Khoe con quá đà
Tôi có chị bạn hàng xóm tên Xuân nghiện chụp ảnh con, đưa lên facebook rồi chờ bình luận. Có người khen, người chê, có người chẳng bình luận gì. Ngay từ khi con gái vừa ra đời, chị đã dùng điện thoại chụp đưa lên. Đến nay con ba tuổi, thói quen ấy cũng tăng theo cấp số nhân. Lúc con quấy khóc, con nghịch ngợm, con ăn sô-cô-la nhoe nhoét miệng, thậm chí lúc con ị, người mẹ trẻ tuổi này cũng chụp, đưa lên rồi tự bình luận: “Yêu không nào. Tuyệt vời. Quá đẹp. Ru bi của mẹ đáng yêu quá!”.
Đã có người nhảy vào bình luận, nói là nhảm nhí. Nhưng Xuân không những không ngại mà còn lôi kéo thêm nhiều chị em cùng ở nhà nội trợ, chăm con vào bình luận. Có khi rủ nhau đi chụp, rồi thi xem con ai đáng yêu hơn.
Cạnh nhà chị Xuân, chị Lê Thị Uyên có cô con gái 12 tuổi cũng thích khoe con. Chị khoe dáng con ngồi, lúc con tắm bể bơi, lúc ngồi ăn, ngồi học bài, và cả hình ảnh lúc con gái ngủ ở tư thế xấu xí nhất. Có khi chị Uyên còn viết cả một đoạn cảm xúc dài về tình cảm dành cho con, ước mơ cho con đi học nước ngoài thế nào, gả chồng cho nó ra sao. Rồi còn cả chuyện con gái 12 tuổi đã biết thích bạn trai, có bạn trai gọi điện đến. Nhưng chị Uyên không hề biết con gái 12 tuổi của chị có tài khoản facebook và cũng thường xuyên vào “phây” của chị.
Những hình ảnh xấu xí chị chụp về con đưa lên kèm với những lời bình luận tai quái của người khác đã khiến cô con gái từ khó chịu đến bị tổn thương. Trong một đoạn status, cô con gái viết: “Mình không thể chịu nổi mẹ mình nữa. Lúc thì nói cho mình lên mây, khen ơi là khen. Lúc lại chụp dáng nằm của mình xấu xí đưa lên. Còn cả chuyện riêng tư nữa. Mình đã bị các bạn chê cười rồi. Bực quá!”.
Khi các bạn học vào bình luận, nói hành động của mẹ như vậy là không được, con gái chị Uyên mới phản ứng với mẹ. Hai mẹ con đã to tiếng với nhau. Tổ ấm thành ra mất vui. Chị Uyên rất ân hận vì những gì mình đã làm. Chị chia sẻ: “Mình chỉ nghĩ đó là trò vui thôi, con gái sẽ không biết đâu. Ai ngờ con gái lớn rồi, biết giữ hình ảnh rồi”.
Một số trường hợp nặng hơn xảy ra trong thời gian qua là có những đứa trẻ do bố mẹ chụp ảnh đưa lên mạng, còn đưa cả những lời bình luận khiến con cái đọc được cảm thấy tủi thân. Nhiều em béo phì, học kém, thiểu năng... bố mẹ cũng vô tư nói mà không giữ mồm giữ miệng, khi các em đọc được đã rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn. Có em còn dọa tự tử nếu bố mẹ không dừng việc đăng ảnh và biết tôn trọng quyền riêng tư của con cái.
|
Có mẹ còn chụp nguyên bộ phận sinh dục và bãi phân của con đăng trên mạng xã hội. |
Vô tình biến con thành “món hàng”
Việc các ông bố, bà mẹ ganh đua nhau, khoe con trên mạng, khoe chuyện gia đình hay những đồ, vật dụng mới mua được là quyền cá nhân. Song, tạo ra một thế giới ảo, tán dương nhau, hoặc cãi cọ nhau và không chịu dừng lại, đến một cái ngưỡng nhất định sẽ nảy sinh mâu thuẫn khó lòng xóa được.
Chị Trần Hoài Thu, trú tại Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng từng khoe ảnh con. Nhưng cháu trai nhà tôi đã 14 tuổi, nó biết xấu hổ và còn dọa sẽ nghỉ học nếu tôi không dừng việc đăng ảnh. Ai cũng nghĩ là cho vui, nhưng hậu quả là vừa mất thời gian, vừa có nguy cơ mâu thuẫn gia đình. Vậy nên theo tôi, phải cân nhắc trước khi đưa ảnh con lên mạng”.
Theo nhiều chuyên gia xã hội học, bố mẹ thường vô cùng tự hào về con yêu, đặc biệt là các thiên thần bé bỏng của mình và luôn muốn lưu giữ từng khoảnh khắc bé lớn lên. Song, việc đăng những bức ảnh này lên mạng xã hội có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà các bậc phụ huynh không lường trước được. Cụ thể hơn, dưới góc độ tâm lý, khoe con nói chung và khoe con trên mạng xã hội nói riêng dù ít cũng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tới quá trình phát triển của các em. Với những trẻ đã đến trường, việc cha mẹ thường xuyên “đưa con lên chín tầng mây” trên mạng có thể làm trẻ lầm tưởng mình đã giỏi, đã ngoan. Lâu dần xuất hiện tình trạng giảm động lực phấn đấu vươn lên ở trẻ.
Bên cạnh đó, việc khoe ảnh con trên mạng xã hội còn tiềm ẩn một sự nguy hiểm vô cùng lớn khác. Chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo rất nhiều bậc cha mẹ đang khoe ảnh con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ các thiết lập riêng tư, khiến "cơ hội" rơi vào tay kẻ xấu của những tấm ảnh này rất cao. Mới đây, trên mạng xã hội cũng đang lan truyền nhau sự cảnh báo đó, khi các đường dây mại dâm trẻ em lấy những hình ảnh trẻ em được đăng tải trên facebook để “chào hàng”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh - chuyên viên tư vấn tâm lý cho tổng đài 1088 cho rằng, có quá nhiều việc mà người bố, người mẹ cần quan tâm là dạy dỗ con cái thay vì chỉ dành thời gian chụp ảnh, post lên và chờ người “like”. Hãy học người Nhật, họ không chỉ khoa học trong dạy con mà việc lưu giữ hình ảnh của con như thế nào cũng là vấn đề công phu, nhưng rất tế nhị chứ không phải theo tình trạng phong trào, a dua như ở ta.