Hơn 600 năm trôi qua, cùng với sự “hồi sinh” của di tích, cuộc sống người dân vùng trung du cũng có nhiều khởi sắc.
Vùng đất đế vương
Đất tổ Vua Lê một ngày cuối đông nắng rang vàng trên những triền núi, dòng sông, câu chuyện về đất và người Lam Kinh từ mấy trăm năm vẫn hào hùng, sống động như mới ngày nào.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh cách TP Thanh Hóa hơn 50km về phía Tây Bắc, được quy hoạch tổng diện tích hơn 200ha, trải rộng trên địa bàn 3 xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) và xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).
|
Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban quản lý Khu di tích cho biết, theo sách sử, người xưa gọi núi Lam vì nơi đây mọc nhiều cây chàm có màu xanh lam. Dưới chân núi lại có làng Cham do biến âm “chàm” mà ra. Đây là vùng đất thiêng sinh ra nhiều bậc đế vương và anh hùng hào kiệt, trong đó có Bình Định vương Lê Lợi.
Một trong những “sử gia” của vùng là ông Nguyễn Đình Tớn (hơn 70 tuổi), nguyên cán bộ Huyện ủy Thọ Xuân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Lam cho biết, dù quần thể di tích Lam Kinh hiện nay thuộc 3 xã và thị trấn như trên, nhưng cái nôi của những sự tích “ngọc” liên quan đến gia tộc Vua Lê phần lớn đều trên đất Xuân Lam.
Đây là nơi khi xưa cụ tổ Lê Lợi sớm nhận ra là đất lành chim đậu. “Một lần ngao du sơn thủy, thấy Lam Sơn có đàn quạ bay lượn dưới chân núi như vẻ đông người tụ họp, cụ cho rằng chỗ này là đất tốt, liền dời nhà đến ở, được 3 năm thì thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, bấy giờ làm chủ một miền” (Văn bia Vĩnh Lăng).
Lớn lên giữa thời giặc Minh đô hộ, Lê Lợi “thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh hùng vĩ”, không an phận cuộc sống giàu có của trại chủ Lam Sơn mà chuyên tâm đọc sách lược thao, dựng cờ khởi nghĩa, dốc hết của nhà hậu đãi tân khách.
|
Sau 10 năm “nếm mật nằm gai” (1418 – 1428), khởi nghĩa thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội. Để tri ân tổ tiên, vua cho đổi Lam Sơn thành Lam Kinh, còn gọi Tây Kinh và cho xây dựng trên đất tổ một kinh thành được xem như kinh đô tưởng niệm của nhà Lê.
Lam Kinh được xây dựng nguy nga gồm hoàng thành, cung điện, thái miếu, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu miếu điện được xây trên một khoảng đồi gò hình dáng chữ “Vương”.
Khi vua băng hà, thọ 49 tuổi, tại vị được 6 năm, triều thần theo di nguyện đưa về quê an táng. Từ đó Lam Kinh thành khu sơn lăng. Có 6 vị vua và 2 hoàng thái hậu được an táng tại đây.
Lam Kinh sau này được hiểu là một vùng rộng lớn, có núi rừng, ruộng canh tác, làng bản, chứ không bó hẹp để chỉ một lớp tường thành.
Qua thăng trầm lịch sử, nhà Lê suy tàn. Thành điện nơi này đã 3 lần bị thiêu rụi. Kinh đô xưa có khi chỉ còn phế tích giữa thâm u rừng rậm.
|
Bồi hồi nhớ lại hơn nửa thế kỷ đời người, ông Tớn kể vùng Lam Kinh trước đây hoang sơ, dân cư thưa thớt. Chủ yếu rừng núi và đền chùa, miếu mạo. Kinh thành Vua Lê đổ nát, người dân không dám đặt chân vào do rừng rậm um tùm, hùm beo trú ẩn. Mỗi lần đến ngày húy kị của các vua, dân phải đánh trống khua chiêng đuổi thú dữ mới dám vào dâng hương.
Ông Tớn trầm ngâm, ngày ấy dân nghèo, làm giỗ vua chỉ nấu xôi, đúc oản, chén rượu gạo với dăm thứ trái cây trong vùng… Mâm, bát không có, đồ tế lễ đều lót bằng lá chuối. Dù vậy, không một ai dám tham từ cành cây, ngọn cỏ tại khu thành miếu cũ.
