Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện cuộc vận động nhằm phổ biến, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tham dự và chỉ đạo Diễn đàn. Tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn còn có các đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và trên 500 đại biểu, gồm đại diện các Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh và đại diện nhiều hiệp hội, hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh của các làng nghề từ các tỉnh, thành.
Tại Diễn đàn, nhiều tham luận của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làng nghề đã đưa ra các ý kiến đóng góp cho Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế làng nghề.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, nhìn từ khía cạnh quy hoạch đất đai tại làng nghề nông thôn Việt Nam, PGS-TS. Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến môi trường sống, chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần tại làng nghề, đặc biệt, xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đủ mạnh. Các cơ quan chức năng khi quy hoạch đất phát triển làng nghề cần lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng điểm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề, đặc biệt vị trí này cần bảo đảm giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải.
Bàn về cơ chế để người dân tiếp cận vốn phát triển kinh tế làng nghề, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần phải bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các hộ gia đình, các cá thể trực tiếp sản xuất để họ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn. Ngoài ra cần phải giảm phí, thuế hoặc lãi suất đối với các khoản vay để mua sắm các thiết bị, công nghệ mới dùng cho sản xuất sản phẩm làng nghề. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ và phát huy được thế mạnh của kinh tế làng nghề.
Doanh nhân Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh đưa ra một số sáng kiến tại buổi lễ |
Cũng bàn về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp rất mong có cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Qua Diễn đàn này, doanh nghiệp kiến nghị đến ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có chính sách cụ thể, áp dụng việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ các cụm công nghiệp đang hoạt động xử lý nước thải, rác thải và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh, vì vậy, Hiệp hội mong muốn tỉnh Bắc Ninh đôn đốc các chủ dự án các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng.
Trước các ý kiến đóng góp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu Hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề nắm bắt được các cơ chế chính sách và Pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân. Các cơ quan quản lý cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, có cơ chế chính sách để giúp nhân dân định hình được hướng đi phù hợp.
“Các ý kiến đóng góp của của doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, ban, ngành tại diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu và tổng hợp, qua đó, giúp Đảng, Nhà nước có chính sách mới, đúng, sát với thực tế hơn nhằm tạo điều kiện tốt nhất để góp phần phát triển kinh tế làng nghề bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Lễ cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất MBA 220-500kV cơ khí trọng điểm Quốc gia của Tập đoàn Hanaka. |
ông Mẫn Ngọc Anh chia sẻ tại buổi lễ |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã thăm quan xưởng sản xuất đồ gỗ tại làng nghề Đồng Kỵ; Thăm Hội chợ "Làng nghề sắc màu" và dự Lễ cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất MBA 220-500kV cơ khí trọng điểm Quốc gia của tập đoàn Hanaka.
Phát biểu tại Lễ cắt băng khánh thành, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho biết: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy biến áp truyền tải điện áp 220 - 500KV, công suất 450 MVA sau một khoảng thời gian đi vào triển khai đến nay đã chính thức hoàn thành và sẵn sàng sản xuất ra những máy biến áp truyền tải 220 và 500 KV theo đúng như dự án đã được phê duyệt đủ khả năng cung cấp máy biến áp truyền tải phục vụ cho sự phát tiển ngành điện của nước nhà và xuất khẩu.