Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng: Cố ý làm trái, bao che khi xử lý vi phạm?

(PLO) - Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này. 
Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng: Cố ý làm trái, bao che khi xử lý vi phạm?

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm được dư luận chú ý, nhưng chỉ được xử lý hành chính để xem xét lại, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang CQĐT để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, nhiều người dân vô cùng bức xúc vì đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng không bị xử lý. 

Trước đó, ngày 19/08/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm, phát hiện Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Toàn Thu (thôn 8, xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bày bán 6.000kg phân bón vô cơ đa lượng bón rễ NPK + TE 20 – 20 – 15 giá trị 57.600.000đ do Cty Công ty TNHH MTV TM- DV Sen Vàng (Cty Sen Vàng) sản xuất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu, kết quả kiểm nghiệm đều là hàng giả. 

Nhưng điều mà nhiều người dân đã mua phải hàng giả ở đây bức xúc vì với hành vi buôn bán hàng giả của ông Nguyễn Văn Toàn và Cửa hàng Vật tư Nông nghiệp Toàn Thu đủ yếu tố để Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Lâm Đồng chuyển hồ sơ, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không hiểu sao Chi cục QLTT Lâm Đồng chỉ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) 60 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 6.000kg phân bón giả. Trong khi đó, Điều 12 của Luật Xử lý VPHC nêu rất rõ “Nghiêm cấm giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý hành chính”. Vậy nhưng  Chi cục QLTT Lâm Đồng vẫn cố tình không chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ hành vi buôn bán hàng giả của ông Nguyễn Văn Toàn cũng như của Cty Sen Vàng?

Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng đã cố tình bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Toàn và doanh nghiệp, đồng thời Chi cục QLTT Lâm Đồng đã lợi dụng quyền hạn cố ý làm trái quy định trong xử lý VPHC.

Trước đó, Chi cục QLTT Lâm Đồng còn có biểu hiện bao che cho sai phạm của doanh nghiệp buôn bán, sản xuất phân bón kém chất lượng và bao che cho cấp dưới tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể, ngày 13/10/2014, Đội QLTT Cơ Động – Chi cục QLTT Lâm Đồng do ông Đặng Quốc Khánh, Phó Đội trưởng làm Trưởng đoàn phối hợp cùng công an và Sở NN&PTNN Lâm Đồng tiến hành kiểm tra Cửa hàng Hiếu Hải và nhà kho (thôn 6, Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng) đối với phân SA GANA 21 – 0 – 0 – 24S (SA GANA) do Cty Hoàng Long Vina (Nhà máy phân bón AGRILONG, Lô B3, B4 Khu CN Hoà Hiệp, tỉnh Phú Yên) sản xuất có số lượng tại cửa hàng là 1.250kg; phân NPC + Lưu huỳnh + Kẽm + BO + TE (NPK) do Cty Cổ phần sản xuất phân bón Thiên Phú Nông (Lầu 2, Toà nhà 63B, đường Caimette, phường Nguyễn Thái Bình, TP HCM) sản xuất có 1.100kg. Tiến hành lấy mẫu 2 loại phân bón trên và đưa đi kiểm định, kết quả đều không đạt chất lượng như công bố. 

Khi tiến hành niêm phong 2 loại phân bón trên thì chủ Cửa hàng Hiếu Hải cho biết đã dùng hết số phân bón NPK cho vườn nhà, còn đại diện Cty Hoàng Long Vina thì yêu cầu được kiểm định lần 2 đối với phân SA GANA. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì khi kiểm định lần 2 thì Đội QLTT - Cơ động lại cho kiểm định mẫu phân bón NPK 21-0-0-24S cũng của Cty Hoàng Long Vina sản xuất để rồi cho ra kết quả kiểm định chất lượng như công bố? Như vậy, Đội QLTT - Cơ động chấp nhận lấy kết quả kiểm định phân bón NPK 21-0-0-24S để hợp thức hoá cho chất lượng phân SA GANA đã kiểm tra lần 1 trước đó không đạt nên đã ra quyết định xử phạt công ty này 3 triệu đồng về nhãn mác hàng hoá. 

Đọc thêm