Khi bom đạn chiến tranh dội xuống, dân lấy gỗ đóng khung bao bọc lấy bia Vĩnh Lăng trước mộ Vua Lê Thái Tổ, lại đắp đất, đắp cát che chắn xung quanh. Khi điện Lam Kinh bị lửa thiêu rụi, dân lập gian nhà tranh làm đền thờ Lê Thái Tổ bên ngoài để ngày ngày hương khói cha ông.
Lam Kinh khởi sắc
Cách đây hơn 20 năm, Nhà nước phê duyệt Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh, các cán bộ văn hóa của tỉnh được phân công lên chăm sóc di tích. Lam Kinh chỉ còn ít bìa rừng, khuôn viên bị chia cắt bởi quốc lộ 15A. Lăng mộ vua chỉ còn các mô đất cao, nền móng điện miếu chỉ còn những viên đá khó xác định vị trí.
Hàng chục năm nghiên cứu và kỳ công phục dựng, đến nay Lam Kinh đã dần tái hiện trên vết tích nền móng cũ.
|
Cùng với sự “hồi sinh” của Lam Kinh, cuộc sống người dân trong vùng cũng có nhiều khởi sắc. Ông Tớn cho biết, mừng nhất là hệ thống giao thông đã thuận lợi. Trước khi cầu Mục Sơn xây vào năm 1989, Lam Kinh như tách biệt với dân cư, đi lại phải qua phà, qua đò. Không có trường, trẻ em phải học trong đình chùa. Có trường rồi lại nguy cơ giải thể do học sinh bỏ học mưu sinh. Nhưng nay mỗi năm xã có hàng chục em đỗ đại học, nhiều người thành danh đã trở về phục vụ quê hương.
Theo ông Lê Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, hiện xã có chưa đầy 1.000 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu, diện tích chưa đầy 54ha. Người dân đầu làng, cuối xóm hầu hết là anh em, họ hàng, thân thiết như người một nhà.
Năm vừa qua, thu nhập bình quân của người dân xã là gần 29 triệu đồng. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với sự “lột xác” của hệ thống điện, đường, trường, trạm... Khắp nơi phủ màu xanh của ruộng lúa, nương ngô và những cánh đồng mía.
Sự phát triển của các ngành dịch vụ và các nhà máy giấy, mía đường đã mang lại nhiều công ăn việc làm. Người dân một thời phải chạy ăn từng bữa, kiếm từng bò gạo, củ sắn, củ khoai qua ngày, nay đã có tiền mua xe hơi, xây nhà tầng. Có gia đình chỉ “xúc đá, đội đất” vẫn chịu thương chịu khó dành dụm hàng trăm triệu mua được ô tô cho con chạy taxi. Nhiều người ở xa đã tìm về sinh cơ lập nghiệp.
Nhắc chuyện xưa nay, ông Tớn và ông Hợi đều chung chia sẻ: dù nghèo khó hay ấm no, người Lam Kinh vẫn luôn tự hào được sinh ra trên đất vua, kế thừa sự hào hiệp, anh dũng và cả tấm lòng thuần hậu, hiếu khách của cha ông.
Ở góc độ ngược lại, cuộc sống ấm no của người dân cũng là mơ ước thịnh trị của các vương triều. Với triều Lê, có lẽ vì thương dân, muốn gần dân mà Lam Kinh mới được xây hòa vào thiên nhiên, không thành cao hào sâu ngăn cách.
Giữa bốn bề tĩnh lặng, tiếng lá cây xào xạc trong rừng Lam Kinh như vẫn kể mãi chuyện cha ông. Và những phiến đá rêu phong như nhắc nhớ mãi về một vùng địa linh nhân kiệt.
Khu di tích Lam Kinh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Quần thể di tích này hiện gồm 3 phần: khu trung tâm (miếu điện Lam Kinh), đền thờ Lê Thái Tổ (huyện Thọ Xuân) và đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), cách khoảng 6km.
Lam Kinh có nhiều di sản quý là 3 tấm bia ký được công nhận bảo vật quốc gia, 18 cây cổ thụ được công nhận cây di sản Việt Nam.
Nơi đây còn có những loại “kỳ hoa dị thảo” như cây ổi cười gắn với sự tích cầu tự và dòng họ độc đinh. Những hiện tượng kỳ lạ đang thách thức các nhà nghiên cứu như tiếng vọng ở hồ bán nguyệt tại đền Lê Lai.
Thế đất Lam Kinh được các nhà nghiên cứu đánh giá có đầy đủ các yếu tố của đất quý mà không cần sự tác động của con người để cải tạo địa hình. Như sách sử mô tả: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bề nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm”.