Điều gì khiến triều đại Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương chỉ có duy nhất một vị Hoàng Hậu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù trong hậu cung có hàng trăm phi tần, mỹ nữ nhưng cả đời mình Hoàng đế Chu Nguyên Chương vẫn chỉ tấn phong tước hiệu Hoàng hậu cho người vợ đầu tiên là Mã Hoàng hậu. Nguyên nhân được cho rằng, nhờ trí tuệ hơn người Mã Hoàng hậu đã giúp một người thô lỗ và ít học như Chu Nguyên Chương có thể sáng lập nên thời thịnh trị Hồng Vũ đầu nhà Minh.
 Mã Hoàng hậu là người Chu Nguyên Chương suốt đời trân trọng và yêu thương (Ảnh minh họa).
Mã Hoàng hậu là người Chu Nguyên Chương suốt đời trân trọng và yêu thương (Ảnh minh họa).

Mã Hoàng hậu (1332-1382) được mệnh danh là “người vợ chân to” bởi bà không tuân thủ hủ tục bó chân hà khắc của xã hội phong kiến Trung Quốc khi đó. Bà là người phụ nữ duy nhất mà cả cuộc đời Chu Nguyên Chương (1328-1398) hết mực thương yêu. Mặc cho đối với các vị phi tần khác, chỉ cần không chung thủy ông đều thẳng tay trừng trị. 

Nhân duyên giúp thăng quan tiến chức

Hiếu Từ Cao Hoàng hậu Mã thị, thường gọi Minh Thái Tổ Mã Hoàng hậu để phân biệt với vị Hoàng hậu cùng thụy hiệu đời Thanh. Bà tên thật là Mã Tú Anh, người ở Túc Châu, phủ Quy Đức (nay là khu vực thành phố Túc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Sử ký không chép rõ tên cha mẹ bà, Minh sử ghi đại khái là cha bà là Mã công vốn có quan hệ tốt với Quách Tử Hưng - người đứng đầu nghĩa quân chống nhà Nguyên, nên sau khi Mã công chết, Mã thị được sống trong phủ Quách Tử Hưng, nhận Tử Hưng làm cha nuôi. 

Theo Minh Sử diễn nghĩa của Thái Đông Phiên thời nhà Thanh, Mã thị được Quách Tử Hưng dạy chữ viết và phép tính, còn vợ là Trương thị dạy về nữ công. Mã thị rất thông minh, học đều rất nhanh chóng, bà tinh thông kinh sử, nhiều phần còn trội hơn các bậc nam nhi trong vùng. 

Tuy nhiên, từ nhỏ do kiên quyết không chịu bó chân theo truyền thống mà để chân phát triển tự nhiên nên Mã thị có biệt danh là “nàng Mã chân to”. Do Mã thị có thiên tướng, thông minh tài trí nên Quách Tử Hưng cân nhắc rất kỹ lưỡng trong việc chọn chồng cho cô, vì vậy cho tới năm 21 tuổi, Mã thị vẫn chưa được gả đi.

Khoảng năm Chí Chính thứ 12 triều Nguyên (1352), đất nước bắt đầu loạn lạc, Quách Tử Hưng gây dựng thế lực riêng ở Hào Châu. Lúc ấy Chu Nguyên Chương còn là một kẻ ăn mày, đã đến trước nhà họ Quách mà xin vào làm thủ hạ cho Quách Tử Hưng. Sau khi gia nhập Quân khăn đỏ, Chu Nguyên Chương bằng sự dũng cảm và mưu lược đã lập được nhiều công lớn và nhận được sự tin tưởng của Quách Tử Hưng. Lúc này cô con gái Mã thị đã được Quách Tử Hưng tin tưởng gả cho Chu Nguyên Chương. Năm 1352, Chu Nguyên Chương và Mã Tú Anh kết hôn. 

Minh Thái Tổ Mã Hoàng hậu.
 Minh Thái Tổ Mã Hoàng hậu.  

Sau khi lấy vợ, Chu Nguyên Chương ngày càng được trọng dụng, từ chức quan “Thập phu trưởng” chỉ quản lý 10 binh sĩ đã trở thành một Phó Nguyên soái, quyền lực chỉ dưới Quách Tử Hưng. Tuy nhiên, việc tiến thân của Chu Nguyên Chương không tránh khỏi việc bị nhiều kẻ hãm hại. Chúng đã nói xấu, dựng chuyện tố cáo Chu Nguyên Chương. Quách Tử Hưng tuy trượng nghĩa nhưng đa nghi nên đã nhốt ông vào biệt lao, không cho ăn uống gì cho đến chết.

Nhìn thấy chồng phải chịu tù đày oan ức, dù rất thương nhưng Mã thị không dám đến cầu xin cha. Sau đó, bà phát hiện ra một mật đạo có thông đến cửa sổ phòng giam nhốt Chu Nguyên Chương. Hàng ngày, Mã Tú Anh giả bệnh để người hầu mang thức ăn vào giường rồi cất đi, đến tối mang đến cho chồng qua cửa sổ. Dù được vợ cố gắng lo cho ăn uống nhưng vốn thể chất hơn người nên phần cơm nhỏ của vợ không giúp ông đủ no. Vì thương chồng, Mã thị bất chấp quân lệnh đã đánh liều xuống bếp ăn trộm đồ ăn để mang cho Chu Nguyên Chương.

Một lần, cô bị mẹ nuôi là Quách phu nhân phát hiện nên đành kể hết mọi chuyện, sau đó mẹ nuôi nói lại với Quách Tử Hưng. Cảm động trước tấm chân tình này, chủ tướng già đã tha cho Chu Nguyên Chương.

