Năm có số vụ tử tự nhiều nhất lịch sử?
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, Căn cứ không quân Shaw ở bang Nam Carolina của Mỹ ngừng các hoạt động chiến thuật trong 3 ngày để giúp những quân nhân ở căn cứ này có thể “nạp lại năng lượng” sau các vụ tự tử của 3 phi công chỉ riêng tại căn cứ này chỉ từ tháng 5/2019 tới nay.
Theo Điều tra viên Robert Baker, các Trung úy Christopher Rhoton (35 tuổi), Justin Strickland (26 tuổi) và Jose Llanes (28 tuổi) đều đã tự sát tại căn cứ. Ngoài các quân nhân tự tử chết, tại căn cứ không quân này cũng có 2 quân nhân khác thiệt mạng vì bệnh tật trong những tháng đầu năm.
Đây cũng là tình trạng chung trong toàn lực lượng Không quân Mỹ. Chỉ trong 4 tuần đầu tiên của năm 2019, tổng cộng đã có 11 phi công và các nhân viên dân sự phục vụ trong lực lượng không quân tự tử. Ngay sau vụ việc, hồi tháng 2 vừa qua, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein và các lãnh đạo cấp cao khác của lực lượng này đã tức tốc yêu cầu các chỉ huy các căn cứ và các đơn vị phải “hành động” ngay để giảm số vụ tự tử xuống. “Chúng ta cần một văn hóa của Lực lượng không quân, nơi các thành viên của lực lượng tìm cách giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải là tự tìm cách xoay sở 1 mình”, ông Goldfein, Trung sĩ trưởng Không quân Mỹ Kaleth Wright và Bộ trưởng Không quân Mỹ lúc bấy giờ Heather Wilson nhấn mạnh trong một bức thư.
Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2019, tổng cộng đã có 78 quân nhân Mỹ tự tử |
Tuy nhiên, con số những quân nhân của lực lượng không quân Mỹ tự tử không có chiều hướng giảm mà còn gia tăng ở mức báo động. Đến cuối tháng 3, có 26 vụ quân nhân tự tử đã được trình báo, tương đương với việc cứ khoảng 3 ngày trong lực lượng không quân Mỹ xảy ra 1 trường hợp tự tử. Ông Wright trong một phát biểu được đưa ra hôm đầu tháng 8 vừa qua cho biết, chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2019, tổng cộng đã có 78 quân nhân Mỹ tự tử. Theo một thống kê khác, số vụ tử tự xảy ra trong Không quân Mỹ từ tháng 1 đến tháng 7/2019 là 79 người, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới chức Mỹ, nếu những vụ tự tử của phi công nước này tiếp tục với tốc độ hiện tại thì số người chết vì tự tử trong lực lượng này trong năm nay sẽ vượt xa con số của năm trước. “Con số này cao hơn 28 người so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng ta mất nhiều nhân sự trong lực lượng không quân vì tự tử hơn bất cứ kẻ thù nào, kể cả trong chiến trận. Nếu chúng ta không thể làm gì đó, chúng ta có thể mất tới 150-160 phi công trong năm 2019. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục xảy ra”, ông Wright nói.
Tờ Post and Courier cũng cho biết, giới chức Mỹ đang lo ngại năm 2019 có thể là năm có nhiều vụ tử vong do tự tử nhất trong lịch sử không quân Mỹ. Thống kê của Văn phòng Phòng chống Tự tử trong lực lượng quốc phòng Mỹ cho thấy, trong năm 2018, tổng cộng 80 phi công Mỹ đã tự tử, trong đó có 60 lính không quân, 17 phi công của lực lượng Vệ binh Quốc gia và 3 quân nhân dự bị của lực lượng Không quân.
Một báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố năm 2017 cho thấy, từ năm 2015 tới năm 2017, trung bình mỗi năm Không quân Mỹ xảy ra 60 vụ quân nhân tại ngũ tự tử, 10 người trong thành phần trừ bị và 12 tới 21 vụ tự tử xảy ra trong lực lượng không quân thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia.
Ông Wright không nêu chính xác lý do của sự gia tăng tỷ lệ các vụ tự tử của nhân sự trong lực lượng không quân Mỹ xảy ra trong năm nay nhưng ông cho biết trong số các nguyên nhân khiến các quân nhân tự tử, số vụ việc xuất phát từ các trục trặc trong các mối quan hệ và các vấn đề kỷ luật chiếm tỉ lệ lớn.
