Ống tay áo của mẹ theo con dọc dãy Trường Sơn

(PLO) - Mảnh ống tay với đường khâu vụng về, ngoằn ngoèo đã giúp những người em của liệt sĩ nhận ra ngay đây là phần mộ của anh trai mình. Họ nức nở ôm xiết vào lòng…
 Ống tay áo của mẹ còn lại trong mộ liệt sĩ.
Ống tay áo của mẹ còn lại trong mộ liệt sĩ.
Nhận ra anh từ đường khâu của mẹ
Đã từng giúp rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ tìm lại phần mộ liệt sĩ nhưng bà Ngô Thị Thúy Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) vẫn không khỏi xúc động nghẹn ngào khi nhớ lại câu chuyện về chiếc ống tay áo trong phần mộ của liệt sĩ Ngô Trí Khoa, quê ở Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Khi phần mộ liệt sĩ được tìm thấy trong một khu vườn của một người dân xứ Huế, tất cả đã tan vào cát bụi, thân xác của liệt sĩ không còn lại gì dù là mảnh xương, sợi tóc. Nhưng chiếc áo gối mẹ may từ ống tay áo cho liệt sĩ thì vẫn còn. Mảnh ống tay với đường khâu vụng về, ngoằn ngoèo đã giúp những người em của liệt sĩ nhận ra ngay đây là phần mộ của anh trai mình. Họ nức nở ôm xiết vào lòng…
Lên đường nhập ngũ khi vừa qua tuổi 16, liệt sĩ Ngô Trí Khoa mang theo mình những hoài bão của một người thanh niên xứ Nghệ. Rời vòng tay mẹ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng người thanh niên Ngô Trí Khoa đã vượt qua rất nhiều gian khổ để chắc tay súng trên chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa, vì “mẹ ơi, máu của anh em đồng đội con vẫn chảy” – như trong lá thư anh Khoa viết về cho gia đình. 
Rồi trong những lá thư khác gửi cho người chú ruột, chí khí của lớp thanh niên ngày đó thể hiện trên từng dòng chữ. Và cả những ước mơ thật bé nhỏ, giản dị: “Khi mô được giải phóng, cậu cho con ra Hà Nội để con nhìn tòa nhà cao tầng như mô và xe điện ngầm”.
Và rồi khi chưa hoàn thành tâm nguyện, người thanh niên Ngô Trí Khoa đã bị thương và hy sinh ngày 11/1/1975 tại thôn 3 Cầu Sến, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng đội đành gửi anh lại trong vòng tay của đất Mẹ để tiếp tục hành trình giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Thư của liệt sĩ Ngô Trí Khoa.
 Thư của liệt sĩ Ngô Trí Khoa.
 
Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước
Có lẽ khi nói về hành trình đi tìm liệt sĩ của các thân nhân, gia đình liệt sĩ trên đất nước Việt Nam, không có bài hát nào phù hợp và da diết hơn “Miền xa thẳm” của nhạc sĩ Đức Trịnh: “Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau để mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”. 
Ngày chàng thanh niên Ngô Trí Khoa ra tòng quân chiến trường và hy sinh, những đứa em của anh còn rất nhỏ, thậm chí người em út sinh ra sau ngày hòa bình còn chưa từng biết mặt anh trai. Nhưng bao nhiêu năm qua, cha mẹ già gần 90 tuổi và những người em vẫn ngày ngày ngóng tin con, tin anh. Họ mải miết đi tìm con, tìm anh của mình nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày và nhiều vùng đất trên khắp Tổ quốc Việt Nam.
Thế nên, khi tìm ra anh trai của mình, người em trai của liệt sĩ Ngô Trí Khoa là Ngô Trí Chinh đã viết những dòng tâm sự tràn nước mắt: “Dở dang chuyện học hành ở cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, anh đã lên đường làm nhiệm vụ… Ngày tiễn anh lên đường cha đã thắt lòng không dám nhìn anh vì sợ mất đứa con trai đầu lòng của mình, còn mẹ vẫn đủ can đảm để nói rằng: “Đi đi con!”. Nhận món quà của mẹ trước lúc chia tay, anh đã rơm rớm nước mắt vì sự vất vả, tận tụy của mẹ, sự lo lắng của cha, vì ánh mắt ngây thơ của đàn em nhỏ đang theo tiễn chân anh nó… 
Ngày anh hy sinh, trước lúc chết anh vẫn còn kịp đưa chiếc gối ra để lót đầu. Anh vĩnh viễn ra đi trong vòng tay yêu thương của mẹ, trong sự nâng đỡ êm ái đến vô cùng của mẹ… 37 năm sau ngày hy sinh của anh, trong một lần tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, năm người em trai của anh đã nhận ra chiếc túi vải có đường may của mẹ mình. 
Đường may mà bất cứ đứa con nào của mẹ cũng nhận ra và cũng từ đó phần mộ không rõ tên nằm suốt mấy chục năm trời trong vườn cây của người dân nơi đây nay đã có danh. Những đường chỉ ngoằn ngoèo chỉ có là của mẹ mà thôi và cũng từ đó con mới được vinh danh là con của mẹ…”  

Đọc thêm