Vinh quang đã lùi xa
Tất nhiên, không thể phủ nhận Mourinho là huấn luyện viên giỏi. Năm 2004, ông bước ra ánh sáng cùng Porto với chiếc cúp UEFA Champions League khiến cả thế giới bóng đá choáng váng. Thời điểm đó, chẳng mấy người biết Mourinho là ai, và Porto cũng chỉ là câu lạc bộ hạng trung ở châu Âu. Vì thế thành tích của đội bóng này tại UEFA Champions League được ví như việc Đan Mạch giành cúp tại Euro 1992.
Những chuỗi ngày sau đó, báo chí phân tích nhiều về Mourinho, về cá tính không giống ai cùng lối đá thực dụng mà người ta cho là rất khó chịu của ông. Sau đó chỉ khoảng hơn 1 tháng, những đồng rúp của tỉ phú Abramovic đã đưa Mourinho đến với Chelsea. Thời điểm Chelsea đang có đội hình rất chất lượng với những tến tuổi hàng đầu như Frank Lampard, John Terry, Joe Cole, Hernán Crespo… và tất nhiên cả Arjen Robben.
Ngay lập tức truyền thông xứ sở sương mù phát sốt với phát ngôn tự nhận mình là “người đặc biệt” của Mourinho. Và ông đã chứng minh mình đặc biệt như thế nào. Chân ướt chân ráo đến Chelsea, Mourinho đã mang về danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh (Premier League) mà đội chủ sân Stamford Bridge chờ đợi suốt nửa thế kỷ. Mùa giải đó, điều khủng khiếp nhất mà Chelsea khiến đối phương phải ngao ngán là sự chắc chắn đến mức không tưởng.
MU run rẩy đấu Arsenal, HLV Mourinho sắp lên đoạn đầu đài? |
Trong suốt 38 trận, hàng thủ Chelsea chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 15 lần. Sau 1 danh hiệu Premier League giành được cùng Chelsea (mùa giải 2005/2006), Mourinho phải khăn gói rời Chelsea để đến Inter Milan ở mùa hè năm 2008. Có nhiều lý do xoay quanh việc Mourinho bị sa thải, nhưng tựu trung, vẫn là những bất đồng với ông chủ Abramovic và việc không thể mang về chiếc cúp UEFA Champions League cho Chelsea, thứ mà vị tỉ phú người Nga khao khát nhất. Nhiều cổ động viên của Chelsea đã chỉ trích chủ tịch Abramovic đã sa thải Mourinho quá sớm, nhất là khi chỉ mùa giải thứ 2 dẫn dắt Inter Milan, Mourinho đã mang về cú ăn 3 vĩ đại, trong đó có chiếc cúp UEFA Champions League mà nửa xanh thành Milan đã chờ đợi suốt 35 năm ròng rã.
Chưa kể, trong hành trình lên ngôi năm 2010, chính Inter Milan của Mourinho đã loại Chelsea của Ancelotti ở vòng bán kết. Năm đó, Mourinho đi vào ngôi đền huyền thoại khi nằm trong số ít các huấn luyện viên có 2 lần lên ngôi tại giải đấu cao nhất châu Âu. Cả thế giới phải ngả mũ trước lối chơi đầy khoa học, hiệu quả đến kinh ngạc mà Inter thể hiện. Tuy nhiên, sau khi giành được vinh quang, Mourinho lại tìm đến bến đỗ mới. Lần này là Real Madrid của chủ tịch Florentino Perez.
Mùa giải 2011/2012, Mourinho đã dẫn dắt Real giành danh hiệu La Liga vốn thuộc về Barcelona thời điểm đó đang gieo rắc nỗi khiếp sợ cho cả châu Âu với những tên tuổi như Messi, Xavi, Iniesta và Huấn luyện viên Guardiola. Mùa giải đó, Mourinho đã thể hiện một bộ mặt khác. Real chơi hào hoa, tốc độ nhưng vẫn bảo đảm sự chắc chắn. Hàng phòng ngự chỉ để thủng lưới 32 bàn (chưa đến 1 lần/trận), hàng công thì ghi đến 121 bàn (trung bình hơn 3 bàn/ trận).
Tuy nhiên, cuối cùng, Mourinho vẫn phải ra đi, vì chiếc cúp quốc nội không đủ khiến bộ sậu Real hài lòng. Họ mong chờ nhiều hơn là 3 lần liên tiếp chỉ dừng chân ở bán kết giải đấu danh giá nhất châu Âu. Cũng kể từ khi chia tay Real Madrid, người ta không còn thấy Mourinho dẫn dắt các đội bóng tiến sâu để giành chiếc cúp danh giá UEFA Champions League. Ông lần lượt trải qua các câu lạc bộ Chelsea (năm 2013-2015), Man United (2016-2018) và bây giờ là Tottenham nhưng đến thời điểm hiện tại không tạo được nhiều dấu ấn. Không phải chỉ nhiều chuyên gia, người hâm mộ cũng nhận Mourinho không còn đặc biệt. Bản thân chiến lược gia Bồ Đào Nha cũng đã có 2 lần thay đổi “nick name”.
