Điều ít biết về chiếc đài cạnh giường Bác

(PLO) -Đến thăm nhà sàn Bác Hồ, nhiều người biết đến chiếc đài nhãn hiệu Grundig, được Bác đặt trên chiếc bàn trong phòng ngủ ở nhà sàn và sử dụng từ năm 1960 đến khi Bác qua đời. Mỗi buổi tối, sau khi bớt công việc, Bác lại nằm nghe đài. Nhưng câu chuyện đằng sau chiếc đài không phải nhiều người biết. 
Bác Hồ đón đồng bào Việt kiều Thái Lan về nước trên chuyến tàu đầu tiên ở Hải Phòng

Trên trang thông tin của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết của Nguyễn Thị Thu (Phòng Sưu tầm, Kiểm kê) kể về chiếc đài Grundig ở nhà sàn – món quà kỷ niệm của Việt kiều Thái Lan tặng Bác Hồ.

Bài viết dẫn người đọc trở lại giai đoạn lịch sử trước Cách mạng tháng Tám 1945 thời gian mà người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài rất đông, đông đảo nhất là ở Campuchia và Lào, rồi đến Thái Lan. 

Cảm thông sâu sắc với những người con phải sống xa Tổ quốc

Phần đông kiều bào sang Thái Lan là nhân dân lao động bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, không còn cách sinh sống trong nước, đành phải đi làm ăn nương náu ở nước ngoài. Với bản chất là người lao động cần cù, lương thiện, Việt kiều ở Thái Lan đã gây được thiện cảm tốt với nhân dân Thái, góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Thái.

Theo thống kê của Ban đón tiếp Việt kiều, cho đến năm 1960, kiều bào Việt ở Thái Lan có khoảng 70.000 người. Họ sống thành từng làng ven Thủ đô Băng Cốc và vùng ven các thành phố khác. Sống xa Tổ quốc nhưng lòng kiều bào luôn hướng về quê hương, có tinh thần cưu mang, giúp đỡ và bảo vệ nhiều nhà hoạt động cách mạng.

Những năm 1928-1929 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động bí mật ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín, Người đã được đồng bào Thái Lan và kiều bào che chở, bảo vệ. Người đã mở những lớp học nhỏ nhằm tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước cho kiều bào và đưa một số thiếu niên Việt kiều ở Thái Lan sang Trung Quốc bồi dưỡng.

Từ đầu năm 1959, Chính phủ Thái Lan bắt đầu khủng bố tàn ác kiều bào. Kiều bào bị dồn về ở một số tỉnh miền Nam Thái Lan và Chính phủ Thái Lan có ý định trao đổi số kiều bào này cho chính quyền Diệm. Kiều bào đã đoàn kết một lòng kiên quyết chống lại những hành động khủng bố của chính phủ Thái Lan và đòi hồi hương về miền Bắc Việt Nam.

Đảng, Chính phủ Việt Nam dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Từ ngày 5/1/1959 Chính phủ Việt Nam đã tích cực đấu tranh bằng con đường ngoại giao. Cuối cùng, ngày 20/6/1959 Hiệp định hồi hương cho Việt kiều đã được ký kết. Theo Hiệp định này Việt kiều ở Thái Lan bắt đầu hồi hương vào đầu năm 1960. Lúc đó ở Việt Nam, Ban đón tiếp Việt kiều cũng được thành lập. 

Sáng ngày 10/1/1960, đúng 8h30 chiếc tàu trở 922 kiều bào ở Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đã cập cảng Hải Phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí trong trung ương và Chính phủ Việt Nam đã xuống tận Hải Phòng đón kiều bào. Tại đây Người đã nói chuyện thân mật với kiều bào cùng 4 vạn đồng bào Hải Phòng có mặt trong buổi đón.

Trong thời gian này Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” với bút danh V.K đăng báo Nhân dân, số ra ngày 8/1/1960 để ca ngợi lòng yêu nước của kiều bào và nhắc lại những kỷ niệm trong những ngày hoạt động của Người tại Thái Lan.

Chiếc đài kiều bào Thái Lan tặng Bác Hồ

Chiếc đài đã theo Bác cho đến tận hơi thở cuối cùng

Kiều bào ở Thái Lan vô cùng cảm động và biết ơn sâu sắc đối với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện cho kiều bào được trở về Tổ quốc, được đón tiếp nồng nhiệt và tạo mọi điều kiện để làm ăn sinh sống. Vì vậy, kiều bào đã tự nguyện đóng góp nhiều tiền, của để xây dựng đất nước. Đặc biệt với tình cảm đặc biệt kính yêu vô hạn dành cho Bác Hồ, kiều bào Thái Lan đã gửi nhiều tặng phẩm kính biếu Người, trong đó có chiếc đài Grundig.

Trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu một phiếu gửi của Ban Việt kiều Trung ương gửi Văn phòng Phủ Chủ tịch. Trong phiếu có ghi chiếc “đài Radio dùng đèn điện tử nhãn hiệu Grundig của đám cưới anh Liên, chị Đức Việt kiều Thái Lan kính biếu Bác Hồ do bà Then về chuyến thứ tám mang về”. Phiếu gửi về đề ngày 7/6/1960, có đóng dấu của Ban Việt kiều Trung ương và có chữ ký xác nhận của ông Trần Văn Vượng, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, đã nhận tặng phẩm trên. 

Như vậy có thể khẳng định chiếc đài xuất hiện tại nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 6/1960. Từ ngày đó, chiếc đài được Người đặt trên bàn làm việc cạnh giường trong phòng ngủ ở tầng hai nhà sàn. Hàng ngày qua chiếc đài này, Người nghe tin tức thời sự trong nước, quốc tế.  

Trong những mẩu chuyện của Marơlen Riphô, nữ nhà báo Pháp là người được Bác Hồ tiếp thân mật tại nhà sàn đã xúc động kể về việc nghe đài của Bác: “… Người ngủ ít, Người thích trong đêm khuya nghe đài phát thanh của toàn thế giới. Thư ký nhắc Người đi nghỉ, Người trả lời: “Để Bác nghe tiếng nói của những con người”.

Cũng theo tác giả Nguyễn Thị Thu, ngày 17/5/2005, trong quá trình đi xác minh hiện vật, cán bộ Bảo tàng đã gặp ông Phạm Đỉnh nguyên bảo vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được nghe kể lại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh hoạt rất đúng giờ giấc. Người thường dậy đúng buổi phát thanh lúc 5 giờ sáng của Đài tiếng nói Việt Nam… 23 giờ Người mới đi nằm. Lúc đó Người bật đài để nghe tin tức… Nhiều hôm đã rất khuya chúng tôi vẫn nghe thấy đài nói trong phòng ngủ của Bác”.

Trong quá trình Bác Hồ sử dụng đài, có một lần chiếc đài được đem đi sửa vào tháng 7/1968, có thay một số linh kiện. Hiện trong hồ sơ khoa học vẫn lưu bản thuyết minh sửa chữa đài của ông Trần Đức Thư, công tác tại xưởng sửa chữa vô tuyến điện thuộc Sở Bưu điện Hà Nội, người được giao nhiệm vụ sửa chữa đài theo yêu cầu của cơ quan. Bên lề bản thuyết minh này còn có ý kiến của ông Cù Văn Chước lúc đó là Trưởng phòng Hành chính quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch: “Đề nghị lưu vào hồ sơ nhà AK2” (tức hồ sơ nhà sàn).

Ngày 18/12/1970, ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chiếc đài đã được vào sổ kiểm kê tài sản, đánh số kiểm kê BTHCM 962/KL - 26 và đã có hồ sơ khoa học. Như vậy chiếc đài là một vật chứng lịch sử, vật biểu trưng cho tình cảm sâu nặng của kiều bào ta ở Thái Lan dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn bó với quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại nhà sàn từ tháng 6/1960. Nó là một trong những phương tiện giúp Người theo dõi tin tức để kịp thời chỉ đạo công cuộc cách mạng trong cả nước. 

Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để giữ gìn lâu dài những di vật gốc có liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc đài này cùng với các hiện vật khác đã được đưa vào bảo quản trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh như một bằng chứng cho thấy khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến kiều bào và đặc biệt là kiều bào Thái Lan.

Người cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của những người con phải sống xa Tổ quốc. Kỷ vật thiêng liêng kiều bào Thái Lan tặng Người được Người trân trọng sử dụng, gìn giữ trong suốt một khoảng thời gian dài cho tới ngày đi xa.

Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch

Thay vào vị trí vốn có của chiếc đài Grudig kiều bào tặng là chiếc đài làm lại khoa học chính xác để phục vụ công tác trưng bày tuyên truyền phát huy tác dụng giáo dục Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và góp phần để khách tham quan trong và ngoài nước hiểu được tình cảm của nhân dân Thái Lan của kiều bào nói chung và kiều bào Thái Lan nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đọc thêm