Vòi “bạch tuộc” tín dụng đen “hút máu” người như thế nào? (Bài 1) Đường dây… “núp bóng” cơ sở mua bán xe máy cũ

(PLO) - Những năm gần đây, tín dụng đen đã vươn vòi khắp nơi, đến cả vùng thôn quê và để lại nhiều hệ lụy nhức nhối. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã phát lệnh tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen. Mở đầu chiến dịch, Công an huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã bóc gỡ một đường dây cho vay nặng lãi núp bóng cơ sở mua bán xe máy cũ.
 Cơ quan công an đang làm việc với đối tượng Võ Quốc Khánh
Cơ quan công an đang làm việc với đối tượng Võ Quốc Khánh

Tan cửa nát nhà vì tín dụng đen

Câu chuyện của chị Hà Thị Lệ (ngụ xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức, Quảng Nam) đã từng làm dư luận rùng mình về cái kết của tín dụng đen. Năm 2015, do thiếu tiền đáo hạn ngân hàng, chị Lệ vay nóng 10 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Tuyết Lê (ngụ xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) với cam kết 3 ngày sau trả với số tiền lãi là 100 nghìn đồng/ngày.

Sau khi đáo hạn xong, không được Ngân hàng cho vay tiếp nên chị Lệ mắc kẹt với số tiền nợ này. Để trả tiền cho bà Lê, chị Lệ phải vay của bà Đào Thị Hồng Phúc (ngụ xã Hiệp Thuận).

Đến hẹn phải trả tiền cho bà Phúc, cũng không có tiền nên chị Lệ lại vay của bà Nguyễn Thị Cơ (ngụ xã Hiệp Hòa) để trả cho bà Phúc... Cứ như thế, chị Lệ vay nóng của người này để trả cho người kia và sau 2 năm số tiền nợ lên đến hơn 3 tỷ đồng.

“Ban đầu, tôi vay 20 triệu, rồi 30 triệu, 50 triệu… Cứ thế số tiền vay tăng lên và tăng nhanh nhất vào khoảng tháng 7/2018, khi số tiền nợ lên chừng 200 triệu đồng thì tôi bắt đầu vay lớn, đồng nghĩa với việc trả lãi lớn.

Có lần vay 400 triệu đồng nhưng tôi chỉ nhận được chưa đến 300 triệu đồng…”, chị Lệ kể. Cũng theo chị Lệ, số nợ khổng lồ là do lãi mẹ đẻ lãi con, chứ tiền gốc không nhiều đến vậy. “Những lúc tôi trả tiền nợ, họ chỉ bảo là được rồi chứ không đưa giấy ghi nợ tôi đã để lại trước đó.

Nhưng về sau lại đưa ra cái giấy ghi nợ ấy bắt tôi phải trả tiền tiếp. Mỗi lần họ đưa giấy thì tôi lại phải đi vay để trả”, chị Lệ nói trong nước mắt.

Một người thân của chị Lệ chia sẻ, việc chị Lệ vay tín dụng đen gia đình không biết, đến khi giang hồ tìm tới nhà đòi chị Lệ ký vào giấy nợ thì gia đình mới hay. Vì không có tiền để trả nợ, có thời gian chị Lệ phải dẫn con cái vào TP.Hồ Chí Minh để trốn nợ. Thế nhưng, các đối tượng vẫn tìm vào tận nơi để đe dọa nên chị Lệ phải quay về nhà.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tươi (trú xã Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) với chúng tôi, do làm nhà và chữa bệnh cho con trai, năm 2017, bà vay nóng một số tiền của ông Hùng (phường An Sơn, Tam Kỳ, Quảng Nam).

Khi bà Tươi không trả được nợ, ông Hùng đã thuê xã hội đen đến nhà bà đập phá cửa, hăm dọa khiến bà phải bỏ trốn. Đến nay, gia đình bà Tươi đã phải bán nhà để trả nợ cho ông Hùng.

Cũng vì sa vào cá độ bóng đá, nhiều người ở TP. Tam Kỳ đã tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi với hy vọng sẽ gỡ được nợ ở kèo sau. Gỡ đâu không thấy, không ít người rơi vào thảm cảnh như bán nhà, mất việc làm, vợ chồng ly hôn, thậm chí phải sống cuộc đời chui lủi để tránh sự truy tìm của băng nhóm đòi nợ thuê. 

Quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi
 Quảng cáo cho vay tiền được dán khắp nơi

Không chỉ những người đi vay, cả một số kẻ cho vay cũng tan gia bại sản vì tín dụng đen. Những ngày gần đây, người dân khối phố 1, phường An Mỹ (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) xôn xao trước câu chuyện trớ trêu của bà Túc, vì cho vay nóng mà phải bán nhà. Theo đó, sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa, thấy nghề cho vay nặng lãi thu nhập cao, bà Túc đã bỏ nghề bán bánh bèo để chuyển sang nghề này.

Ngoài tiền nhàn rỗi, vì ham lãi, bà Túc đi “bốc nóng” của người này để cho người khác vay lại. Một ngày kia, các con nợ bỗng dưng biến mất, còn chủ nợ thì ráo riết đòi tiền khiến bà Túc phải bán cả ngôi nhà vừa được xây trên đất tái định cư ở khu dân cư Tứ Hiệp (Tam Kỳ) để trả nợ. 

Mở đợt cao điểm tấn công

Đại tá Nguyễn Viết Lợi-Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, bắt đầu ngày 16/12, lực lượng Công an toàn tỉnh sẽ tập trung cao độ mọi nguồn lực để thực hiện các phương án, kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT, bảo vệ an toàn Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và các sự kiện lớn của đất nước.

Đây cũng chính là đợt thực hiện các biện pháp truy quét tội phạm tín dụng đen, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cướp giật, trộm cắp… trước, trong và sau Tết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an các địa phương và các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra, truy quét tội phạm tín dụng đen. Mở đầu cho chiến dịch này, Công an huyện Núi Thành đã triệt phá một cơ sở cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Núi Thành phát hiện cơ sở kinh doanh Nam Hải (đóng tại xã Tam Nghĩa, Núi Thành) có nghi vấn cho vay nặng lãi. Đúng như nhận định của cơ quan công an, khi kiểm tra hành chính cơ sở Nam Hải, công an đã phát hiện các tài liệu thể hiện việc cho vay với mức lãi suất lên đến 15%/tháng. 

Theo kết quả điều tra ban đầu, đối tượng Võ Quốc Khánh (SN 1998, ngụ Hương Khê, Hà Tĩnh) thuê nhà ông Nguyễn Văn Lý (SN 1978, xã Tam Nghĩa) để sống và làm việc. Tại đây, Khánh cùng các đối tượng khác là Đặng Viết Huấn (SN 1994, cùng trú Hương Khê), Nguyễn Văn Dũng (SN 1993, Tiên Lãng, Hải Phòng) và Nguyễn Văn Cường (SN 1998, Hưng Nguyên, Hải Phòng) đã cho vay và thu tiền lãi, gốc hằng ngày.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan điều tra xác định cơ sở kinh doanh Nam Hải đã cho hơn 100 người dân ở Núi Thành, TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình (Quảng Nam) và nhiều địa phương khác vay với số tiền là 1 tỷ 261 triệu đồng. Người đến vay chỉ cần mang theo các loại giấy tờ tùy thân như CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh và viết giấy vay tiền là có thể được cho vay.

Trên thực tế, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng cho vay đều yêu cầu người vay ghi giấy mượn tiền không thể hiện lãi suất hoặc lập hợp đồng mua bán tài sản.

Bởi vì vậy, đây là quan hệ dân sự bình thường, tự nguyện giữa 2 bên và diễn ra âm thầm. Chỉ khi người vay không trả được nợ, các chủ nợ đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần thì nạn nhân mới báo cáo cơ quan chức năng.

Ngoài những người có hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn, làm ăn thua lỗ, phần lớn những người vay tín dụng đen để sử dụng vào cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá... Đây cũng chính là lý do khiến tín dụng đen còn đất sống.

Được biết, cứ đến những tháng gần Tết hoặc mùa bóng đá, các cơ sở cho vay nặng lãi chuẩn bị hàng chục tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao. Nhu cầu vay tăng cao thì lãi suất cũng tăng. Với vay không có tài sản thế chấp, những tháng cuối năm lãi suất có thể bị đẩy lên tới 10.000 đồng/triệu/ngày, khiến người vay khó thoát khỏi thảm cảnh. 

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh chia sẻ: “Vì một cái Tết bình yên cho người dân trên quê hương Quảng Nam, Công an tỉnh sẽ tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm.

Những kết quả đạt được trong đợt cao điểm cũng sẽ tạo nền tảng để triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự năm 2019, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an tỉnh và là tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong chương trình công tác năm 2019 của ngành”.

Sáng 13/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trình bày Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018 trước Quốc hội cho biết: Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... tại nhiều địa phương. 

Đọc thêm