Đi thật xa để trở về

(PLVN) - Tại Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu lần thứ hai năm 2019 vừa tổ chức tại Hà Nội, bản khuyến nghị về “Cách thức và điều kiện thu hút và gìn giữ nhân tài ở Việt Nam” gây được sự chú ý đặc biệt. 
Trần Lê Hưng
Trần Lê Hưng

Tác giả của bản khuyến nghị là  Trần Lê Hưng – 28 tuổi, nghiên cứu sinh tại Pháp, thành viên Hiệp hội Khoa học chuyên gia toàn cầu - ANSE. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Trần Lê Hưng ngay sau Diễn đàn này.

Thu hút nhân tài, làm sao để không bị chảy máu chất xám luôn là vấn đề khiến toàn xã hội phải trăn trở nhiều năm qua. Xin hỏi lý do nào để Hưng và các cộng sự thực hiện đề tài này, khi mà bạn đã sống ở nước ngoài lâu đến vậy?

- Ý tưởng của Đề tài được em manh nha từ năm 2016, sau khi em vừa hoàn thành tấm bằng Thạc sỹ tại Pháp. Nó bắt nguồn từ chính tâm nguyện của em và nhiều bạn trẻ vẫn mong muốn được trở về cống hiến cho Tổ quốc cho dù họ hoàn toàn có thể có cơ hội làm việc tốt hơn tại nước ngoài.

Tuy vậy, trước khi tham gia Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu này, em chưa biết nhiều về các cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam. Theo em, cần định nghĩa lại trí thức là ai? Trí thức không chỉ là những nhà khoa học, những người có trình độ học vấn cao, mà trí thức còn là người có tay nghề cao ở mọi lĩnh vực.

Họ cần môi trường ứng dụng thực tế nghề nghiệp, chất lượng và môi trường làm việc. Điều đáng chú ý, theo khảo sát, lương không phải là yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhân tài trở về và cống hiến lâu dài cho đất nước.

Thực tế thì số lượng nhân tài người Việt trở về nước còn hạn chế. Vậy các rào cản chính đó là gì? Cơ hội thăng tiến ở Việt Nam có thỏa mãn?...

- Theo một khảo sát đã nhận được gần 500 đóng góp của các chuyên gia, nghiên cứu sinh từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, rào cản lớn nhất là môi trường làm việc (36%) tại Việt Nam không tốt, dẫn đến khó hòa nhập, sự khác biệt về môi trường làm việc và tài chính giữa nước ngoài và Việt Nam. 

Có rất nhiều lý do để các nhân tài người Việt Nam quyết định định cư ở nước ngoài. Một trong những lý do chính là tâm lý e ngại về môi trường sống với 18.5% ý kiến (ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm,..); môi trường làm việc, môi trường giáo dục cho con cái 15.5% ( lo sợ con cái nhiễm tệ nạn xã hội ở Việt Nam, bạo lực học đường, thiếu giáo dục kỹ năng mềm...); hệ thống chăm sóc sức khỏe (13.9%) và phúc lợi xã hội (13.9%)… Và điều quan trọng, nhân tài trở về, họ mong được tôn trọng, công bằng trong công việc…

Việt Nam hiện có số lượng khá lớn nhân tài trong số hơn 4 triệu kiều bào ta đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Vậy đâu là lý do chính để nhân tài trở về?

- Cũng theo kết quả khảo sát, lý do chính để quyết định trở về quê hương là: Mong muốn tạo ra những thay đổi tại Việt Nam với trên 40% ý kiến. 30% ý kiến cho thấy có các khó khăn về hội nhập ở nước ngoài và khó khăn về giấy tờ để định cư (17%). 5% trở về vì các lý do gia đình.

Đáng chú ý, không ít nhân tài người Việt đang trong tâm thế chủ động, sẵn sàng đương đầu với các thử thách và nhìn thấy các cơ hội phát triển sự nghiệp tại Việt Nam (5%). Ngoài ra, lý do trở về đó là lòng yêu Tổ quốc và các mong muốn thiết tha được góp phần làm rạng danh đất nước. 

Trần Lê Hưng và những người bạn
 Trần Lê Hưng và những người bạn

Gần đây, xu hướng quay về Việt Nam làm việc hoặc tham gia hợp tác ngày càng tăng lên. Nhà nước ta đã có các chính sách, tạo điều kiện cho các chuyên gia người Việt Nam hợp tác và làm việc với đội ngũ trí thứ trong nước. Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có rất nhiều cơ hội tìm được công việc tốt và ổn định tại Việt Nam. Em cảm thấy phấn khởi và tự hào về điều đó. 

Hiện nay, với xu hướng luân chuyển chất xám, việc đi hay ở đối với nhân tài không mấy quan trọng nữa, vì họ vẫn có thể cống hiến cho Tổ quốc bằng nhiều cách khác nhau. Vậy bạn đã tham gia công trình nào trong nước và Hà Nội? Dự định năm mới của bạn ra sao?

- Tháng 6 vừa rồi em mới về làm Tình nguyện viên cho một cuộc thi Khởi nghiệp 2019-2020, em ở trong Ban Thư kí cuộc thi này. Ngoài ra, em đang tham gia một dự án tiền khả thi của Bộ Khoa học & Công nghệ về Đường sắt Việt Nam, dự kiến đầu tháng 1/2020 sẽ tiến hành thực nghiệm. Hơn nữa, với đề tài của em, cũng có thể ứng dụng thẳng vào duy tu đường sắt ở Việt Nam. Cùng với đó, qua mạng lưới tri thức, em cũng được giới thiệu với  ĐH Giao thông - Vận tải để  liên kết làm một số dự án…

Khoảng giữa năm 2020 em sẽ bảo vệ luận án, dự kiến tháng 9 sẽ về nước. Em dự định sẽ dành thời đi du lịch khám phá đất nước mình trước khi bắt tay vào công việc. Thú thật em đã đi du lịch qua nhiều nước, nhưng ngay tại nước mình thì em chưa được đi nhiều.

Em đã sống và học tập, làm việc ở Pháp dến nay là 11 năm nên có lẽ việc tiếp tục ở lại với em không khó. Thế nhưng, em chưa bao giờ nguôi ý định trở về bởi tình yêu với Tổ quốc, với Hà Nội thân yêu… Em muốn được trở về, cống hiến trên quê hương mình! 

Cảm ơn bạn! Chúc bạn nhiều thành công rực rỡ trong năm mới!

Trần Lê Hưng sinh năm 1991 tại Hà Nội, cựu học sinh Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hiện Hưng đang làm luận án Tiến sĩ tại Pháp, đề tài “Duy tu và bảo trì đường sắt” tại Đại học Cầu đường Pari (ENPC). Hưng cũng là thành viên Hiệp hội Khoa học chuyên gia toàn cầu - ANSE. Đến với Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu và Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi 2019, Trần Lê Hưng muốn gửi đến thông điệp: “Đi thật xa để trở về cống hiến cho Tổ quốc”.

Đọc thêm