Vụ 30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên: Nhiều vấn đề cần làm rõ

(PLO) - Dự kiến ngày 12/5 tới đây, TAND TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là ông Lâm Thành Dũng (số 141 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên) và bị đơn là bà Chu Thị Cúc (số 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên).
Suốt 30 năm qua, ông Dũng đi đòi lại phần diện tích đất tại số 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên
Suốt 30 năm qua, ông Dũng đi đòi lại phần diện tích đất tại số 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên

Trước đó, TAND TP Hưng Yên đã mở phiên tòa vào ngày 27/4/2017. Tuy nhiên, HĐXX đã quyết định tạm hoãn do chấp nhận đề nghị của Luật sư (LS) Lê Trung Sơn (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng) về việc đề nghị HĐXX đưa UBND TP Hưng Yên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Vì sao UBND TP Hưng Yên bị “kéo” vào cuộc?

Báo cáo số 345/UBND-Ttr ngày 23/7/2009 của Đoàn thanh tra UBND thị xã Hưng Yên) khẳng định: “Theo tài liệu năm 1963 do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố quản lý: diện tích đất ông Dũng đang tranh chấp với bà Cúc tại thôn An Vũ, xã Hiến Nam, huyện Kim Động (nay là số nhà 139 đường Điện Biên, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên) thì diện tích đất ở của gia đình ông Dũng thuộc thửa đất số 92, tờ bản đồ số 16 có diện tích 252m2, loại đất ao cá và thuộc thửa số 93, tờ bản đồ số 16 có diện tích 196m2, loại đất rau mang tên ông Dũng; bà Chu Thị Cúc không có tên trong sổ mục kê năm 1963”.

Báo cáo kết quả kiểm tra xác minh số 70/BC-TCT ngày 27/11/2015 của Phòng TNMT TP Hưng Yên một lần nữa khẳng định: “Theo sổ mục kê và bản đồ lập năm 1963, thể hiện tại thửa số 92, tờ bản đồ số 16, diện tích 252m2, loại đất ao cá (vị trí hiện tại hộ bà Cúc đang sử dụng tại số nhà 139 đường Điện Biên); thửa số 93, tờ bản đồ số 16, diện tích 196m2, loại đất rau (vị trí hiện tại ông Dũng đang sử dụng tại số nhà 141 đường Điện Biên) đều mang tên chủ sử dụng là ông Lâm Thành Dũng”. 

Trong khi đó, các lời khai của bà Cúc tại hồ sơ vụ án đều cho rằng, đất này là do Nhà nước cấp cho bà vào thời kì năm 1964, 1965 khi thu hồi đất của bố bà là cụ Chu Văn Phúc ở khu vực Bưu điện thị xã Hưng Yên hiện nay để xây dựng trụ sở HTX Tiền Tiến. 

Liên quan đến lời khai này, ngày 8/12/2016, UBND TP Hưng Yên có Công văn 1459 trả lời Tòa rằng: “Hiện nay, UBND TP không lưu giữ các tài liệu liên quan đến việc quy hoạch mở rộng đường Điện Biên vào thời điểm 1963-1964; việc thực hiện chế độ, chính sách di dời những hộ dân bị lấy đất để mở rộng đường Điện Biên... không được thể hiện trên văn bản cụ thể nào”. 

Mặt khác, tại biên bản làm việc với TAND TP Hưng Yên ngày 09/02/2017, Phòng TNMT TP Hưng Yên cho biết, không có sổ mục kê để xác định thửa đất của cụ Chu Văn Phúc, nhưng tại bản đồ năm 1963 thì thửa đất số 169 đã được ghi nhận là của HTX Tiền Tiến. 

Trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp, không có bất cứ một tài liệu nào xác định Nhà nước đã cấp đất (giao đất) này cho bà Cúc.

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

Ông Dũng khẳng định, năm 1964, ông Hanh là chồng của bà Cúc không có chỗ ở nên đã nhờ ông Dương Mạnh Tiến (thời kỳ đó là Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã) đến nói với ông Dũng cho  mượn đất mà gia đình ông để lại cho ông Lâm Hạnh Phúc (em ông Dũng, đang ở chiến trường) ở tạm, hứa khi nào ông Phúc về sẽ trả lại. 

Lời khai này đã được ông Dương Mạnh Tiến xác nhận (giấy chứng nhận ngày 12/7/1985). Mặt khác, tại Biên bản tính toán đền bù đất theo Quyết định 345/QĐ của UBND tỉnh Hải Hưng vào ngày 08/04/1989, Phòng Nông nghiệp - Thủy lợi thị xã Hưng Yên và UBND thị xã Hưng Yên đã xác định “do việc sử dụng đất giữa hai gia đình ông Dũng và bà Cúc trú tại số nhà 139 và 141 đường Điện Biên, Lê Lợi không được rõ ràng dẫn đến sự việc tranh chấp 39m2 phía hậu - mảnh đất này về nguồn gốc là của ông Lâm Thành Dũng, nhưng bà Cúc đã sử dụng hơn 10 năm mà chưa có văn bản sử dụng đất mà cũng chưa được sự nhất trí của ông Dũng”. 

Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp năm 1987 giữa bà Cúc và ông Dũng, LS Sơn cho rằng: “Đây là vụ kiện liên quan đến tranh chấp mốc giới sử dụng thực tế giữa gia đình bà Cúc và gia đình ông Dũng (để phân định cây xoan, nhà vệ sinh giữa hai nhà liền kề) mà không phải là vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Theo đó, những lời khai của các bên đương sự và thỏa thuận hòa giải của họ không có giá trị xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai. Các tài liệu trong hồ sơ vụ kiện này như: Biên bản ghi nhận lời khai; Biên bản hòa giải; Quyết định của Tòa án không có dấu của Tòa án, không có tên của Thẩm phán giải quyết vụ kiện nên không có giá trị pháp lý để làm chứng cứ trong vụ án này (nếu tòa án sử dụng)”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả phiên tòa tới đây.

Đọc thêm