Minh Thái Tổ Mã Hoàng hậu là người vợ tào khang với Chu Nguyên Chương (Ảnh minh họa).
Minh Thái Tổ Mã Hoàng hậu là người vợ tào khang với Chu Nguyên Chương (Ảnh minh họa).  

Cùng chồng chinh chiến gây dựng cơ đồ

Năm 1355, Quách Tử Hưng bị bệnh qua đời, con trai là Quách Thiên Tự kế nhiệm chức Nguyên soái, Chu Nguyên Chương được phong làm Phó soái. Ít lâu sau, Quách Thiên Tự tử trận, Chu Nguyên Chương được thay làm Nguyên soái, thực lực càng trở nên lớn mạnh. Lúc này, mọi việc liên quan đến quân trang đều được Mã thị đích thân quản lý, sắp xếp rất khoa học. Trong suốt 15 năm khởi nghĩa thống nhất Trung Quốc, Mã thị luôn sát cánh bên chồng và trở thành một trợ thủ đắc lực của ông. 

Trong cuộc chiến giữa Chu Nguyên Chương với Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành quân đội nhà Nguyên, Mã Tú Anh đã vận động gia quyến của nghĩa quân giúp tướng sĩ may vá quần áo, giày dép để cung cấp cho quân đội. Trong một lần, Chu Nguyên Chương dẫn quân tiến đánh xuống Giang Ninh (nay là Nam Kinh, tỉnh Giang Tô), do gặp phải thế địch mạnh, cuộc chiến bất lợi, lòng người dao động. Lúc này, Mã Tú Anh đã không do dự phát khăn vàng ban thưởng cho các tướng sĩ để ổn định lòng quân và cổ vũ tinh thần. 

Thậm chí, một số sử sách còn ghi lại rằng có một lần Chu Nguyên Chương bị thương trên sa trường, Mã Tú Anh đã không màng nguy hiểm xông vào trận chiến, cõng chồng chạy trốn. Vì vậy, có thể nói rằng Chu Nguyên Chương thành công lên ngôi Hoàng đế, khai quốc nhà Minh có sự góp sức không hề nhỏ của vị “Hoàng hậu chân to” Mã Tú Anh.

Năm Hồng Vũ nguyên niên (1368), Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế ở Nam Kinh, lập ra nhà Minh, xưng niên hiệu là Hồng Vũ. Với tư cách là chính thất của Hoàng đế, Mã thị được lập làm Hoàng hậu. Con trai của bà là Chu Tiêu được lập làm Hoàng thái tử, các con trai khác đều phong làm Thân vương. 

Mặc dù Mã thị là Hoàng hậu nhưng bà chủ trương không cho Chu Nguyên Chương trọng dụng họ Mã của bà, tránh họa ngoại thích cho triều đình, còn đề cao tiết kiệm, chuộng ăn mặc giản dị. 

Vào khi bà giảng dạy nữ đức cho cung nhân, Mã Hoàng hậu thực hiện thao tác “coi trọng cổ huấn”, thường lấy các Hiền hậu đời nhà Tống ra làm gương. Bà lệnh cho các nữ quan tra xem các hành vi vi phạm điển hình của Tống triều, rồi thường xuyên lấy đó làm nguyên tắc dạy bảo. 

Mã Hoàng hậu đã hỗ trợ đắc lực cho những chiến thắng của quân khởi nghĩa (Ảnh minh họa).
Mã Hoàng hậu đã hỗ trợ đắc lực cho những chiến thắng của quân khởi nghĩa (Ảnh minh họa). 

Đối với dân chúng, Mã Hoàng hậu cũng luôn dành sự quan tâm. Một ngày, Hoàng hậu hỏi Chu Nguyên Chương: “Hiện giờ dân chúng trong thiên hạ có yên ổn không?”. Hoàng đế bèn nói: “Chuyện này không phải là điều nàng nên bận tâm”, thế rồi bà đáp: “Bệ hạ! Ngài là phụ thân của người trong thiên hạ, thiếp may mắn có thể trở thành mẫu thân của người trong thiên hạ. Con cái yên ổn hay không, thiếp sao lại có thể không hỏi!”. Mỗi khi trong nước có thiên tai, Hoàng hậu liền suất lĩnh cung nhân ăn cơm canh đạm bạc, trợ giúp bá tánh cầu nguyện. 

Trong quá trình củng cố ngôi vị của mình, Chu Nguyên Chương cũng giống bao bậc đế vương khác không ngừng tìm cớ để giết những lương tướng công thần. Về việc này, Mã hoàng hậu luôn tìm cách khuyên giải và cố gắng giảm rất nhiều án oan, giữ được tính mạng của nhiều công thần vô tội như Chu Văn Chính, Lý Văn Trung, Mộc Anh.

Chu Nguyên Chương vốn là người nổi tiếng tự phụ, đa nghi nhưng đối với người vợ hiền của mình ông luôn dành cho bà sự tôn trọng. Năm 1382, Mã hoàng hậu bị bệnh qua đời. Mất đi người tâm giao tri kỉ, người vợ hiền đứa hạnh nên Chu Nguyên Chương vô cùng đau lòng. Sau khi bà mất, Chu Nguyên Chương không lập thêm hoàng hậu nào nữa để tỏ lòng kính trọng và nhớ thương. Sách “Minh sử” cũng tán dương Mã hoàng hậu, gọi bà là “Mẫu nghi thiên hạ, từ đức nổi tiếng”.

Đọc thêm