Điệp viên KGB bị lộ tẩy sau 7 năm “nằm vùng” trong lòng FBI

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lợi dụng vị trí của mình tại FBI, Earl Edwin Pitts đã tìm cách bán tin mật cho Liên Xô. Về sau, lòng tham trỗi dậy, anh ta một lần nữa âm mưu phản bội Mỹ mà không hề hay biết đã sập chiếc bẫy do chính lòng tham của mình gây ra.
Điệp viên KGB bị lộ tẩy sau 7 năm “nằm vùng” trong lòng FBI

Vụ bắt giữ bất ngờ

Ngày 28/12/1995, một nhà ngoại giao mới về hưu của Nga lặng lẽ ngồi ở khu sách luật trong phòng 228 của Thư viện công cộng New York, Mỹ để chờ gặp một điệp viên của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Nhà ngoại giao Nga đang bí mật làm việc cho FBI còn điệp viên của FBI mà ông này đang chờ thì lại bí mật làm việc cho Nga. Cuộc gặp, theo mường tượng của điệp viên FBI Earl Edwin Pitts, là để anh ta nhận phần thưởng Giáng sinh muộn từ cơ quan tình báo Nga.

Tuy nhiên, trong khi nhà ngoại giao hẹn gặp ở khu sách luật - đúng chỗ mà 2 người đã lần đầu gặp nhau 8 năm trước – thì Pitts lại nhớ nhầm thành khu sách về các vấn đề cộng đồng. Vì thế nên anh ta đã đi quanh thư viện trong suốt hơn 30 phút nhưng vẫn không tìm được nhà ngoại giao Nga.

Ngày hôm sau, sau một cuộc điện thoại, Pitts tới Sân bay Washington và lần này đã gặp được người cần gặp. Sau vài câu chúc xã giao, Pitts đã đi cùng với nhà ngoại giao là một đầu mối cũ của anh ta tới xe hơi của ông này và được một người tự xưng là nhân viên tình báo Nga đưa cho 20.000 USD.

Nhận tiền xong, Pitts vui vẻ đi về mà không hề hay biết rằng cuộc gặp cũng như việc nhận tiền như vậy là sai lầm chết người của anh ta vì nhà ngoại giao Nga đã bí mật ghi âm cuộc nói chuyện giữa 2 người. Điều này, cộng với một số chuyện xảy ra trước đó, đã khiến Pitts phải trả giá đắt khi chỉ sáng ngày hôm sau nữa, anh ta đã bị bắt khi vừa tới cơ sở đào tạo của FBI ở Quantico, bang Virginia làm việc với cáo buộc bán thông tin mật cho Nga để đổi lấy tổng cộng 224.000 USD.

Earl Edwin Pitts.Earl Edwin Pitts.

Theo bản cáo trạng dài 64 trang mà FBI công bố sau đó, Pitts đã bắt đầu cuộc sống 2 mặt từ năm 1987 và trong khoảng từ 5 năm sau đó đã bí mật gặp các điệp viên Nga để bán tin mật, còn FBI không hay biết về hành vi phản bội của nhân viên. Phải đến năm 1994, hành vi của Pitts mới lần đầu được biết đến khi nhà ngoại giao Nga bắt đầu hợp tác với tình báo Mỹ và kể cho FBI một câu chuyện thú vị.

Theo đó, nhà ngoại giao Mỹ cho biết, vào khoảng tháng 7/1987, khi đang làm việc ở Phái đoàn Liên Xô tại LHQ ở New York, ông nhận được 1 bức thư lạ, không đề tên người gửi nhưng ghi đích danh ông ở phần người nhận. Bức thư nói rằng nhà ngoại giao hiện đang bị FBI theo dõi do bị nghi ngờ là điệp viên của Liên Xô. Người gửi thư tự nhận là một điệp viên FBI đang muốn phản bội đất nước để lấy tiền.

Tại thời điểm mà số điệp viên của FBI đang làm việc cho tình báo Liên Xô chỉ đếm được trên đầu ngón tay như lúc bấy giờ, những lời đề nghị như vậy được người đứng đầu bộ phận tình báo của Nga ở phái đoàn ngoại giao tại LHQ Aleksandr Vasilyevich Karpov quý như vàng.

Ông Karpov ngay lập tức chỉ định nhà ngoại giao hẹn gặp người gửi thư ở Thư viện New York cũng như tiến hành xác minh đầu mối này. Địa điểm hẹn gặp chính là khu sách luật như đã nói ở trên. Chính câu chuyện của nhà ngoại giao Nga đã khiến FBI tiến hành một chiến dịch kéo dài 16 tháng để bẫy Pitts, với kết quả là vụ bắt giữ vào cuối năm 1996.

