Vụ “công ty điêu đứng vì nhà thầu Hàn Quốc chây ì trả nợ”: Dấu hiệu “lạm dụng chiếm đoạt tài sản”?

(PLVN) - Cơ quan Công an đã thụ lý đơn tố giác của Công ty CP Cơ điện Hoàng Hưng (Cty Hoàng Hưng, trụ sở tại quận 12, TP HCM) về việc Cty eTEC E&C Limited Hàn Quốc (Cty eTEC, có trụ sở tại Hàn Quốc, do ông Kyo Seon An là đại diện và văn phòng tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có khả năng tài chính nhưng không chịu trả nợ. Ngoài ra, Cty Hoàng Hưng cũng khởi kiện đến toà án.

Có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”?

Như PLVN thông tin, theo Cty Hoàng Hưng cung cấp thì ngày 4/10/2018, Cty này có giao kèo cung cấp kết cấu thép thành phẩm (làm ra các khung nhà xưởng và một số sản phẩm khác) cho eTEC (là nhà thầu triển khai thực hiện xây dựng công trình gói thầu HSVC1 PP-4 Dự án nhà máy sản xuất và kho LPG của Dự án xây dựng Nhà máy hoá chất Hyosung Vina tại Khu công nghiệp Cái Mép do Hyosung Vina làm chủ đầu tư). Hai bên thỏa thuận giá trị hợp đồng (tạm tính) là 71 tỉ đồng.

Phía Hoàng Hưng thực hiện các yêu cầu hơn 1.500 tấn khối lượng hàng hoá với số tiền hơn 56 tỉ đồng. Nhưng eTEC chỉ mới ứng 10 tỉ đồng và thanh toán hơn 9,6 tỉ đồng. 

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay: “Nếu Hoàng Hưng nhiều lần gửi thư yêu cầu thanh toán và qua thông tin sơ bộ thì eTEC có dấu hiệu vi phạm điều 175 BLHS năm 2015 (tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”). Khoản b, điều luật này quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Cơ quan công an cần xác minh xem tài khoản hoặc tài sản của eTEC có đủ trả nợ cho Hoàng Hưng hay không thì sẽ rõ. “Có khả năng trả nợ nhưng không thực hiện là quy định mới với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999”.

Ông Nguyễn Ngọc Hải (SN 1979, đại diện Cty Hoàng Hưng cho biết: “Có 705 tấn  hàng hoá với số tiền 28 tỉ đồng được Hoàng Hưng đã giao cho eTEC thành 4 đợt. Cả 4 đợt trên đều xuất hoá đơn. Hai lần đầu, eTEC có ký nhận hoá đơn và nhận hàng. Nhưng 2 lần sau khi giao hàng, eTEC nhận hàng nhưng không nhận hoá đơn.

Được biết, số hàng hoá này họ đã lắp ráp vào công trình. Hàng hoá của Hoàng Hưng họ đang sử dụng còn hoá đơn thì không và việc thanh toán tiền thì họ không thực hiện. Hoá đơn này Hoàng Hưng đã khai báo thuế đầy đủ. Đối với 813 tấn khối lượng hàng hoá trị giá hơn 28 tỉ đồng, Hoàng Hưng đã gia công thành phẩm nhưng eTEC không nhận. Buộc lòng Hoàng Hưng phải lưu trữ tại kho ở nhà máy”.

Đại diện Cty Hoàng Hưng cho rằng eTEC có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản vì nhận hàng hoá do Hoàng Hưng cung cấp sử dụng vào việc xây dựng Dự án nhưng từ chối trả tiền. 

“Hoàng Hưng yêu cầu eTEC trả tiền hàng hoá theo hoá đơn nhưng họ cũng không trả. Hàng đã nhận nhưng không trả tiền. Còn số hàng tồn kho eTEC chưa nhận thì giải quyết sau. ETEC cứ nói “không, cứ để giải quyết một lần”. Họ kéo mình gần 3 tháng nay rồi. Hoàng Hưng đã 10 lần gửi thư yêu cầu thanh toán nhưng eTEC tìm cách kéo dài, không chịu trả” - ông Hải kể.

