Bệnh viện Thể thao Việt Nam phản hồi chưa thuyết phục

(PLO) - Báo PLVN số ra ngày 15/7/2016 và 7/9/2016 có bài phản ánh tố cáo của công dân và việc chi tiêu thiếu minh bạch của Bệnh viện Thể thao Việt Nam (BVTT). Về những thông tin mà Báo PLVN phản ánh, nội dung phản hồi của lãnh đạo bệnh viện này vẫn chưa thuyết phục được dư luận.
Bệnh viện Thể thao Việt Nam chưa có câu trả lời thỏa đáng về những vi phạm tại đây
Bệnh viện Thể thao Việt Nam chưa có câu trả lời thỏa đáng về những vi phạm tại đây

Liên quan đến những nội dung đã phản ánh, Báo PLVN chưa nhận được đầy đủ phản hồi về kết quả giải quyết nên ngày 13/3/2017 đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đề nghị chỉ đạo xác minh, làm rõ những vấn đề báo nêu để có cơ sở trả lời bạn đọc. 

Thay vì những chỉ đạo sát sao để vụ việc được giải quyết triệt để, Bộ VHTT&DL lại chuyển công văn của Báo PLVN đến Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), và rồi đơn vị này lại chuyển đến BVTT để trả lời Báo với những nội dung khá sơ sài, không tập trung vào những vấn đề chính mà Báo phản ánh.

Công văn Báo PLVN gửi lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị chỉ đạo xem xét, giải quyết nhưng Bộ này lại để chính BVTT tự xem xét, trả lời thì liệu những vấn đề Báo nêu có được trả lời thỏa đáng?

Như Báo PLVN đã phản ánh, ông Nhâm Sỹ Trọng (62 tuổi, ngụ xóm Tân Thành, xã Yên Lạc, Yên Thủy, Hòa Bình) tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc da cam dioxin và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh. Nhưng khi ông Trọng đến BVTT điều trị từ ngày 12/5/2014 đến ngày 28/5/2014, BVTT vẫn tạm thu của ông này hơn 23 triệu đồng và hướng dẫn ông về bảo hiểm xã hội địa phương nhận lại tiền. 

Khi ông Trọng về quê thì được biết là bảo hiểm xã hội địa phương không có trách nhiệm chi trả. Vì vậy, ông Trọng tố cáo, “việc BVTT thu tiền rồi không trả lại là sai quy định” và “lãnh đạo BVTT có dấu hiệu làm giả hồ sơ để chiếm đoạt một phần số tiền này”.

“Ra viện ngày 28/5/2014 và về Hòa Bình nhưng trong “Bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú” của BVTT lại ghi ngày 31/5/2014, phía dưới có chữ ký của tôi. Họ đã giả mạo chữ ký của tôi, làm hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền vì khi đó tôi làm gì có mặt ở Hà Nội mà ký”- ông Trọng tố cáo. 

Báo PLVN cũng phản ánh việc chi tiêu thiếu minh bạch ở BVTT: năm 2015, Tổng cục TDTT ra thông báo xét duyệt quyết toán ngân sách năm 2013 nêu rõ, BVTT có danh mục tài sản cố định nhưng nhiều tài sản lại không đủ tiêu chuẩn này. Ngoài ra, thời gian tính hao mòn tài sản cố định chưa phù hợp với nhà cửa, máy móc thiết bị y tế, máy móc thiết bị văn phòng như theo quy định.

Bệnh viện có trường hợp mua máy móc thiết bị về sử dụng từ lâu nhưng chưa thực hiện quyết toán, tổng số tiền gần 25,6 tỷ đồng (số liệu theo thông báo ngày 26/3/2015 của Tổng cục TDTT). Đó là Dự án mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn 2008 – 2010; Dự án mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin; Gói thầu số 1, số 2 mua thiết bị y tế; Gói thầu dịch cúm.

BVTT cũng chi số tiền lớn ngân sách Nhà nước không đúng nguyên tắc, như tiền thanh toán mua vật tư tiêu hao với Công ty BMS năm 2013 là hơn 8,2 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình thanh toán, chỉ chuyển khoản hơn 533 triệu, số còn lại hơn 7 tỷ đồng chi bằng tiền mặt. Hàng trăm triệu đồng từ những khoản thanh toán khác cũng được bệnh viện này trả bằng tiền mặt là sai nguyên tắc tài chính.

Những chi tiêu sai nguyên tắc trên của BVTT đã được khắc phục thế nào? Những cá nhân liên quan bị xử lí ra sao là những nội dung được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, BVTT chỉ phản hồi chung chung là “cơ bản Bệnh viện đã sử dụng có hiệu quả kinh phí, tài sản Nhà nước, sử dụng hết kinh phí được giao…”.

Dư luận vẫn đang chờ câu trả lời thỏa đáng về kết quả xử lý những vụ việc xảy ra ở BVTT từ lãnh đạo Bộ VHTT&DL và Tổng cục TDTT.  

Đọc thêm