Dịch thuật quốc tế - chuyện “người trong cuộc”

(PLO) - Ngày 30/9 là ngày dịch thuật quốc tế được lấy theo ngày mất của Jerónimo de Estridón, cha đẻ của ngành dịch thuật, người đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hi Lạp và Do Thái sang tiếng Latin. 
Ở Việt Nam, dịch thuật dù đã có từ lâu với những tên tuổi dịch giả văn học như: Thuý Toàn, như Đỗ Đức Hiểu, Thái Bá Tân nhưng đa số đã khá cao tuổi. Và trong thế giới phẳng, nhiều công ty dịch thuật đã ra đời nhưng vẫn chưa thực sự được coi là một nghề…
Dịch giả Cung Văn Hùng chia sẻ, mỗi ngôn ngữ có một thế giới riêng mà người dịch chính là cầu nối về tri thức và văn hoá. Hiện ở Việt Nam hiện có khoảng 360 công ty dịch thuật lớn nhỏ, lâu nhất khoảng 20 năm và các dịch giả Việt Nam đã hội tụ đủ phẩm chất vốn có của người dịch chuyên nghiệp với tốc độ khá cao từ 3000-3500 từ/ ngày ( gấp đôi số lượng của các dịch giả quốc tế). 
Thế nhưng, trên thực tế công việc phiên/biên dịch cơ bản cho đến nay vẫn chưa được coi là một nghề thực sự, một công việc có tính chuyên nghiệp cao. Đa số người ta vẫn quan niệm rằng hễ ai thông thạo ngoại ngữ là có thể làm phiên/biên dịch được mà không hiểu hết những đòi hỏi của nó.  
Một điều thiệt thòi nữa là thù lao tương đối thấp so với mức chung của thế giới. Chưa kể tới, các công ty trong sự cạnh tranh, đã hạ giá mức dịch xuống thấp hơn so với mặt bằng chung nên thị trường càng bị phá giá.
Người làm công tác dịch thuật cần nhiều loại kiến thức: ngôn ngữ, văn hoá, kiến thức phổ thông hay kiến thức nền và kiến thức chuyên môn. Họ cần phải thông thạo, có vốn từ vựng phong phú, hiểu biết thấu đáo những vấn đề ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ không những chỉ về ngữ pháp mà còn về ngữ nghĩa và ngữ dụng. 
Những hiểu biết đó gắn chặt với tri thức văn hoá về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai cộng đồng ngôn ngữ. Và, mỗi một chuyên ngành có những thuật ngữ, cách diễn đạt riêng, phong cách riêng, đòi hỏi người làm công tác dịch thuật phải hiểu được chí ít là ý nghĩa, nội hàm của chúng, dẫu rằng không thể sâu như một nhà chuyên môn. 
Điều này dẫn tới nhiều thách thức đối với công tác dịch thuật; nhà chuyên môn giỏi thì khả năng thành thạo ngoại ngữ lại thấp, người giỏi ngoại ngữ lại thiếu kiến thức chuyên môn, và một số người hội đủ cả hai phẩm chất này ở mức thuần thục thật quá ít ỏi.
Ở góc độ khác, dịch giả Lý Đức Trung, cố vấn CLB Biên dịch Việt Nam cho biết, đã là dịch giả thì trước hết người biên dịch phải giỏi ngôn ngữ tiếng Việt. Chính vì thế, dịch giả Lý Đức Trung mong muốn CLB có sự chuẩn hoá về biên dịch. 
Nếu như biên dịch là tĩnh với nhiều tầng ngữ nghĩa, chơi chữ, ẩn ý thì phiên dịch lại là động với từ ngữ linh hoạt. Do đó, khi có sự chuẩn hoá về biên dịch chúng ta sẽ không lo mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, bởi sự khác nhau giữa phiên dịch và biên dịch.
Theo dịch giả Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Công ty Dịch Thuật CNN sau 10 năm hoạt động và tích lũy kinh nghiệm, công ty phần nào khắc phục được những khó khăn trên để trở thành công ty cung cấp dịch vụ dịch thuật, phiên dịch, thu âm lồng tiếng và giải pháp nhân sự chất lượng hàng đầu cho các tổ chức, các tập đoàn đa quốc gia, các thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế như: IBM, ABB, Quintiles, Viettel, Vietnam Airlines, Vinamilk, FPT, Mobiphone, Ford Việt Nam, Yamaha, Honda, Toyota, Brainworks,…và chính những khách hàng đó là minh chứng cho sự thành công và thước đo về chất lượng dịch vụ. 
Với mục tiêu trở thành công ty dịch thuật đầu tiên của Việt Nam lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ ngôn ngữ (LSPs) hàng đầu thể giới vào năm 2020, thương hiệu Expertrans Toàn Cầu đã chính thức ra đời vào năm 2013. Bên cạnh đó, Expertrans Global đã được kết nạp làm thành viên chính thức của ATA (Tổ chức dịch thuật Hoa Kỳ), ELIA (Liên hiệp dịch thuật châu Âu) và AATI (Hiệp hội dịch thuật châu Á). Và đến nay, mức thù lao của các dịch giả “cứng” trong công ty cũng đã đang từng bước tiệm cận với thế giới…

Đọc thêm