Huyện bảo đúng xã vẫn 'tuýt còi'

(PLO) -UBND huyện Mỹ Đức xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp đúng trình tự, thủ tục quy định, người dân có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích nhưng UBND Thị trấn Đại Nghĩa lại “tuýt còi” đình chỉ xây dựng. 
Huyện bảo đúng xã vẫn 'tuýt còi'

Tranh chấp một đằng – đình chỉ một nẻo?

Anh Phạm Đức Bính, trú tại Tổ dân phố Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội trình bày, thửa đất anh đang thi công xây dựng là thửa đất thứ 2 mà bà Nguyễn Thị Vuốt thừa kế lại cho ông Phạm Văn Nùng (cha đẻ của anh Bính).

Thửa đất đứng tên bà Nguyễn Thị Phúc (mẹ anh Bính) với diện tích 227m2, tờ bản đồ số 07, số thửa 81 và đã được cấp GCNQSDĐ ngày 28/1/2002. Ngoài việc chia đất cho ông Nùng, cụ Vuốt cũng viết chúc thư thừa kế đất đai cho các người con khác như bà Phạm Thị Kìa, ông Phạm Đức Hòa...

Vậy nhưng, vào tháng 3/2016, gia đình anh Bính khởi công xây dựng nhà tại thửa đất trên thì có một số cán bộ của thị trấn Đại Nghĩa đến và yêu cầu dừng thi công công trình với lý do: ông Hòa và bà Kìa có đơn thư khiếu nại, tranh chấp đất. 

Theo đơn gửi UBND thị trấn Đại Nghĩa, ông Hòa (chú ruột anh Bính) cho rằng bà Phúc trong quá trình phân chia đất theo chúc thư của cụ Vuốt đã tự ý lấn phần đất của bà Kìa và một phần ngõ đi của ông Hòa. 

Trong thông báo tạm dừng công trình xây dựng, UBND thị trấn Đại Nghĩa nêu rõ 3 lý do như sau: 1, Thửa đất đang có đơn thư kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm; 2, Gia đình xây dựng chưa có đơn xin xây dựng và bàn giao mốc giới; 3,UBDN thị trấn đã cử Tổ công tác xuống thực địa tiến hành lập biên bản yêu cầu tạm dừng việc xây dựng nhưng gia đình không hợp tác.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thửa đất có liên quan tới việc khiếu nại của ông Hòa và bà Kìa là thửa đất số 1 mà cụ Vuốt chia cho ông Nùng – bố của anh Bính sinh sống và lấy chỗ hương hỏa cho dòng tộc, không hề liên quan tới thửa đất số 2 mà anh Bính đang thực hiện xây dựng nhà ở. Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa hiện tại chưa áp dụng việc xin giấy phép xây dựng công trình như trong lý do nêu trên.

Như vậy việc UBND thị trấn Đại Nghĩa đình chỉ xây dựng với hộ gia đình anh Bính có thực sự thỏa đáng? Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh việc có hay không việc chính quyền đang cố tình làm khó người dân?

Chính quyền bất nhất

Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới UBND huyện Mỹ Đức, ngày 13/10/2016, anh Bính nhận được văn bản trả lời số 1232 của UBND huyện Mỹ Đức do Phó chủ tịch UBND huyện ông Đặng Văn Triều ký.

Theo đó, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức đã kiểm tra, xác minh nội dung đơn thư của anh Bính đồng thời khẳng định: “GCNQSDĐ đứng tên chủ Hộ Nguyễn Thị Phúc được UBND huyện Mỹ Đức cấp là đúng theo trình tự thủ tục theo quy định tại Khoản 1 điều 2 Luật Đất đai năm 1993.

Đồng thời yêu cầu UBND thị trấn Đại Nghĩa hướng dẫn gia đình bà Phúc sử dụng đất đúng mục đích và không làm ảnh hưởng đến người sử dụng đất liền kề, bảo đảm đúng quy định của pháp luật”.

Sau khi nhận được văn bản trả lời số 1232 của UBND huyện Mỹ Đức anh Bính có làm thủ tục xin bàn giao mốc giới và đơn xin xây dựng thì không được UBND thị trấn Đại Nghĩa nhận đơn và cũng không hướng dẫn anh Bính làm thủ tục theo đúng văn bản của UBND huyện.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thiềng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa lại cho biết: “Tôi khẳng định GCNQSDĐ của bà Nguyễn Thị Phúc được cấp là hoàn toàn sai quy trình và đang có tranh chấp nên chúng tôi đã cho tạm dừng thi công xây dựng. Còn về văn bản trả lời số 1232 của UBND huyện Mỹ Đức tôi không rõ anh Ninh chủ tịch đã nhận được chưa nhưng tôi chưa hề nhận được (?!).”

Thiệt hại và mong mỏi xây nhà

Chia sẻ với phóng viên, anh Bính cho biết anh và vợ đã có 2 mặt con nhưng vẫn đang ở cùng mẹ nên nhu cầu nhà ở là rất cần thiết, sau nhiều năm làm ăn anh có dành dụm được chút tiền để xây nhà nhưng vấp phải sự can thiệp của chính quyền khiến gia đình anh điêu đứng, thiệt hại không ít tài sản.

Theo quan sát của phóng viên, trên thửa đất số 02 mà anh Bính định xây dựng nhà thì vật liệu vẫn còn ngổn ngang, gạch đỏ, cọc bê tông xếp trên đất mà chưa biết khi nào được đem ra sử dụng. Khi được hỏi về số vật liệu này thì anh Bính cho biết đã bán rẻ bớt phần nào số vật liệu xây dựng như cát, xi măng, sắt thép còn gạch, cọc bê tông không ai mua nên đành phơi mưa nắng.

“Nhà tôi hiện 4 người phải ở trong hàng quán photo ngoài đầu đường, ngoài diện tích bán hàng thì cả nhà tôi chỉ sinh hoạt trong căn phòng rộng chưa tới 15m2. Bao năm làm ăn tích cóp được chút tiền mong xây được căn nhà để ở trên chính đất ông cha để lại mà lại khó khăn như thế này, thực tình tôi không biết phải làm sao”, anh Bính chia sẻ.

Để giải đáp những khúc mắc trên, phóng viên đã tìm gặp đại diện UBND huyện Mỹ Đức để làm rõ vụ việc nhưng sau 2 lần đặt lịch vào các ngày 23 và 26/12 vừa qua nhưng chưa gặp được các lãnh đạo huyện Mỹ Đức. Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc.

Đọc thêm