Lần trở lại Chelsea năm 2013, ông tự gọi mình là “người hạnh phúc” và lần chuyển đến Tottenham, ông nhận mình là “người khiêm tốn”. Nhưng phải thừa nhận một điều, Mourinho đã hết phép và mất đi sự đặc biệt của mình. Ông ít có những phát ngôn gây sốc hơn, giảm các cuộc tranh luận vô bổ với những đồng nghiệp. Và quan trọng hơn cả, những dấu ấn chiến thuật của ông cũng đã phai nhạt.
Đã bị “bắt bài”
Hãy xem màn thể hiện của Tottenham từ khi Mourinho lên nắm quyền. Tính cả chiến thắng đầy kịch tính trên sân của West Ham ngày ra mắt, ông đã ngồi trên băng ghế chỉ đạo đội bóng thành Luân Đôn tổng cộng 22 trận, chỉ thắng 11 trận (tỷ lệ 50%). Tottenham thủng lưới 33 bàn, là con số khó chấp nhận được với 1 huấn luyện viên được coi là bậc thầy phòng ngự. 4 trận đấu gần nhất, Tottenham thua cả 4, trải qua cả 3 giải đấu quan trọng nhất là Premier League, UEFA Champions League và FA Cúp.
Trong đó, bị Norwich loại tại FA Cup hay thua Wolveshampton tại Premier League là những thất bại khó lòng bào chữa. Những thất bại này đã bộc lộ rất rõ những lỗ hổng về chuyên môn của Mournho. Phát biểu sau trận thua 2-1 trước Chelsea, ông đã phải thừa nhận đã bị đối thủ bắt bài. Và quả thật, đây là trận đấu mà Huấn luyện viên Lampard đã dắt mũi người thầy cũ, từ cách bố trí nhân sự cho đến lối chơi. Mourinho phàn nàn về chấn thương của hai trụ cột là Harry Kane và Son Heung-min.
Nhưng đó không phải là sự lý giải dành cho những huấn luyện viên hàng đầu. Sự sa sút hay chấn thương của những trụ cột khi phải căng mình ở nhiều mặt trận là điều được dự báo trước. Huấn luyện viên cần phải có phương án chiến thuật phù hợp với những cá nhân lành lặn còn lại. Để đánh giá về những thất bại của Mourinho có thể khái quát chung là vì nghệ thuật phòng ngự và bản lĩnh thép, vốn tạo ra “người đặc biệt” bây giờ đã không còn.
Chính vì thế, kể từ mùa 2014- 2015, Mourinho trở nên rất “yếu bóng vía” khi gặp các đối thủ mạnh. Qua tay cả Chelsea, Man United đến Tottenham, Mourinho có 21 trận sân khách với các đội bóng top 6 Premier League và chỉ thắng 3, thua 11, ghi được 20 bàn thắng và 37 lần thủng lưới. Mùa giải này, Mourinho chỉ thắng Man City trong thế trận lép vế hoàn toàn nhưng gặp may khi đối phương bất ngờ chơi thiếu người do thẻ đỏ. Còn lại, họ thua Man United, Chelsea, Liverpool ở Premier League và Bayern, Leipzig ở cúp châu Âu.
Chưa kể, trong cả 3 lần đối đầu với người học trò cũ Frank Lampard, Mourinho đều phải chấp nhận thất bại. Lampard cũng trở thành người đầu tiên đánh bại Mourinho cả 2 lượt trận trong cùng một mùa giải Premier League. Đó đều là các thất bại Mourinho phải tâm phục khẩu phục, bởi những chiến thuật mà ông quen sử dụng khi gặp các đối thủ khác như tâm lý chiến trước trận đấu hay thế trận phòng ngự chủ động đều không phát huy tác dụng. Mourinho không hẳn chưa làm được gì cho Tottenham.
Lối chơi có phần khởi sắc hơn, những chiến thắng cũng đến nhiều hơn so với giai đoạn khủng hoảng đầu mùa giải. Tuy nhiên, những chiến thắng (đôi khi thiếu thuyết phục) không thể che lấp những thất bại. Tất nhiên, Mourinho hiểu điều gì sẽ chờ mình nếu đội bóng ông dẫn dắt không đạt được mục tiêu các ông chủ đề ra. Khi đó, chắc chắn không còn “người đặc biệt”. Thậm chí, cũng chẳng còn “người hạnh phúc” hay “người khiêm tốn” mà chỉ còn lại một huấn luyện viên thất bại và “đoạn đầu đài” đã ở ngay trước mắt.