Tính cơ bản và khả năng tác động lâu dài của những điều chỉnh chính sách mới này của Mỹ đối với Trung Quốc khiến cho những mối bất hòa trong thời gian qua liên quan đến cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên hay liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ còn là mấy mắc mớ phụ.
Những điều chỉnh nói trên trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan đến Hong Kong và Tân Cương, đến Đài Loan và khu vực Biển Đông cũng như liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp của Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
Lần đầu tiên phía Mỹ công khai thể hiện chủ ý không để cho chính quyền Trung Quốc muốn làm gì thì làm với người theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương và với các quyền tự trị sâu rộng của đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đã đưa ra luật mới trừng phạt quan chức Trung Quốc bị phía Mỹ cho là có liên quan đến những biện pháp chính sách của Trung Quốc đối với Hong Kong và người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương.
Đáng chú ý hơn cả ở đây là việc phía Mỹ ngừng áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho Hong Kong trên cơ sở mô hình, tức là không còn phân biệt Hong Kong và Trung Quốc lục địa về cấu trúc chính trị xã hội.
Cũng lần đầu tiên chính phủ Mỹ công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông. Mỹ còn tuyên bố ủng hộ tất cả các đối tác cảm thấy bị Trung Quốc xâm hại về chủ quyền lãnh thổ. Mỹ không những ủng hộ Đài Loan được tham gia WHO với tư cách là quan sát viên mà còn có bộ luật mới về tăng cường quan hệ hợp tác và khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan.
Mỹ không những chỉ tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan mà còn lần đầu tiên cử một thành viên chính phủ công du Đài Loan. Đồng thời với những điều chỉnh chính sách ấy, phía Mỹ còn tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn và với mức độ rất quyết liệt nhằm vào các doanh nghiệp của Trung Quốc trên thị trường Mỹ như Huawei, ZTE, Tiktok...
Hệ lụy trước mắt là mối quan hệ song phương này trở nên xấu đi nghiêm trọng, phía Mỹ hiện tại chủ ý làm găng và gây khó cho Trung Quốc nhiều hơn là thúc đẩy quan hệ hợp tác. Dường như ở phía Mỹ hiện có nhận thức khác trước về thách thức từ Trung Quốc và về sự cần thiết phải đối phó để vượt qua.
Cho nên có thể thấy Trung Quốc là một nhân tố tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Mỹ. Nhưng cả ở thời sau cuộc bầu cử ấy, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp tục trắc trở và xung khắc, còn đối địch nhiều hơn là hợp tác và chưa thể dễ có thể sớm bình thường trở lại.