 Mới đây, Cty Hoàng Hưng đã tố giác vụ việc đến Công an và VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đường cùng, phải khởi kiện ra toà

Theo ông Hải, “Khối lượng hàng hoá 705 tấn mà eTEC nhận đã được lắp ráp vào tầng 1, 2 của Dự án. Dù Dự án đến nay lắp ráp đến tầng 6 nhưng vẫn chưa thanh toán tiền cho Hoàng Hưng. “Mới đây nhất, eTEC tiếp tục gọi điện, gửi thư nói sẽ ngồi lại bàn bạc, thoả thuận việc thanh toán. Chúng tôi chờ cả tuần rồi vẫn không thấy eTEC đâu cả. Tôi thấy họ cứ như đang cố tìm cách kéo dài, không muốn trả tiền cho Hoàng Hưng”.

Theo Cty Hoàng Hưng, eTEC đã nhận 705 tấn hàng hóa và cho lắp ráp vào tầng 1, 2 của Dự án nhưng vẫn chưa thanh toán tiền cho Hoàng Hưng.
Theo Cty Hoàng Hưng, eTEC đã nhận 705 tấn hàng hóa và cho lắp ráp vào tầng 1, 2 của Dự án nhưng vẫn chưa thanh toán tiền cho Hoàng Hưng.

Nhiều lần đòi không được, Hoàng Hưng buộc phải khởi kiện đến toà án. Ngày 24/5/2019, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có ra Thông báo thụ lý vụ án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 05/2019/TB –TLVA. 

“Việc khởi kiện là điều không mong muốn. Nhưng Hoàng Hưng phải chấp nhận. Vì phía eTEC không hợp tác trả nợ”, ông Hải nói.

Về lý do Hoàng Hưng vẫn thực hiện hợp đồng dù tiền hoá đơn trước chưa trả, ông Hải nói: “Về khối lượng, eTEC nói sẽ nghiệm thu và tính theo thực tế. Hợp đồng là 71 tỉ thì họ đã tính toán được khối lượng những gì, chi phí bao nhiêu rồi, có bản vẽ. Đó là con số ban đầu đưa ra đưa ra có thể bằng hoặc vượt hơn 5 – 10% thì tính theo khối lượng thực tế mà trả tiền.

Và khi làm thì cắt từng đoạn. Hoàng Hưng có thuê một chuyên gia người Hàn Quốc. Chính người này lấy hợp đồng về, ổng đàm phán dưới đó, giao cho ổng quản lý dự án luôn. Bên Ban giám đốc uỷ thác và tin ổng. Hợp đồng ổng có ký nháy.

Chính vì cái đó mà phát sinh cái này. Trước giờ Hoàng Hưng làm ăn trong nước chưa từng xảy ra chuyện này. Nếu có vấn đề thì báo hai bên ngồi lại, đàm phán. Còn lần này giao cho ông này, nghĩ sẽ ổn. Cuối cùng xảy ra chuyện”. 

Hết tháng 11/2020, eTEC sẽ về Hàn Quốc?

Trên internet, PV tìm thấy một Văn bản số 01/2018 ngày 05/09/2018 của eTEC gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài. Theo đó, eTEC là nhà thầu có địa chỉ 246 Yangjae-daero, Seocho-gu, Seoul, Korea.

Văn bản chỉ ghi gói thầu, địa chỉ gói thầu tại KCN Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), không hề có địa chỉ văn phòng đại diện hoặc liên lạc. Giấy phép nhà thầu (hoạt động) số 61/2018/QĐ-HĐXD ngày 13/07/2018 do Cục Quản lý hoạt động xây dựng cấp. Các vị trí ứng tuyển đều có thời hạn làm việc tới ngày 30/11/2020.

Theo Cty Hoàng Hưng, nếu eTEC về nước thì khoản nợ của Hoàng Hưng sẽ “khó đòi hơn lên trời…” nên rất cần các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ, giúp Hoàng Hưng nhanh chóng đòi lại số tiền theo giá trị hàng hoá đã cung cấp cho eTEC.

Đọc thêm