Những lệnh cấm “nửa vời”
Hút thuốc lá là nguyên nhân khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong và mắc các bệnh nghiêm trọng về phổi và tim mạch. Chính vì vậy, rất nhiều quốc gia đã có những biện pháp cấm và hạn chế hút thuốc lá nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng.
Ở Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá và nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất thế giới. Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 thì có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên: Bệnh viện, trạm y tế; Trường học; Nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Đồng thời, Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc trên máy bay, ô tô, tàu điện. Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm nêu trên bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng. Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với người bỏ mẩu, tàu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Riêng hút thuốc lá trên máy bay, bao gồm cả thuốc lá điện tử sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Bên cạnh đó, luật cũng cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng và mua bán thuốc lá.
Dù áp đặt lệnh cấm nhưng nhiều nơi khói thuốc vẫn tồn tại |
Singapore đã ra lệnh cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng như xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm mua sắm từ những năm 1970. Một thời gian sau luật cấm này đã được mở rộng hơn tới các địa điểm giải trí như quán bar, nhà hàng... và chủ những địa điểm này phải có trách nhiệm đối với việc không hút thuốc lá của khách hàng.
Ấn Độ là quốc gia có hơn 1 triệu người chết mỗi năm vì hút thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá tại đất nước này chiếm tới 12% số người hút thuốc lá trên thế giới. Chính vì vậy việc tuyên truyền không hút thuốc lá rất được quan tâm đẩy mạnh, ngoài ra việc cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng được ban hành rất khắt khe. Ngoài ra, quốc gia này còn ra lệnh cấm tất cả các cảnh hút thuốc lá, quảng cáo thuốc lá trên các bộ phim, chương trình truyền hình...
Úc là một trong số các quốc gia có lệnh cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới. Hầu như mọi bang và vùng lãnh thổ của Úc đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong xe khi có trẻ em, nơi công cộng và nhà hàng cũng bị cấm. Một số hội đồng địa phương cũng ban hành lệnh cấm hút thuốc trên các bãi biển và sân thể thao với số tiền phạt lớn
Pháp - quốc gia châu Âu từng “khét tiếng” với nạn hút thuốc lá tràn lan, cũng đã đưa ra những quy định khắt khe hơn nhằm hạn chế tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá từ 1/3 hiện nay xuống còn 1/5 vào năm 2024. Cũng trong năm 2016, Pháp đã quyết định đánh thuế rất nặng nhằm vào các tập đoàn sản xuất thuốc lá và đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng...
Tất cả các quốc gia trên đều có quy định và lệnh cấm đối với việc sử dụng và buôn bán thuốc lá. Thế nhưng chưa có quốc gia nào áp dụng triệt để việc cấm hoàn toàn và cũng chưa có công dân nào thực hiện đúng 100% quy định và lệnh cấm mà các chính phủ ban hành.
Không chỉ vậy, hút thuốc là vấn đề cá nhân của một người và việc can thiệp vào đời sống cá nhân của một người luôn luôn khó khăn. Tiếp đó, ngành công nghiệp “khói thuốc” có thể mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ và khả năng đem lại một khối lượng công việc lớn cho người dân. Do vậy, cấm người dân hút thuốc và buôn bán thuốc lá là điều gần như “không thể làm được”.
Thực hiện được điều “không tưởng”
Nhưng Bhutan là quốc gia làm được “điều không tưởng” này. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới nói không với khói thuốc. Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao Bhutan lại có thể quản lý được lệnh cấm hút thuốc trên toàn quốc? Và tại sao hầu hết người dân đều tuân thủ luật lệ mà chính phủ này đề ra?
