Nhà máy Sản xuất nước khoáng Thanh Thủy (Phú Thọ): Điêu đứng vì đối tác “hai mặt”?

(PLO) - Nếu đúng “kịch bản”, Nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai Thanh Thủy đã phải đi vào hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương cũng như nguồn thu ngân sách cho địa phương thay vì phải “trùm mền” như hiện nay.  
Hàng làm ra không xuất bán được vì Cty Sông Thao khóa cổng, phong tỏa nhà máy
Hàng làm ra không xuất bán được vì Cty Sông Thao khóa cổng, phong tỏa nhà máy
Dự án “thoi thóp” 
Đáng nói, khu Nhà máy đã được đầu tư xây dựng, dây chuyền đã lắp đặt xong xuôi nhưng lý do không thể hoạt động không phải từ lệnh cấm nào đó từ cơ quan quản lý nhà nước mà xuất phát từ sự “quay lưng” của một trong những đối tác chính của dự án này.
Trước đó, dự án trên được hình thành từ bản thỏa thuận hợp tác của 3 cổ đông: Cty TNHH Sông Thao (Cty Sông Thao) góp vốn bằng một phần diện tích khu đất thuê tại khu D, xã La Phù, huyện Thanh Thủy rộng 10.455m2 và quyền khai thác 50% nước khoáng theo giấy phép được Bộ TN&MT cấp trị giá 3, 467 tỷ đồng; ông Nguyễn Xuân Tiền góp vốn bằng tiền mặt 3,467 tỷ đồng và ông Đặng Đức Truyền góp vốn bằng công nghệ xử lý nước khoáng và công nghệ sản xuất nước khoáng đóng chai thương phẩm trị giá 1,733 tỷ đồng. 
Theo thỏa thuận được lập vào ngày 25/5/2010 thì sau tối đa 12 tháng kể từ ngày Cty CP Nước khoáng Thanh Thủy (Cty Thanh Thủy) được thành lập, Cty Sông Thao phải tiến hành các thủ tục pháp lý để Cty Thanh Thủy được trực tiếp thuê diện tích đất có tài sản góp vốn nói trên với UBND tỉnh Phú Thọ. 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tiền, kể từ khi được Sở KH&ĐT Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho tới nay, Cty Sông Thao không tiến hành bất kỳ thủ tục pháp lý nào như thỏa thuận, trong khi số vốn các cổ đông góp đã được xây dựng nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất. 
Sự việc căng thẳng hơn khi Cty Sông Thao còn tự ý cắt điện, nước, cấm không cho xuất hàng ra khỏi nhà máy; thậm chí mới nhất, phía công ty này còn dùng dây cáp khóa cổng chính để ngăn các phương tiện đi lại khiến cho hoạt động của nhà máy bị cản trở nghiêm trọng. 
“Trước những việc làm vi phạm có tổ chức của Cty Sông Thao khiến cho hoạt động kinh doanh bị đình trệ, công nhân mất việc làm gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông còn lại. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm”- cổ đông Tiền bức xúc.
Lãng phí đất? 
Theo Sở KH&ĐT Phú Thọ, việc Cty Thanh Thủy đề nghị được trực tiếp thuê 10.455m2 do Cty Sông Thao thỏa thuận góp vốn (nằm trong diện tích đất UBND tỉnh đã giao cho Cty Sông Thao thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng La Phù) chỉ được thực hiện khi Cty Sông Thao hoàn thành các thủ tục về đất đai và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
Theo cách mà Sở KH&ĐT tỉnh này nói thì dự án trên có nguy cơ đổ bể nếu Cty Sông Thao cố tình “trở mặt” không hợp tác và chính quyền địa phương thì chỉ có thể đứng ngoài cuộc(?!). Viễn cảnh đó còn tệ hại cho các đối tác còn lại khi khu nhà máy sản xuất nước khoáng đóng chai do Cty Thanh Thủy làm chủ dự án đã xây dựng hoàn thành công trình, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Cty Thanh Thủy, cũng như địa chỉ trụ sở doanh nghiệp cũng được đặt trên phần đất mà Cty Sông Thao trước đó đã thỏa thuận góp vốn vào cùng làm ăn.
Việc  đi ngược các thỏa thuận đã cam kết của Cty Sông Thao không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tác khác, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Phú Thọ mà còn cho thấy việc sử dụng đất của doanh nghiệp này trên thực tế là kém hiệu quả, thậm chí có biểu hiện không vì mục đích kinh doanh cần phải được xem xét lại.  
Trao đổi với PLVN xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho hay: Khi nhận được thông tin phản ánh của Cty Thanh Thủy, ông đã giao Công an huyện kiểm tra và được báo cáo là do mâu thuẫn giữa hai bên xuất phát từ hợp đồng kinh tế giữa các cổ đông nên chính quyền không can thiệp. “Nhưng tôi đã yêu cầu các ông cấm được đánh nhau, cấm được làm mất an ninh trật tự. Nếu các ông để xảy ra chuyện gì, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. ”- ông Sơn nói.  
Theo người đứng đầu chính quyền huyện Thanh Thủy, không chỉ phần đất Cty Sông Thao góp vốn làm nhà máy sản xuất nước đóng chai bị khiếu nại, khoảng 10ha mà hơn chục năm trước UBND tỉnh thu hồi của dân giao cho Cty Sông Thao thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng La Phù nhưng chưa sử dụng không hết cũng đang bị cử tri ở đây bức xúc, chất vấn rất gay gắt trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân. Theo ông Sơn, trong quá trình cấp đất có chồng lấn diện tích chưa giải tỏa, chưa bồi thường với dân. Trước những tồn tại này, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở TN&MT kiểm tra và xem xét thu hồi nếu cho thấy đất giao nhưng doanh nghiệp không sử dụng. 
Lãnh đạo huyện Thanh Thủy cũng cho rằng, vị trí đất mà Cty Sông Thao “cắt” ra để góp vốn xây dựng nhà máy nước khoáng với các cổ đông khác là khá đắc địa, nhưng do mâu thuẫn dẫn đến nhà máy dừng hoạt động nên lâu nay không đóng góp được gì cho ngân sách địa phương, rất lãng phí. 
Theo Chủ tịch Nguyễn Mạnh Sơn, trước mâu thuẫn nói trên các cổ đông nên tự thỏa thuận giải quyết với  nhau trên tinh thần tôn trọng những điều đã cam kết, nếu không thành thì cần phải có sự phán quyết của tòa. “Sau khi có kết quả giải quyết cuối cùng, nếu xét thấy việc sử dụng đất của Cty Sông Thao không mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất với tỉnh về hướng giải quyết đối với khu đất này.” - ông Sơn nói. 
Không góp được gì cho ngân sách 
“Lãnh đạo UBND huyện Thanh Thủy cũng cho rằng, vị trí đất mà Cty Sông Thao “cắt” ra để góp vốn xây dựng nhà máy nước khoáng với các cổ đông khác là khá đắc địa, nhưng do mâu thuẫn dẫn đến nhà máy dừng hoạt động nên lâu nay không đóng góp được gì cho ngân sách địa phương, rất lãng phí.”

Đọc thêm