Ảnh minh họa |
Đi tìm giải pháp
Tình trạng trên đã khiến Tướng David Goldfein hôm đầu tháng 8 ra lệnh cho tất cả các đơn vị trong lực lượng không quân trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến 15/9 phải thu xếp 1 ngày nghỉ nhằm giảm thiểu tình trạng phi công tự tử ngày càng tăng cao. Ông Wright trong thông điệp của mình khẳng định việc cho nghỉ 1 ngày này là để các chỉ huy và quản lý có thể tập trung vào tìm hiểu về tình trạng của những quân nhân trong lực lượng, về sức khỏe và phúc lợi của họ.
Với các phi công, đây là quãng thời gian để họ có thể kết nối, phá các rào cản để được giúp đỡ giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải. Không nói cụ thể nhưng ông Wright nhấn mạnh rằng ngày nghỉ này là sự khởi đầu của cuộc đối thoại giữa các quân nhân với các nhóm chỉ huy để giúp cho các đơn vị và rộng hơn là toàn bộ lực lượng Không quân Mỹ phát hiện và giải quyết vấn đề. “Chúng ta phải giải quyết việc này”, ông nói.
Theo Đại tá Derek J. O’Malley - Chỉ huy trưởng Không đoàn chiến đấu 20 tại Căn cứ Shaw, vấn nạn binh sĩ tự tử không thể giải quyết bằng một biện pháp duy nhất nhưng có rất nhiều việc có thể làm để giúp giải quyết vấn đề. Do vậy, ông O’Malley quyết định dành 3 ngày nghỉ ở các thời điểm khác nhau để các quân nhân có được cơ hội nghỉ ngơi, dành thời giờ cho gia đình cũng như cho bản thân họ. Trong đó, trong ngày 30/8, căn cứ này cho quân nhân nghỉ thêm 1 ngày vào kỳ nghỉ Ngày Lao động. Đến 20/9, lực lượng Mỹ ở căn cứ này tiếp tục có thêm các ngày nghỉ trong thời gian tạm dừng phục hồi chiến thuật.
Trong ngày 13/9, các binh sĩ cũng có một hoạt động trước khi được nghỉ theo các nhóm nhỏ nhằm thúc đẩy họ trao đổi với các đồng đội về tình trạng sức khỏe tâm thần. “Dù không có giải pháp lớn nào cho vấn đề này nhưng chúng ta có hàng ngàn giải pháp nhỏ có thể góp phần giải quyết tình hình, bao gồm cả việc dành nhiều thời gian hơn cho những phi công”, ông O'Malley nói và bày tỏ hy vọng những ngày nghỉ ngắn ngủi này sẽ là dịp để các quân nhân Mỹ điều chỉnh lại nhịp độ cuộc sống, có thêm thời gian để nạp năng lượng, gắn kết và sát cánh bên nhau.
Vấn nạn quân nhân tự tử không chỉ xảy ra với lực lượng không quân Mỹ mà với cả các quân chủng khác. Theo đài RT, kể từ năm 200 đến năm 2008, tỉ lệ tự sát trong hàng ngũ các binh sĩ, bao gồm cả lực lượng chiến đấu và không chiến đấu, đã tăng 80% so với giai đoạn từ năm 1977 đến năm 2003. Đến sau năm 2012, tỷ lệ binh sĩ Mỹ tự tử thậm chí còn cao số người thiệt mạng chết trên chiến trường.
Thống kê do quân đội Mỹ công bố cho thấy, tỉ lệ tự tử trong lực lượng lính thường trực ở nước này trong năm 2018 đã ở mức cao nhất trong ít nhất là 6 năm trước đó. Cụ thể, trong năm 2018, tổng cộng đã có 286 quân thường trực của các binh chủng Mỹ tự tìm đến cái chết, bao gồm 77 lính Thủy quân Lục chiến, 68 thủy thủ, 58 phi công và 1.103 binh sĩ Lục quân. Đó là còn chưa kể các vụ tự tử không thành và thống kê của lục quân không bao gồm 3 tháng cuối năm. Ở lực lượng Thủy quân lục chiến, trong năm qua có 354 trường hợp tìm cách tự tử nhưng không chết. Cựu tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ Robert Neller cho biết, trong 4 năm qua, ông đã mất 224 binh sĩ vì tự sát trong khi chỉ có 4 người thiệt mạng trong chiến đấu.
Theo Trung tâm phòng ngừa địch bệnh Mỹ (CDC), số vụ tự tử trong quân đội Mỹ cũng tỉ lệ thuận với sự gia tăng các vụ tử tử ở người dân trong những năm gần đây. Tỉ lệ tự tử trong dân Mỹ năm 2017 đã tăng 33% so với năm 1999 và ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II.