Bhutan là nơi đầu tiên khói thuốc lá không được phép tồn tại |
Bhutan đã nổi tiếng là quốc gia mạnh tay với việc kiểm soát thuốc lá. Vào năm 1729, Bhutan là một trong những nước đầu tiên ra quy định liên quan đến thuốc lá khi thủ lĩnh tối cao của nước này Shabdrung Ngawang Namgyal thông qua một bộ luật phòng chống việc sử dụng thuốc lá. Tiếp đó, đến những năm 90 của thế kỷ trước, phần lớn trong tổng số 20 đơn vị hành chính trên toàn Bhutan tuyên bố trở thành những “khu vực cấm thuốc lá hoàn toàn”.
Vào năm 2004, Bộ Thương mại và Công nghiệp Bhutan đã gửi thông báo đến các cửa hàng, khách sạn, nhà hàng và quán rượu tại thủ đô Thimpu cũng như đăng tải trên mạng về việc cấm bán thuốc lá. Và bắt đầu từ tháng 7/2004, Quốc Hội Bhutan đã thông qua một điều luật cấm bán thuốc lá trên toàn quốc và đưa ra sắc thuế 100% đối với các gói thuốc lá nhập khẩu cho tiêu thụ cá nhân. Kể từ ngày 17/12/2004, việc hút thuốc lá tại công cộng hoặc bán thuốc lá là hành vi bất hợp pháp. Người vi phạm bị phạt tiền 232 USD (5,3 triệu), trong khi đó, mức thu nhập bình quân hàng tháng của một người dân Bhutan chỉ là 16 USD.
Tại Bhutan, nếu nhập khẩu thuốc lá sẽ bị đánh thuế 100%. Nếu vì một lí do nào đó mà bạn bị bắt khi kinh doanh thuốc lá, bạn sẽ có thể bị khép tội buôn lậu và bị ngồi tù. Đối với người nước ngoài, họ vẫn có thể hút thuốc và nhập khẩu thuốc lá, nhưng nếu có hành vi mua bán họ sẽ bị buộc tội buôn lậu. Về lý thuyết, người dân Bhutan được phép hút thuốc trong nhà riêng và thậm chí có thể tích trữ một lượng nhỏ để “sử dụng cá nhân”, thế nhưng để có đc một số lượng nhỏ này, người dân phải trả tới 200% thuế hải quan và thuế VAT. Cũng chình vì thế, việc người dân sở hữu thuốc lá là rất khó.
Hút thuốc, nhai thuốc, mang theo thuốc lá... đều có thể bị phạt |
Không dừng tại đó, đến năm 2010, Chính phủ Bhutan thông qua Luật Kiểm soát Thuốc lá, theo đó, tội hút hoặc nhai thuốc lá sẽ trở thành tội không được nộp tiền tại ngoại. Các đối tượng vi phạm có thể bị phạt 3 năm tù. Một năm sau khi luật ra đời, hơn 800 người đã bị phạt và gần một nửa trong số này phải ngồi tù. Người ngồi tù đầu tiên là Sonam Tshering, một nhà sư, bị bắt khi mang theo 180 gram thuốc lá nhai có giá chỉ 120 Ngultrum (khoảng 2,25 USD).
Tuy nhiên do bị phản đối, nên đến tháng 1/2012, Quốc hội Bhutan đã thông qua Luật Kiểm soát Thuốc lá (sửa đổi) và có phần nhẹ nhàng hơn, trong đó tăng lượng thuốc lá mà một người có thể mua từ nước ngoài về sử dụng. Theo đó, một người được phép mua 300 điếu thuốc lá, 50 điếu xì gà hay 250 gram các sản phẩm từ thuốc lá từ nước ngoài. Tuy nhiên, họ phải trình ra được hóa đơn mua hàng nếu không muốn phải đối mặt với những án phạt rất nặng. Việc này nhằm ngăn chặn nạn nhập lậu thuốc lá vào đất nước.
Các quan chức Bhutan nói rằng, bằng cách cấm thuốc lá, họ hy vọng sẽ thiết lập một kiểu mẫu cho phần còn lại của thế giới. Như vậy, một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết, Bhutan đánh dấu khả năng kiểm soát vấn nạn tiêu cực này từ hành vi cá nhân...