom dội trên nóc hầm, họ nằm xuống bên nhau. Hài cốt của họ hòa lẫn vào nhau, lực lượng cất bốc đã không thể tách rời họ được.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Đây là chốn yên nghỉ của 10.263 anh hùng liệt sĩ trong diện tích mộ 23.000m2 và phân thành 10 khu vực chính. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch để giải phóng miền Nam. Những ngày này, rất đông người từ khắp mọi miền đổ về đây thắp lửa tri ân.
Tôi đã hòa cùng dòng người lên thắp nén tâm hương trên đài trung tâm nghĩa trang này. Nó rộng lắm, vóc đại lắm, bạt ngàn mộ, bạt ngàn cây, bàn ngàn hương khói tỏa mờ… Tôi đã nghĩ nhiều về lớp cha anh đã nằm yên nghỉ nơi đây để giữ chắc chủ quyền, khát vọng sống hòa yên của dân tộc bao đời. Và tôi nhận ra rằng: Nghĩa trang đâu phải là nơi chết chóc? Mà chính những cái chết hoá thành bất tử đã phục sinh cho cõi sống…
Gửi lời tri ân quê hương, tháng 7/2015