Túng quá hóa liều

Pitts từng hoàn thành bậc cao học ở 3 trường đại học trước khi nhập ngũ. Đến năm 1983, ông ta gia nhập FBI và làm việc ở văn phòng tại Virginia. Năm 1987, ở tuổi 33, ông ta được điều tới văn phòng New York với nhiệm vụ tiến hành những cuộc điều tra về các điệp viên của Liên Xô trong vỏ bọc nhà ngoại giao tại Liên Hợp quốc. Pitts trong thời gian này được tiếp cận hàng loạt thông tin nhạy cảm và tin mật, bao gồm các chiến dịch tuyển mộ liên quan đến sỹ quan tình báo Nga, các điệp viên 2 mang, danh tính thực của các điệp viên Nga, danh tính những người bị nghi là điệp viên KGB tại New York... để phục vụ công việc.

Tháng 7/1987, Pitts hoàn thành báo cáo đầu tiên được đánh dấu mật về danh sách các điệp viên của Liên Xô ở New York. Nung nấu ý định bán tin mật để lấy tiền nên chỉ 1 tuần sau đó, anh ta đã liên hệ với nhà ngoại giao Nga (chính là người về sau quay sang làm việc cho tình báo Mỹ đã nói ở trên) để đề nghị hợp tác.

Cuộc gặp ở thư viện giữa 2 người đã đánh dấu khởi tốt đẹp của quá trình này. Lợi dụng vị trí phụ trách Bộ phận phản gián của FBI, Pitts bị cáo buộc đã trao cho phía Nga nhiều thông tin mật, trong đó có bản danh sách các điệp viên Liên Xô hoạt động trên địa bàn thành phố New York, thông tin về một nguồn tin của Mỹ trong hàng ngũ cơ quan tình báo Liên Xô cùng nhiều thông tin quan trọng khác.

Bản thân FBI được cho là cũng không nắm rõ các thông tin khác mà Pitts đã cung cấp cho Liên Xô là gì, chỉ biết Pitts đã được tiếp cận những thông tin mật sâu nhất. “Điều này thật tồi tệ và khủng khiếp”, người này nói.

Năm 1989, Pitts được thăng chức lên thành giám sát viên đặc biệt và được chuyển tới trụ sở FBI ở Washington, làm việc ở Ban quản lý hồ sơ. Đến năm 1992, Pitts bị chuyển về Bộ phận tư vấn pháp luật, chuyên giải quyết các vấn đề dân sự và các vấn đề liên quan đến ADN nên không còn có được những thông tin phù hợp cho việc làm gián điệp. Năm 1995, ông ta được chuyển về Học viện FBI ở Virginia.

Tóm gọn

Trên thực tế, năm 1993, FBI đã nghi ngờ có kẻ phản bội trong hàng ngũ của họ khi một loạt các chiến dịch của họ dù được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và thực hiện hoàn hảo nhưng đều thất bại thảm hại. Những thất bại này thường có tính địa phương và nguyên nhân thất bại được xác định không phải trùng hợp. Do đó, FBI bắt đầu mở cuộc điều tra, tập trung vào khoảng thời gian từ năm 1986 đến 1990 ở khu vực thành phố New York.

Các nhân viên tại văn phòng New York trong thời gian này đều bị xếp vào dạng tình nghi. Đến năm 1995, quan chức ngoại giao của Nga đã về hưu tiết lộ về Pitts. Ngay sau khi nhận được thông tin, FBI đã tìm hiểu về tài chính của Pitts cũng như lịch trình di chuyển của ông ta. Kết quả là, cả 2 dữ liệu này đều có vẻ bất thường. Đến tháng 8/1995, để bắt quả tang Pitts, FBI đã quyết định mở 1 chiến dịch lừa Pitts tin rằng các điệp viên Nga đang muốn ông ta làm việc trở lại cho họ để dụ ông ta vào tròng.

Theo hướng này, một điệp viên của Mỹ đã đóng giả là nhân viên của cơ quan tình báo Nga, nhờ Pitts tìm hiểu về hành tung của một điệp viên Nga đang làm việc ở Mỹ. Pitts nhận lời và đã được điệp viên Mỹ cung cấp thông tin về địa điểm bỏ tài liệu. Ngay trong lần gặp đầu, Pitts đã nhận được 15.000 USD.

Về sau, Pitts đã chuyển cho các điệp viên chìm của Mỹ - mà ông ta vẫn tưởng là người của phía Nga - những tài liệu mật và nhạy cảm liên quan tới an ninh quốc gia, thông tin cá nhân, sức khỏe và gia đình của các điệp viên FBI khác có thể sử dụng để tống tiền hay chiêu dụ họ làm việc cho Nga. Tổng cộng, chỉ trong 1 thời gian ngắn, Pitts đã 22 lần chuyển thông tin cho FBI và nhận được 65.000 USD.

Trong thời gian này, vợ của Pitts, vốn cũng là một nhân viên của FBI, phát hiện những hành động bí ẩn của chồng. Theo dõi cho đến khi đọc được một bức thư mà các điệp viên giả mạo đã gửi cho Pitts, người vợ đã báo cho điệp viên của FBI tại Fredericksburg. Với bằng chứng là các chứng cứ, Pitts về sau bị kết án 27 năm tù giam.

Đọc thêm